Những ngày gần đây, thông tin về một doanh nghiệp cổ phần với số vốn 144.000 tỷ đồng vừa được Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đang gây xôn xao dư luận do số tiền quá lớn, vượt qua cả nhiều doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam.
Đó là CTCP Tư vấn đầu tư quốc tế và dịch vụ thương mại USC (USC Interco), có trụ sở chính tại Số 10, ngõ 234 đường Thôn Lai Xá, Xã Kim Chung, Huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội.
Tuy nhiên, điều đáng nói là, theo sự ghi nhận của báo chí, doanh nghiệp này có trụ sở nằm trong một ngõ nhỏ ở ngoại thành Hà Nội. Một trong ba thành viên cổ đông góp vốn lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng thừa nhận mình chỉ là người kinh doanh nhỏ lẻ, thậm chí phải "chạy ăn từng bữa".
Điều này làm dấy lên câu hỏi, nếu doanh nghiệp trên bị cơ quan Nhà nước xác định là khai "vốn ảo" thì sẽ bị xử lý thế nào?
Trả lời trước đó về việc "siêu doanh nghiệp" xin cấp giấy phép thành lập, đại diện Cục Đăng ký Kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trường hợp này đã được khoanh vùng và theo dõi ngay từ đầu, vì số vốn đăng ký quá "khủng".
"Ngay khi nhận được thông tin, hồ sơ đăng ký qua mạng, chúng tôi đã thấy bất thường nên gọi điện hỏi lại người đại diện theo pháp luật là có phải ghi nhầm số không. Nhưng họ nói là không ghi nhầm. Theo luật doanh nghiệp, chúng tôi vẫn cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nhưng xác định theo dõi sát sao", người này cho biết.
Vị này cũng thông tin, cơ quan quản lý đã thông báo, dẫn giải chi tiết đến chủ doanh nghiệp về nghĩa vụ việc phải góp đủ số tiền đã đăng ký trong vòng 90 ngày, nếu không sẽ bị xử lý. Cụ thể, nếu sai phạm sẽ bị xử phạt và buộc khắc phục hậu quả bằng cách đăng ký lại đúng số vốn thực tế.
Căn nhà được đăng ký làm trụ sở của doanh nghiệp 144.000 tỷ đồng. (Ảnh: Zing)
Theo Nghị định 50/NĐ-CP về xử phạt hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch đầu tư có quy định rõ: Phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng đối với hành vi lập hồ sơ dự án đầu tư không trung thực, không chính xác để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chủ trương đầu tư.
Ngoài ra, nếu trong trường hợp doanh nghiệp không huy động đủ, đúng thời hạn số vốn đã đăng kí có thể bị phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng.
Trong Điều 17 của Luật Doanh nghiệp 2014 đã quy định, các hành vi bị nghiêm cấm gồm: Kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và nội dung hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp. Kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký; cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị.
Đại diện Cục Đăng ký kinh doanh cũng thông tin: "Nhiều người hỏi tại sao thấy nghi ngờ mà vẫn cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Chúng tôi cũng xin nói rõ luôn: Theo luật doanh nghiệp thì đây là hồ sơ hợp lệ nên chúng tôi làm đúng theo thủ tục là cấp chứng nhận cho họ. Nghĩa vụ của doanh nghiệp là góp đủ con số cam kết trong vòng 90 ngày".
Tại Khoản 7, Điều 8, Luật Doanh nghiệp 2014, quy định rõ nghĩa vụ của Doanh nghiệp: Doanh nghiệp chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và các báo cáo; trường hợp phát hiện thông tin đã kê khai hoặc báo cáo thiếu chính xác, chưa đầy đủ thì phải kịp thời sửa đổi, bổ sung các thông tin đó.
Trong trường hợp này, Cục Đăng ký kinh doanh đã gửi thông tin doanh nghiệp cho các cơ quan thuế, thanh tra. "Trường hợp này chúng tôi đã khoanh vùng ngay từ đầu để theo dõi.
Trong báo cáo tình hình doanh nghiệp, để tránh tình trạng vốn ảo làm bức tranh vĩ mô doanh nghiệp khác đi, chúng tôi cũng nói rõ tình hình đăng ký vốn trong trường hợp tách doanh nghiệp 144.000 tỷ đồng ra. Chúng tôi thấy có sự bất thường nên phải giám sát ngay".
Hiện, cơ quan chức năng vẫn đang đợi 90 ngày để kiểm tra, kết luận chính xác về trường hợp của USC Interco.