Các phương tiện truyền thông, đặc biệt là truyền thông Nga, đăng tải nhiều bài viết về phản ứng của Nga với các loại vũ khí tương đương, đó là tên lửa hành trình Kalibr phóng từ xe phóng cơ động, tên lửa tầm trung được phát triển từ tổ hợp Iskander-M nổi tiếng, dự án tên lửa tầm trung RSD-10 -3 "Pioner-3" đang đóng băng.
Cần nhận thức rõ ràng, những thành tựu của Liên Xô trong công nghệ tên lửa buộc các chính khách Nhà Trắng phải bắt tay với Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô thời bấy giờ là Mikhail Gorbachev ký một hiệp ước về giải trừ lực lượng hạt nhân tầm trung và tầm gần năm 1987.
Hơn thế nữa, Washington rất lo sợ tổ hợp tàu hỏa phóng tên lửa đạn đạo Molodets (BRZK, định danh NATO là Scalpel – Dao mổ), được đưa vào biên chế ngày 28.11.1987.
Bằng đoàn tàu này, không thể tìm được các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân trên những đoàn tàu hỏa giống hệt tàu vận tải thương mại. Ngay cả trong tình huống phát hiện được, cũng không thể ngăn chặn được các hệ thống này phóng đạn. Đến cuối năm 1989, Liên Xô triển khai 56 bệ phóng (ba sư đoàn tên lửa) trên lãnh thổ của Nga và Ucraina.
Các chuyên gia Mỹ từng hết sức cố gắng phát triển một tàu hỏa “tên lửa hạt nhân” tương tự như Molodets. Các chuyên gia từ Boeing, Martin Marietta, Westinghouse Marine Division và St. Công ty ô tô Louis đã không thể hoàn thành dự án này.
Người Mỹ phát triển dự án Peacekeeper Rail Garrison mang theo hai tên lửa LGM-118A, Peacekeeper có thể tấn công các mục tiêu chiến lược trên tầm bắn đến 14.000 km với mười đầu đạn có đương lượng nổ từ 300 đến 475 kiloton.
Năm 1990, nguyên mẫu tàu hỏa Peacekeeper được chế tạo, các thử nghiệm diễn ra đến cuối năm 1991, nhưng sự tan rã của Liên Xô khiến Washington thay đổi quan điểm về dự án. Dự án đã bị dừng lại và kết thúc. Một dự án tàu hỏa mang Minuteman di động khác cũng bị đóng băng do chi phí cao và phức tạp trong việc thiết kế và chế tạo.
Sự sụp đổ của Liên Xô giáng 1 đòn chí mạng vào lực lượng tàu hỏa “tên lửa hạt nhân” Molodets . Các tên lửa 15Zh61 biên chế cho đoàn tầu, được sản xuất tại Nhà máy cơ khí Pavlograd (PO Yuzhmash, thuộc lãnh thổ Ucraina).
Năm 1992, đoàn tàu hỏa “tên lửa hạt nhân” ở Ucraina bị thanh lý và tháo dỡ. Hai hiệp ước giảm thiểu vũ khí hạt nhân chiến lược START-I do Gorbachev và START-2 do Yeltsin ký trong giai đoạn 1993-2002 khiến tàu hỏa “tên lửa hạt nhân” bị hạn chế di chuyển trên lãnh thổ Nga và sau đó chấm dứt mọi hoạt động sẵn sàng chiến đấu.
Mặc dù có những ưu điểm chiến lược, nhưng tàu hỏa “tên lửa hạt nhân” Molodets vẫn có nhược điểm, do có thể nhận biết được bằng mắt thường. Do trọng lượng của tên lửa (bệ phóng với tên lửa 15Zh61 nặng gần 100 tấn), đoàn tầu cần có tới ba đầu máy diesel, toa tàu chứa tên lửa và hệ thống phóng có thêm các trục bánh xe, do đó rất khó lẫn với các tàu vận tải thông thường.
Đến năm 2003, hệ thống điều khiển hỏa lực và dẫn đường đoàn tàu trở nên lỗi thời, không phù hợp với hệ thống điều khiển hiện đại hơn.
Chính vì vậy, Bộ quốc phòng Nga quyết định không khôi phục lại dự án Molodets và những đoàn tàu sẵn có, trên cơ sở đó lập tức phát triển một phiên bản tầu hỏa “tên lửa hạt nhân” hiện đại mới mang tên Barguzin. Trung tướng Vladimir Gagarin, Phó chỉ huy Lực lượng tên lửa chiến lược, báo cáo chuyên đề phát triển các đoàn tàu “tên lửa hạt nhân” lần đầu tiên năm 2009.
Năm 2011, Trung tướng Sergei Karakayev, Tư lệnh trưởng Lực lượng tên lửa Chiến lược, khẳng định lực lượng đang nghiên cứu phát triển dự án này. Năm 2013, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Yury Borisov tuyên bố bắt đầu công việc phát triển một thế hệ tàu hỏa “tên lửa hạt nhân” mới, mang tên Barguzin.
Dự thảo thiết kế và tài liệu thuyết trình được chuẩn bị năm 2014, những thử nghiệm kiểm tra sơ lược đầu tiên được thực hiện năm 2016. RS-24, có trọng lượng 49 tấn được chọn làm tên lửa tàu hỏa (tên lửa RS-26/24 Yars-M có tầm bắn 6.000 đến 11.000 km, 4 đầu đạn + 4 đạn giả, đương lượng nổ lên tới 300 kt).
Lợi thế này giúp các nhà công nghiệp quốc phòng Nga có thể chế tạo bệ phóng đặt trên toa hàng hóa có tải trọng 66-68 tấn tiêu chuẩn.
Chính vì vậy, tầu hỏa “tên lửa hạt nhân” mới không chỉ nhẹ nhàng hơn, có thể đi trên mọi đường sắt không cần gia cổ và hoàn toàn giống bất cứ đoàn tàu vận tải nào, không thể phân biệt được bằng tất cả các phương tiện trinh sát trên không và trên vũ trụ của kẻ thù tiềm năng.
Tên lửa RS-24 chỉ có 4 đầu đạn nếu so với 10 đầu đạn tên lửa 15ZH61, nhưng Barguzin có số lượng bệ phóng gấp đôi và đầu đạn RS-24 có khả năng chọc thủng các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có và tương lai do khả năng tự thay đổi đường bay không thể dự đoán trước được.
Chính vì vậy, tàu hỏa “tên lửa hạt nhân” Barguzin có thể sẽ là một câu trả lời khác cho các chiến lược gia của NATO và Mỹ.
Hiện nay, Matxcơva đang tạm đình chỉ phát triển hệ thống tàu hỏa Barguzin, nhưng việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF có thể bật đèn xanh cho dự án này và các đoàn tàu “tên lửa hạt nhân” lại cơ động sẵn sàng chiến đấu trên mạng lưới đường sắt Nga, có thể hủy diệt bất cứ mục tiêu nào trên chiến trường châu Âu và Mỹ nếu bùng phát cuộc chiến hạt nhân.