Điều kỳ lạ giữa đại dịch Covid-19: Nhiều nước vẫn ưu tiên hàng đầu cho vũ khí hạt nhân

Trung Hiếu |

Khi một chính phủ chi hàng tỷ USD cho việc chế tạo vũ khí hạt nhân - thứ vũ khí hủy diệt hàng loạt, ngay giữa đại dịch toàn cầu Covid-19 thì người ta dễ hiểu ưu tiên của chính phủ đó là gì.

Máy bay ném bom (hình ảnh minh họa của Reuters).

Máy bay ném bom (hình ảnh minh họa của Reuters).

Có một nghịch lý là giữa đại dịch toàn cầu chết chóc mang tên Covid-19 hiện nay, sự đầu tư cho vũ khí hạt nhân lại gia tăng. Tất cả vì yếu tố tiền bạc.

Sau khi đại dịch Covid-19 hoành hành được một năm rưỡi, ai đó có thể tưởng rằng các chính phủ sẽ điều chỉnh các ưu tiên về chi tiêu của mình theo hướng đầu tư nguồn lực cho cuộc chiến với virus SARS-CoV-2 (gây bệnh Covid-19).

Nhưng mọi việc không hề diễn ra hoàn toàn theo hướng đó. Có một lĩnh vực mà chi tiêu của một số chính phủ thực sự gia tăng trên toàn cầu trong năm 2020, đó chính là vũ khí hạt nhân.

Liên minh ICAN (viết tắt của Chiến dịch Quốc tế nhằm loại bỏ Vũ khí hạt nhân) vào tháng 6/2021 đã công bố một báo cáo cho thấy trong lĩnh vực này, tiền chảy từ chính phủ tới các tập đoàn và giới hoạch định hành lang và ngược lại - chu trình này giúp duy trì và phát triển vũ khí hạt nhân.

Trong báo cáo này, Alicia Sanders-Zakre - Điều phối viên chính sách và nghiên cứu của ICAN và đồng tác giả của báo cáo này chia sẻ rằng số tiền được nói ở đây là rất lớn, lên đến hàng triệu, thậm chí hàng tỷ USD.

Báo cáo phát hiện ra rằng 9 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân trên thế giới đã chi tổng cộng 72,6 tỷ USD cho vũ khí hạt nhân trong năm 2020.

Sanders-Zakre cho biết, các công ty vũ khí chi 1 tỷ USD để vận động hành lang. Số tiền 1 tỷ USD có vẻ nhiều nhưng số tiền mà các công ty này thu lại được còn nhiều hơn nữa, tới 27 tỷ USD dưới dạng các hợp đồng sản xuất vũ khí hạt nhân.

Một số nước sở hữu vũ khí hạt nhân đã chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, như Mỹ và Ấn Độ. Riêng Mỹ cho tới nay đã có hơn 600.000 người tử vong do Covid-19.

Tuy nhiên, ngay trong bối cảnh đó, tiền vẫn chảy vào lĩnh vực vũ khí hạt nhân tại Mỹ. Các báo cáo cho thấy, ngay cả số tiền mà Bộ Quốc phòng Mỹ nhận được theo luật CARES 2020 để khắc phục hậu quả của Covid-19 cũng được đưa sang mảng vũ khí.

Sanders-Zakre cũng chỉ ra rằng các vũ khí hạt nhân thực sự là điều nguy hiểm, nếu được sử dụng thì sẽ làm biến mất cả nhân viên y tế và giường bệnh, trong bối cảnh ngành y toàn cầu đã phải căng thẳng vì đại dịch Covid-19 rồi.

Sanders-Zakre cho rằng việc tiếp tục sản xuất vũ khí hạt nhân và đổ tiền vào đó không phải là một quyết định chiến lược, không hợp lý về mặt chiến lược và thực chất là xuất phát từ lợi ích của các tập đoàn vũ khí.

Thách thức trong đảo ngược tình hình này là ít có áp lực từ công chúng. Đã có các phong trào xã hội rầm rộ tẩy chay các ngành công nghiệp gây biến đổi khí hậu hay bất công chủng tộc nhưng việc tẩy chay các hãng vũ khí như Lockheed Martin hoặc Northrop Grumman quả là rất khó vì sản phẩm của các công ty này đa phần không được bán cho công chúng sử dụng.

Tuy nhiên theo Sanders-Zakre vẫn có hy vọng: Người dân có thể kêu gọi chính phủ của mình giảm ngân sách cho vũ khí hạt nhân.

Và tổ chức ICAN có thể đóng vai trò chiến lược trong nỗ lực thúc đẩy thực hiện Hiệp ước Cấm Vũ khí hạt nhân được thông qua vào năm 2017 và có hiệu lực từ tháng 1/2021, với 55 quốc gia tham gia. Hiệp ước này cấm vũ khí hạt nhân, phát triển vũ khí hạt nhân, thử nghiệm, sở hữu, và tích trữ vũ khí hạt nhân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại