Chiều 15/1, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Phạm Công Danh và 45 đồng phạm tiếp tục diễn ra. Luật sư Phan Trung Hoài, bào chữa cho Phạm Công Danh và bà Tăng Thị Nga, đại diện điều tra viên vụ án của Bộ Công an đã đối đáp để làm rõ khoản tiền 4.500 tỷ đồng Phạm Công Danh vay của BIDV.
Bà Nga cho biết, số tiền 4.500 tỷ đồng Phạm Công Danh và đồng phạm rút từ BIDV chuyển về ngân hàng Xây dựng thì có 4.000 tỷ dùng để tăng vốn điều lệ.
Trong quá trình làm rõ vụ án, cơ quan điều tra đã truy được dòng tiền và làm việc với Ngân hàng Xây dựng. Qua đó, cơ quan điều tra đã xác định số tiền trên đã hòa chung vào dòng tiền thời điểm đó, sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau.
"Số tiền này chỉ có thể khắc phục được khi nó còn ở ngân hàng Xây dựng, bây giờ dòng tiền đã hòa chung, không còn ở ngân hàng Xây dựng nên không thể thu hồi", điều tra viên cho hay.
Trong khi đó, đại diện ngân hàng Xây dựng nói, hệ thống vẫn ghi nhận số tiền 4.500 tỷ đồng nhưng ngân hàng đang xin ý kiến NHNN bởi số tiền đó không được hoạch toán là khoản phải thu.
Vào chiều mai (16/1), đại diện ngân hàng Xây dựng sẽ có báo cáo giải trình cụ thể tại phiên tòa về các nội dung liên quan tới số tiền 4.500 tỷ đồng này.
Trước đó, ngày 13/1, luật sư Trần Minh Hải bào chữa cho Phạm Công Danh đề nghị HĐXX xem xét lại con số thiệt hại, phải thu hồi bằng được 4.500 tủ đồng và trừ đi số tổng thiệt hại vụ án là 6.126 tỷ đồng. Nếu được giảm trừ, con số thiệt hại sẽ giảm tới 2/3 so với cáo trạng đã công bố.
Theo cáo trạng, số tiền 4.700 tỷ đồng sau khi được BIDV giải ngân đã đi đường vòng, chuyển 4.000 tỷ đồng về tài khoản VNCB, Agribank Chi nhánh Tân Phú; 700 tỷ đồng được Phạm Công Danh chuyển vào nguồn tiền làm vốn đối ứng của 12 công ty và sử dụng trả lãi cho BIDV.
Ngoài 4.000 tỷ đồng trong tổng 4.700 tỷ đồng chuyển về ngân hàng Xây dựng với mục đích tăng vốn điều lệ, 500 tỷ đồng tăng vốn còn lại có nguồn gốc từ tiền vay TPBank (200 tỷ đồng), 300 tỷ đồng khác từ một số nguồn khác.