Điều gì xảy ra nếu Triều Tiên bắn hạ máy bay Mỹ?

Đức Thức |

Trong quá khứ, Triều Tiên đã từng bắn hạ máy bay quân sự Mỹ, bao gồm máy bay do thám EC-121Warning Star của Hải quân Mỹ năm 1969 và trực thăng do thám OH-58 Kiowa năm 1994.

"Triều Tiên bắn hạ máy bay Mỹ có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh quy mô lớn", đây là đánh giá chung của giới chuyên gia quân sự về tình hình bán đảo Triều Tiên sau tuyên bố của Ngoại Trưởng nước này ông Ri Yong-ho.

Lịch sử các lần Triều Tiên bắn hạ máy bay Mỹ

Trong quá khứ, Triều Tiên đã từng bắn hạ máy bay quân sự Mỹ, bao gồm máy bay do thám EC-121Warning Star của Hải quân Mỹ năm 1969 và trực thăng do thám OH-58 Kiowa năm 1994.

Trong đó, lần đầu tiên Triều Tiên bắn hạ máy bay Mỹ là vào ngày 15.4.1969. Khi đó hai chiếc Mig-21 của không quân Triều Tiên đã bắn rơi một máy bay EC-121 Warning Star của Hải Quân Mỹ, khiến toàn bộ 31 binh sĩ và sĩ quan Mỹ trên máy bay thiệt mạng.

Máy bay EC-121 Warning Star của Mỹ khi đó là loại máy bay không được trang bị vũ khí và không có sự hộ tống của các máy bay khác.

Lúc đó EC-121 Warning Star cất cánh từ một căn cứ phía đông Nhật Bản, bay theo hướng tây bắc về bờ biển Triều Tiên để thực hiện nhiệm vụ có mật danh "Deep Sea 129". Phía Mỹ cho biết vị trí máy bay EC-121 của họ bị bắn hạ là thuộc không phận quốc tế, cách bờ biển Triều Tiên 90 hải lý.

Tuy nhiên, phía Triều Tiên thì cho rằng máy bay Mỹ lúc đó đã xâm phạm không phận của mình.

Vài giờ sau khi chiếc EC-121 Warning Star bị bắn hạ, Mỹ đã điều biên đội tiêm kích F-4 trực chiến đóng tại căn cứ không quân Kunsan, Hàn Quốc sẵn sàng tấn công sân bay Triều Tiên, nơi phi đội MiG-21 xuất kích. Tuy nhiên, lệnh tấn công bị hủy vài giờ sau đó, biên đội F-4 trở về trạng thái trực sẵn sàng chiến đấu thông thường.

Lần thứ hai Triều Tiên bắn hạ máy bay Mỹ là vào năm 1994. Khi đó, các lính biên phòng Triều Tiên đã bắn hạ máy bay trực thăng trinh sát OH-58 Kiowa của Mỹ khi máy bay này vô ý vượt quá không phận của khu phi quân sự (DMZ), tiến vào không phận Triều Tiên.

Hậu quả là một phi công Mỹ đã thiệt mạng và một phi công khác đã bị phía Triều Tiên bắt giữ trong vụ bắn hạ này.

Chính quyền Bình Nhưỡng khẳng định trực thăng OH-58 Kiowa của Washington đang thực hiện nhiệm vụ do thám sâu khoảng 5-8 km bên trong lãnh thổ nước này, nhưng quan chức Lầu Năm Góc tuyên bố hai phi công chỉ vô tình băng qua khu DMZ trong một buổi huấn luyện thông thường.

Trong cả hai sự kiện trên, chính quyền Washington đều đã không thực hiện các biện pháp trả đũa.

Tổng thống Mỹ Richard Nixon hồi đó không trả đũa nhưng từng cân nhắc biện pháp tấn công Triều Tiên bằng vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Bill Clinton quyết định kiềm chế vì không tìm ra biện pháp trả đũa hiệu quả.

Sau các sự kiện này, quân đội Mỹ đã quyết định trang bị hệ thống định vị toàn cầu hiện đại cho tất cả trực thăng quân sự đóng tại Hàn Quốc.

Khả năng nào cho Triều Tiên khi bắn máy bay Mỹ

Có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau về năng lực của Triều Tiên trong việc bắn hạ máy bay của Mỹ.

Các ý kiến cho rằng Triều Tiên khó có thể bắn hạ máy bay Mỹ chủ yếu xuất phát từ sự yếu kém về trình độ công nghệ tên lửa và không quân.

Theo giới chuyên gia về tên lửa, Triều Tiên có thể sử dụng tên lửa đất đối không để tấn công máy bay Mỹ. Tuy nhiên, hệ thống của họ dường như chưa có khả năng tấn công các mục tiêu ở ngoài không phận nước này.

Michael Elleman, chuyên gia về tên lửa thuộc Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế thì nhấn mạnh: "Nếu máy bay Mỹ ở ngoài khơi thì về lý họ sẽ vẫn an toàn". Park Dae-kwang, Chuyên gia về không quân Triều Tiên thuộc Viện phân tích quốc phòng Hàn Quốc thì cho rằng "do ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt và sự thiếu hụt về dầu lửa, tôi không chắc liệu các máy bay chiến đấu của Triều Tiên có đủ khả năng trở lại căn cứ sau khi thực hiện nhiệm vụ".

Chuyên gia quân sự Kim Dong-yub của Viện nghiên cứu Viễn Đông Hàn Quốc nói rằng: "Triều Tiên chắc chắn sẽ nỗ lực để tấn công máy bay Mỹ nếu xâm phạm không phận Triều Tiên nhưng hệ thống tên lửa phòng không của họ lại bị hạn chế".

Moon Seong-mook, cựu quan chức quốc phòng Hàn Quốc và hiện là nhà phân tích cấp cao thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia Hàn Quốc, cho rằng Triều Tiên không có đủ khả năng để "đáp ứng" được theo đúng tuyên bố của ông Ri Yong-ho. Máy bay chiến đấu già cỗi MiG của Triều Tiên hoàn toàn không có cơ hội trước các máy bay Mỹ.

Theo Omar Lamrani, chuyên gia quân sự cấp cao của Stratfor, với hệ thống phòng không tương đối cũ kỹ gồm các tiêm kích dòng MiG từ thời Liên Xô cũng như tên lửa đất đối không KN-06 có tính năng tương tự hệ thống S-300 của Nga, Triều Tiên khó có khả năng bắn hạ B-1B Lancer.

"Các hệ thống phòng thủ trên mặt đất của Triều Tiên khó có thể trở thành mối đe dọa với những oanh tạc cơ có tầm bay cao, đặc biệt khi chúng bay trên biển", Lamrani nhấn mạnh.

Chuyên gia của Stratfor cũng cho rằng Triều Tiên hiện không đủ phương tiện trinh sát để theo dõi và phát hiện máy bay Mỹ từ khoảng cách xa.

Trong chuyến tuần tra mới nhất, Lầu Năm Góc đã phải cố tình tiết lộ đường bay của B-1B và các chiến đấu cơ F-15C Eagle hộ tống để tránh nguy cơ đụng độ bất ngờ, bởi dường như Bình Nhưỡng không nắm được bất cứ thông tin gì về sự hiện diện của các máy bay quân sự này.

Theo Sách Trắng Quốc phòng Hàn Quốc năm 2016, Triều Tiên hiện có khoảng 810 máy bay chiến đấu. Tuy nhiên, theo giới quan chức và chuyên gia Hàn Quốc thì phần lớn trong số đó là các máy bay do Trung Quốc và Liên Xô sản xuất nên đều đã "lỗi thời" và "ốm yếu".

Năm 2014, ba chiếc máy bay chiến đấu già cỗi của Triều Tiên đã bị tai nạn khi đang trong thời gian huấn luyện. David Maxwell thuộc Đại học Georgetown nhấn mạnh: "Tôi hoàn toàn không tin máy bay chiến đấu của Triều Tiên có thể 'hoàn thành nhiệm vụ' trước các máy bay hộ tống của chúng ta".

Xét về mặt công nghệ, Triều Tiên khó có thể bắn hạ máy bay Mỹ. Tuy nhiên, Triều Tiên hoàn toàn có thể thực hiện được mục đích của mình nhờ vào việc áp dụng chiến thuật tấn công bất ngờ.

Theo các chuyên gia quân sự, thông thường các máy bay B-1B khi thực hiện nhiệm vụ gần không phận Triều Tiên sẽ được hộ tống bởi nhiều tiêm kích hiện đại của Mỹ, Hàn Quốc hoặc Nhật Bản có nhiệm vụ cảnh giới và bắn hạ các máy bay đánh chặn của Bình Nhưỡng trong trường hợp nước này phát động tấn công.

Nhưng trên thực tế cả Mỹ và Triều Tiên đang duy trì lệnh ngừng bắn và không ở trong trạng thái chiến tranh, khiến các phi công Mỹ và đồng minh có thể chủ quan trước sự hiện diện ở cự ly gần của chiến đấu cơ Triều Tiên.

Lợi dụng điều này, tiêm kích Triều Tiên có thể nhanh chóng tiếp cận biên đội máy bay Mỹ và phóng tên lửa bắn hạ oanh tạc cơ B-1B rồi nhanh chóng bay vào đất liền, trước khi các chiến đấu cơ hộ tống của Mỹ kịp hiểu điều gì đang xảy ra.

Điều gì sẽ xảy ra nếu Triều Tiên bắn hạ máy bay Mỹ

Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho ngày 25/9 tuyên bố tại Liên Hợp Quốc rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã "đưa ra lời tuyên chiến" nên Triều Tiên có quyền bắn hạ oanh tạc cơ chiến lược của Washington ngay cả khi chúng không hoạt động trong không phận Bình Nhưỡng.

Đặc biệt, sau khi Mỹ triển khai máy bay B-1B Lancer bay trên không phận quốc tế dọc bờ biển Triều Tiên, Bình Nhưỡng đã điều các chiến đấu cơ tới bờ biển phía đông nhằm gửi thông điệp cảnh báo "hiện thực hóa lời đe dọa" với máy bay Mỹ. Do đó, việc tuyên bố sẽ bắn hạ máy bay Mỹ là mà chính quyền Bình Nhưỡng hoàn toàn có thể thực hiện.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng việc Triều Tiên bắn hạ máy bay Mỹ có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh quy mô lớn, dẫn đến kết cục hủy diệt đối với Triều Tiên và có thể là đồng minh Hàn Quốc của Mỹ.

Theo đánh giá của Omar Lamrani, chuyên gia quân sự cấp cao của Stratfor: "Triều Tiên là bên đang nắm giữ lợi thế trước tiên, nhưng nếu bắn hạ oanh tạc cơ Mỹ, họ sẽ phải trả giá đắt".

Học giả Joel S. Wit, Viện Mỹ-Hàn của trường Quan hệ Quốc tế thuộc ĐH Johns Hopkins (Mỹ) cho biết ông không bất ngờ với phản ứng của phía Triều Tiên trước những phát biểu của ông Trump.

"Mặc dù Triều Tiên rõ ràng thường phóng đại các tuyên bố đe dọa của họ, tôi tin rằng họ nghiêm túc trong tuyên bố bắn hạ máy bay Mỹ. Nếu ai đó muốn chơi trò đối đầu, Triều Tiên không phải là đối tượng để chơi cùng", ông Wit nói.

Theo chuyên gia Kyle Mizokami, mặc dù Triều Tiên có đủ sức bắn hạ chiến đấu cơ Mỹ, tuy nhiên, hành động này sẽ dẫn tới leo thang quân sự nguy hiểm giữa hai nước. Khi đó, Washington và Bình Nhưỡng sẽ phải đánh đổi rất nhiều thứ, đặc biệt nếu vũ khí hạt nhân được cả 2 bên sử dụng thì cuộc chiến sẽ trở thành thảm họa đối với cả thế giới.

Mặc dù "lớn tiếng" đe dọa sẽ bắn hạ máy bay ném bom của Mỹ nếu xuất hiện ở không phận bán đảo Triều Tiên, nhưng việc chính quyền Bình Nhưỡng "biến lời nói thành hành động" lại là câu chuyện khác.

Ngoài ra, thông qua tuyên bố sẽ bắn hạ máy bay của Mỹ, Triều Tiên rõ ràng muốn chứng tỏ rằng họ có khả năng tiến hành các cuộc tấn công trả đũa nhằm vào Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại