Say rượu, bỏ xe để trốn lỗi vi phạm nồng độ cồn có thể bị xử lý thế nào?

Trang Anh |

Để trốn việc thực hiện đo nồng độ cồn, các tài xế đã tăng ga bỏ chạy gây nguy hiểm cho lực lượng chức năng và người đi đường.

Ngày 25/1, Công an huyện Tân Yên (Bắc Giang) cho biết đang tạm giữ Hà Quang Tùng (SN 1981, trú tổ dân phố Tiến Thắng, thị trấn Nhã Nam, huyện Tân Yên) để điều tra, làm rõ hành vi chống người thi hành công vụ.

Tùng được xác định là người đã lái xe bán tải "thông chốt" CSGT để bỏ trốn đo nồng độ cồn.

Cụ thể, trước đó vào khoảng 20h28 ngày 24/1, tổ công tác của Công an huyện Tân Yên (Bắc Giang) tiến hành dừng ô tô bán tải biển số 29H-551.42 để kiểm tra nồng độ cồn.

Tuy nhiên, tài xế không chấp hành hiệu lệnh mà điều khiển ô tô đâm thẳng vào tổ công tác, làm Trung úy Nguyễn Văn Tấn (cán bộ tổ công tác) bị thương.

Quá trình bỏ chạy, Tùng lái ô tô kéo theo xe máy công vụ biển số 98B1 dưới gầm xe. Clip cho thấy chiếc xe máy bị kéo lê dưới mặt đường tóe lửa.

Kiểm tra nồng độ cồn: Người "thông chốt", kéo xe CSGT tóe lửa, người bỏ cả xe để trốn phạt- Ảnh 1.

Hình ảnh tài xế kéo chiếc xe công vụ tóe lửa trên đường - Ảnh cắt từ clip TTO

Ngay khi sự việc xảy ra, tổ công tác đã triển khai lực lượng truy đuổi. Bỏ chạy được khoảng 5km, đến địa phận xã Tân Trung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, Tùng đã bỏ lại ô tô và rời khỏi hiện trường.

Lực lượng chức năng thuộc Công an huyện Tân Yên đã truy tìm và làm việc với nam tài xế vào khoảng 2h30 rạng sáng 25/1 (hơn 6 tiếng sau khi xảy ra sự việc). Người này khai nhận đã uống 5 chén rượu từ trưa 24/1.

Khi làm việc với tài xế, cảnh sát có thực hiện kiểm tra nồng độ cồn và test nhanh ma túy. Kết quả bước đầu xác định trong cơ thể người này không có nồng độ cồn và âm tính với ma túy.

Thời gian gần đây xảy ra nhiều trường hợp chống đối đo nồng độ cồn, thậm thí có những người tông thẳng chốt để bỏ chạy. Gần đây nhất, vào ngày 22/1, Công an TP Vinh (Nghệ An) đã bắt giữ một tài xế vi phạm nồng độ cồn, lái xe ô tô lao thẳng vào CSGT để bỏ chạy. Đáng chú ý, sau đó, khi làm việc với công an, người này khai nhận hiện là Thượng úy công tác tại Trạm sửa chữa tàu thuyền Quân khu 4.

Tài xế Phan Công Đoàn tại cơ quan Công an - Ảnh: Tiền Phong

Tài xế Phan Công Đ. tại cơ quan Công an

Cụ thể, tối 21/1, Đại úy Nguyễn Minh Thông, cán bộ của tổ công tác Đội CSGT-TT, Công an TP Vinh (Nghệ An) ra hiệu lệnh dừng xe ô tô Mazda BKS 37K-270.92 do Phan Công Đ. (SN 1982) điều khiển để thực hiện kiểm tra nồng độ cồn.

Tuy nhiên, tài xế này không chấp hành mà lái xe đi lùi rồi bất ngờ quay đầu đi ngược chiều.

Công an Nghệ An xác định, tài xế Đ. thậm chí liều lĩnh nhấn ga đâm thẳng vào 3 CBCS nhưng 3 chiến sĩ CSGT đã kịp thời tránh được va chạm.

Tổ công tác đã truy đuổi, chặn dừng được ô tô trên, khống chế tài xế Đ., đưa về trụ sở về Công an TP Vinh làm việc.

Kết quả kiểm tra nồng độ cồn cho thấy tài xế Đ. vi phạm mức 0,399 mg/L khí thở. Tại công an, tài xế khai vừa đi liên hoan ở nhà bạn.

Nhiều người bỏ xe khi bị xử lý vi phạm nồng độ cồn 

Thực hiện chỉ thị của Thủ tướng yêu cầu về việc tăng cường kiểm tra nồng độ cồn dịp Tết Dương lịch và Nguyên đán sắp tới để kéo giảm tai nạn giao thông, từ giữa tháng 11/2023, TP HCM đã mở đợt kiểm tra nồng độ cồn.

Trong quá trình tuần tra, kiểm soát, nhiều người lái xe máy cố ý trì hoãn, viện lý do không ký biên bản để tránh việc xử phạt, làm mất thời gian của lực lượng chức năng. Có tài xế viện lý do không thổi qua phễu nhựa vì sợ lây bệnh dù được cảnh sát giải thích việc này đã đảm bảo an toàn.

Đặc biệt, thông tin trên VnExpress cho hay, có một số trường hợp còn bỏ lại xe máy có giá trị thấp thay vì phải đóng tiền phạt.

Kiểm tra nồng độ cồn: Người "thông chốt", kéo xe CSGT tóe lửa, người bỏ cả xe để trốn phạt- Ảnh 3.

Một chốt kiểm tra nồng độ cồn ở TP.HCM - Ảnh minh hoạ: PNVN

Nói về vấn đề bỏ lại xe để không phải đóng phạt, Luật sư - TS Nguyễn Thị Kim Vinh chia sẻ trên Thanh Niên Online, Theo điều 5 và điều 6 Nghị định 123 năm 2021, đối với người điều khiển phương tiện giao thông, cứ có nồng độ cồn trong máu, không phân biệt là ít hay nhiều, đều bị tạm giữ phương tiện, tước giấy phép lái xe có thời hạn.

Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ không quá 10 ngày. Sau đó, cơ quan chức năng sẽ gửi thông báo 2 lần cho người vi phạm.

1 tháng sau khi thông báo người vi phạm vẫn không đến làm việc, cơ quan chức năng sẽ ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Như vậy, theo Luật sư Vinh, người vi phạm bị áp dụng biện pháp tạm giữ xe, mà không đến đóng phạt trong thời hạn quy định, thì sẽ bị tịch thu phương tiện. Nếu sau này tiếp tục vi phạm về nồng độ cồn, ngoài việc bị xử phạt mà còn phải chấp hành quyết định xử phạt đã có hiệu lực trước đó, thì mới được xem là hoàn thành các nghĩa vụ đối với Nhà nước.

Thống kê trong năm 2023, cả nước có trường hợp vi phạm nồng độ cồn cao kỷ lục là 770.000, tăng gấp rưỡi so với năm ngoái. Theo Cục CSGT, sự quyết liệt xử lý vi phạm đã giúp giảm 9% vụ tai nạn giao thông, giảm 26% người chết bị thương so với cùng kỳ.

Vì sao ông Nguyễn Nhân Chiến, nguyên Bí thư tỉnh ủy Bắc Ninh và hàng loạt cựu cán bộ bị bắt?Vì sao ông Nguyễn Nhân Chiến, nguyên Bí thư tỉnh ủy Bắc Ninh và hàng loạt cựu cán bộ bị bắt?

Ông Nguyễn Nhân Chiến, nguyên Chủ tịch UBND, nguyên bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh và hàng loạt cựu cán bộ bị bắt vì sai phạm đấu thầu liên quan Công ty AIC.



Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại