Tuổi thơ sóng gió của thanh niên "cướp bánh mì"
Khi đi tìm câu trả lời cho những lấn cấn trong vụ án cướp bánh mì, chúng tôi hình dung gia cảnh Tuấn chắc rất nghèo khó và có lẽ lang thang bụi đời từ nhỏ. Vì trong hồ sơ, gia cảnh của Tuấn ghi: Cha: không biết tên. Nghề nghiệp: không.
Một hồ sơ chẳng có gì đặc biệt, lọt thỏm giữa vô vàn kẻ trộm cắp thản nhiên khác. Nhưng đã bụi đời thường khá chuyên nghiệp, tại sao chúng đi cướp một vài món đồ vặt vãnh để bị dễ dàng tóm ngay sau đó? Điều này gây nên sự khó hiểu nào đó.
Cho nên khi đứng trước ngôi nhà mà Tuấn đã sinh sống, chúng tôi cứ nghĩ mình lầm.
Đó là ngôi nhà khá khang trang, rất ngăn nắp và sạch sẽ với nhiều chậu cây cảnh đang nở hoa. Chẳng có gì giống với nơi ở của một kẻ lang thang.
Người phụ nữ lớn tuổi nhưng nét mặt sắc sảo và tinh anh ngần ngại mãi mới mời chúng tôi vào nhà. Nghe đến Tuấn, bà sầm mặt lại.
***
Cách đây hai ngày, Nguyễn Hoàng Tuấn (18 tuổi), thanh niên nổi tiếng với biệt danh "thanh niên cướp bánh mì" do dân mạng đặt cho, lại tiếp tục hầu tòa. Lần này là tội danh khác.
Theo cáo trạng, một đêm tháng 7 năm 2015, Tuấn và hai người khác đã đột nhập vào quán ăn, trộm hai chiếc xe máy. Ít ngày sau, xài hết tiền, Tuấn trộm xe đạp trị giá hơn 2 triệu đồng và bị bắt.
Chỉ sau 9 ngày tạm giam, Tuấn được cho tại ngoại để điều tra, thanh niên lại trộm tiếp một cái đầu CPU của máy chơi game bắn cá (trị giá 32 triệu đồng), rồi bỏ trốn xuống quận 9.
Sau một thời gian sống lang thang ở quận 9, xài hết tiền, một buổi tối giữa tháng 10 năm ngoái, Tuấn và Ôn Thành Tân (18 tuổi) rủ nhau đến một tiệm net chơi thâu đêm. Lúc đó trong túi nó vẫn còn ít tiền.
Chơi trắng đêm tới trưa hôm sau, có bao nhiêu tiền trả tiệm game hết sạch, hai đứa không còn đồng nào. Chúng bàn tính rồi tới một tiệm tạp hóa trên đường đi, đứa dàn cảnh, đứa cướp mấy ổ bánh mì, bịch me ngào đường... trên tay người chủ tiệm rồi rồ ga tẩu thoát. Nhưng bị bắt và tạm giam ngay sau đó.
Nghĩa là chỉ trong bốn tháng, Tuấn đã gây ra ba vụ trộm và một vụ cướp.
Nhiều người đọc cũng đã đặt câu hỏi tại sao lúc đói sau khi thức trắng cả đêm chơi game như thế, Tuấn không về nhà để có thức ăn?
Câu trả lời là: Tuấn không có nhà.
Không có nhà vì bị đuổi.
Bị đuổi vì nó đã gây ra quá nhiều vụ trộm cắp của cả người ngoài lẫn chính người thân, đến nỗi người cưu mang không tài nào chịu nổi nữa.
Câu chuyện được bà ngoại của Tuấn thuật lại lẫn lộn giữa nước mắt và nỗi buồn phiền tức giận.
Khi chỉ mới 16 tuổi, mới học lớp 10, mẹ của Tuấn bị một gã đàn ông dụ dỗ. Bà mang thai, sinh ra Tuấn và bỏ học. Ông bà ngoại cưu mang con gái và đứa cháu ngoại, còn gia đình ba của Tuấn không ngó ngàng gì. Mẹ Tuấn hàng ngày theo bà ngoại bán hàng ăn, cũng đủ nuôi con. Tuấn được cho đi học đàng hoàng.
Ít lâu sau, mẹ Tuấn đi lấy chồng và ra ở riêng, sinh thêm hai đứa con nữa.
Còn Tuấn vẫn tiếp tục ở với ông bà ngoại. Nhưng cậu bé ngoan ngoãn, tròn mũm, trắng tươi đã thay đổi quá nhanh khi đến tuổi dậy thì.
Nguyễn Hoàng Tuấn. Ảnh: K.Thành.
"Hồi trước nó hiền, nó dễ thương bao nhiêu thì lúc đó nó lì, nó hư bấy nhiêu. Không còn cái gì trong nhà này mà nó chưa từng bán đi hết cô ơi! Xe đạp mua cho nó đi làm nó cũng bán, tiền tui dành dụm nó cũng trộm nó lấy. Tui la, tui quánh dữ lắm, mà rồi đâu cũng vô đó à cô. Tui chịu hổng nổi nữa"- bà ngoại của Tuấn, đang sống một mình sau khi chồng mất vài năm nay, vừa kể vừa chấm nước mắt.
Tuấn, có lẽ có chút vấn đề trong nhận thức. Theo bà ngoại Tuấn, hồi nhỏ nó cũng sáng láng nhưng càng học lên thì tiếp thu càng chậm. Đến khoảng lớp 8 lớp 9 thì hầu như không học được nữa. Nản quá, nó muốn bỏ học. Bà ngoại cũng đồng ý vì thực tế nó không nhồi vào đầu chữ nào được nữa. Nhờ người quen, bà xin cho Tuấn việc làm trong một công ty.
Ban đầu, Tuấn làm việc rất tốt. Tiền lương tháng mang về đưa ngoại hết, tiêu xài gì chút đỉnh gì thì nó xin ngoại. Bà ngoại đã bán ngôi nhà cũ ở nội thành Sài Gòn, lên Củ Chi mua đất xây một ngôi nhà khá khang trang, bán tạp hóa cũng có đồng ra đồng vô. Ông ngoại khi còn sống rất thương cháu. Cái gia đình nhỏ sống êm ấm.
Bà ngoại ra công an từ cháu
"Cái rồi mê game, kết bè kết bạn toàn thứ gì đâu".
Nó trộm tiền, trộm đồ, của bà, bán xe để có tiền chơi game. Sửa đổi một thời gian, chăm lo làm việc trở lại, rồi lại mê game, bán xe lần hai, rồi đỉnh điểm là chôm chỉa trong công ty.
Dĩ nhiên, nó bị đuổi việc.
"Hồi đó tui giận nó quá, tui nói mày còn đi chôm chỉa thì không được về cái nhà này nữa. Nó đi lang thang đâu đó hết tiền rồi cũng bò về, mà hổng được vô nhà, nó nằm ngủ lanh quanh đâu ngoài này, rồi năn nỉ ngoại ơi ngoại cho con vô nhà đi ngoại.
Nhưng mà nói nào ngay, quanh khu đây nó chỉ chôm lặt vặt chớ không có trộm cắp gì lớn hết cô à. Hàng xóm cũng thương nó lắm chớ không phải không, tại vì hồi chưa có hư, nó hiền, nó dễ thương ghê lắm.
Bà của Tuấn buồn rầu chia sẻ về đứa cháu của mình (Ảnh: Phạm An)
Riết cái nó sanh hư tui bị hàng xóm mắng vốn miết, mà tui nghiêm khắc lắm cô à. Hồi nào giờ nhà mình nghèo chớ không tới nỗi đói, mà nó được lo ăn lo học có thiếu cái gì đâu. Cái rồi năm bữa nửa tháng công an tới nhà nói cháu bà chôm đồ người ta bị méc nữa kìa.
Bị hoài bị hoài, tui ra công an tui tuyên bố từ nó. Từ nay ai bị nó chôm chỉa gì ở khu này là hổng có liên quan tới tui. Còn nó, nó về đây, tui đóng cửa sắt ngồi trong nhà. Nó năn nỉ gì cũng kệ.
Có ai ngờ đâu cô. Mà cô coi nó nè, hồi nhỏ nó dễ thương vầy đây"- bà mở tủ, mang tấm ảnh Tuấn mới lên vài tuổi, mặc bộ đồ thun đỏ, toét miệng cười rạng rỡ. Tấm ảnh lồng khung đặt trang trọng trong tủ, có vẻ được lau chùi thường xuyên. Đôi mắt mệt mỏi nhòe nước của bà lúc cúi xuống ngắm thằng bé trắng như cục bột trong ảnh vẫn ánh lên sự âu yếm.
2 bị cáo Nguyễn Hoàng Tuấn (trái) và Ôn Thành Tân tại phiên tòa xử vụ cướp bánh mì vì đói
"Không biết quỷ ma gì nhập... Nó thương tui lắm cô ơi. Cái hồi mới mê chơi rồi đi chôm chỉa này kia, tui la nó dữ lắm cô à, tui đòi đuổi nó ra khỏi nhà, không ai chứa chấp cái thứ mất dạy như vậy. Nó quỳ xuống khóc ngoại ơi con thương ngoại lắm, con biết lỗi rồi, từ nay con không dám nữa. Như con nít vậy cô à. Mà nó cũng làm được một thời gian, rồi sau bạn bè níu kéo lại đâu vô đó nữa.
Một tay tui nuôi nó từ nhỏ, thương nó lắm chớ, nhưng giờ hổng có cách nào. Tui chứa chấp nó thì hàng xóm đây bàn tán, tui sống sao nổi".
Bị bà ngoại từ mặt và đuổi đi, Tuấn sống lang thang với đám bạn xấu. Mẹ với hai đứa em cùng mẹ khác cha sống riêng ở Thủ Đức, nhưng cuộc đời mẹ nó cũng chẳng suôn sẻ gì. Người chồng sau đã đường ai nấy đi, mẹ nó quần quật với công việc lao động chân tay để nuôi hai em, chẳng có thời gian và sự quan tâm nào dành cho nó.
Tuấn bị sa lầy trong chính vũng bùn nó tạo nên: trộm cắp-thất nghiệp-bị đuổi khỏi nhà-không nơi nương tựa-tiếp tục trộm cắp.
Game không phải là nguyên nhân tạo ra hiện trạng tăm tối này của Tuấn. Chính sự mê nghiện và sẵn sàng trộm cắp để có tiền chơi game mới là nguyên nhân dẫn nó vào.
Hành động kiên quyết đuổi đi của bà ngoại Tuấn cũng khó trách vì bà chỉ là một người lao động phổ thông lớn tuổi; nghiêm khắc, thương cháu nhưng cũng không đủ kiến thức để giáo dục một trường hợp khá khó như của Tuấn. Lòng kiên nhẫn của bà, như bất cứ người nào, cũng có giới hạn.
Nhưng, trong suốt câu chuyện, tôi xin nhắc lại: dường như Tuấn có chút khó khăn trong nhận thức. Trừ đi sự "nổi loạn" khi đến tuổi dậy thì của bất cứ thiếu niên nào thì ngay khi chưa sa chân vào game, Tuấn đã rất khó khăn trong việc tiếp thu. Nó không thể học thêm được nữa. Điều này có thể giải thích cho những hành động rất ấu trĩ và sự sa chân trở lại liên tục của nó.
Tuấn thuộc hộ khẩu gia đình ông bà (Ảnh: Phạm An)
Hồ sơ của Tuấn trong các phiên tòa thể hiện rất rõ các hành vi phạm pháp. Nhưng không nói gì đến điều này. Dẫu vậy, đó có thể là dấu hiệu của một khiếm khuyết trí não nào không? Nếu được, mong các cơ quan chức năng làm rõ để có những sự giúp đỡ chuyên môn và giải pháp hợp lý cho đường về của Tuấn.
Dù sao, nó mới 18 tuổi. Nó cần giúp đỡ để làm lại cuộc đời.