Tại Harare, Zimbabwe, nơi có thị trường chứng khoán tăng giá mạnh nhất thế giới, đà tăng liên tục diễn ra với những con số gây “chóng mặt”: 5%, 10% hay thậm chí là 20% chỉ trong 1 phiên. Và trong năm nay, TTCK nước này tăng 800%.
Tuy nhiên, ở một đất nước mà xu hướng tăng thường đi kèm với những đợt lao dốc và cuộc khủng hoảng tiền tệ tiếp theo luôn cận kề, thì đà hồi phục thần tốc này lại không mang đến niềm vui.
Các nhà quan sát ở thị trường này cho biết, đây là dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư đang chuẩn bị cho vòng xoáy lạm phát và tìm cách phòng hộ khi giá trị đồng tiền sụt giảm. Giá tiêu dùng ở Zimbabwe tăng với tốc độ hàng năm hơn 100%, là mối lo ngại lớn cho 1 quốc gia vốn đã chịu những vết sẹo của siêu lạm phát.
TTCK nước này chỉ có quy mô rất nhỏ, với tổng vốn hoá là 1,8 tỷ USD, thấp hơn so với Nam Phi với giá trị vốn hoá 1 nghìn tỷ USD. Song, đây vẫn là nơi nhà đầu tư địa phương có thể dễ dàng giao dịch. Và với việc đồng ZWD giảm mạnh gần như hàng ngày, thì ít doanh nghiệp nào sử dụng đồng nội tệ để thanh toán cho các thương vụ lớn, như mua bất động sản, ô tô và nhiên liệu.
Tatenda Nemaungwe, 36 tuổi, là một trader ở Harare, đã nghỉ việc là cố vấn tài chính cách đây 5 năm để quản lý danh mục đầu tư cá nhân. Anh cho hay: “Trước những bất ổn như vậy, toàn bộ số ZWD sẽ được đổ vào TTCK. Tôi như đang cưỡi một con ngựa đã chết.”
Trung bình mỗi tháng, Tatenda kiếm được gấp 10 lần mức lương cũ là 1.500 USD nhờ chu kỳ mà anh gọi là “tăng giá không ngừng nghỉ.”
Chứng khoán Zimbabwe đã nhanh chóng “vượt mặt” những thị trường tăng giá mạnh khác trong năm 2023. Chỉ số Merval của Argentina chỉ tăng gấp 2 lần, trong khi S&P 500 tăng 16%.
Trước những khó khăn về kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phần lớn đã rời bỏ thị trường Zimbabwe và hiện chỉ chiếm 15% tổng số lượng giao dịch. Ngoài ra, doanh thu của các sàn giao dịch lớn ở Zimbabwe cũng chỉ khoảng 650.000 USD/ngày, trong khi Phố Wall là 240 tỷ USD.
Thị trường chìm trong hỗn loạn, cùng biến động giá mạnh đã thu hút khoảng 23.000 nhà đầu tư nhỏ lẻ, trong đó có Simba Nyamadzawo. Anh lần đầu tiên giao dịch cổ phiếu vào tháng 10, bằng chiếc smartphone của mình. Simba cho hay: “Tôi ở đây để tìm kiếm lợi nhuận.”
Nhà đầu tư ở Harare có 55 doanh nghiệp để lựa chọn. Phổ biến nhất là các mã bluechip như nhà sản xuất đồ uống Delta Corp., nhà cung cấp dịch vụ viễn thông Econet Wireless Zimbabwe Ltd. và tập đoàn thanh toán điện tử EcoCash Holdings Zimbabwe Ltd.
Đây là một trong những cổ phiếu có thanh khoản cao nhất trên sàn Zimbabwe, là những doanh nghiệp cung cấp sản phẩm và dịch vụ mà người dân nước này tin tưởng. Yếu tố này càng góp phần thúc đẩy doanh thu và lợi nhuận của họ, bất chấp lạm phát tăng phi mã.
Tuy nhiên, việc đầu tư cũng không hoàn toàn là “con đường trải hoa hồng”. Hồi tháng 5, đồng ZWD đã rớt giá tới 84% và xoá 1 nửa giá trị danh mục đầu tư của Simba. Đây chỉ là một bước thụt lùi tạm thời và anh vẫn mua thêm cổ phiếu khi cho rằng yếu tố kích hoạt đà tăng giá tiếp theo là cuộc tổng tuyển cử vào tháng 8.
Theo Hasnain Malik, phụ trách bộ phận thị trường mới nổi và cận biên của công ty nghiên cứu Tellimer, nhà đầu tư nước ngoài khó thể bị thu hút bởi đợt tăng giá mới nhất này. Ông nhận định: “Lợi nhuận mà nhà đầu tư có được hoàn toàn nhờ vào việc tìm cách phòng hộ trước tình hình lạm phát. Hơn nữa, TTCK nước này được giao dịch nhiều bởi nhà đầu tư địa phương, khi họ ít đặt niềm tin vào đồng nội tệ và khó tiếp cận với đồng USD.”
Đối với nhà đầu tư Zimbabwe, mối lo lắng về động thái của các cơ quan quản lý sẽ sớm chấm dứt bữa tiệc trên TTCK. Vào năm 2020, giới chức nước này đã đóng cửa sàn Zimbabwe trong 5 tuần, cho rằng việc đầu cơ vào các cổ phiếu ở nước ngoài đang làm suy yếu đồng ZWD.
Trong khi đó, Simba không có kế hoạch “trụ lại” quá lâu. Anh nói: “Nếu đổ tiền vào ngày hôm nay và thu về lợi nhuận vào ngày mai, tôi sẽ nhanh chóng rút tiền.”
Anh chia sẻ rằng việc dự đoán tương lai khi nền kinh tế biến động quá mạnh là điều rất khó. Simba dự định sẽ không giao dịch quá 5 năm.
Tham khảo Bloomberg