Căng thẳng ở khu vực Biển Đen đã leo thang lên một tầm cao mới vào tuần trước sau khi Không quân Ukraine tập kích thành phố Sevastopol trên bán đảo Crimea ngày 20 và 22/9.
Cuộc tấn mới nhất đã làm hư hại một tòa nhà trụ sở Hạm đội Biển Đen của Nga. Ukraine điều máy bay Su-24 phóng tên lửa hành trình Storm Shadow vào mục tiêu. Kiev cho biết các cuộc tấn công là một phần của “Chiến dịch Bẫy Cua” (Operation Crab Trap) do Không quân và Lực lượng Đặc nhiệm nước này phối hợp thực hiện nhằm phá hủy Hạm đội Biển Đen hoặc đẩy lực lượng này khỏi Crimea.
Khói bốc lên sau cuộc tập kích tên lửa của Ukraine vào Sevastopol hôm 13/9. Ảnh: Zuma Press
Mục tiêu của Kiev được đánh giá là “quá tham vọng”, đặc biệt khi xét đến việc Ukraine không thể cắt đứt hành lang đất liền giữa bán đảo và lục địa Nga, nhưng chúng cũng khiến xung đột leo thang.
Giá trị chiến lược của Biển Đen
Ngay từ khi mới phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào cuối tháng 2/2022, khu vực Biển Đen trở thành một trong những hướng tấn công chính của Nga. Moscow nắm quyền kiểm soát Đảo Rắn có tầm quan trọng chiến lược nằm gần đồng bằng sông Danube và Kinburn Spit (ngăn chặn hoàn toàn sông Southern Bug và thành phố Nikolaev).
Tuy nhiên, Quân đội Nga không thể kiểm soát hoàn toàn tất cả cơ sở hạ tầng ở khu vực Biển Đen, bao gồm cảng và nhà máy đóng tàu Nikolaev, Căn cứ Hải quân Ochkov, các cảng ở Odessa và sông Danube.
Do vậy, Ukraine vẫn giữ được ảnh hưởng trong khu vực và dần dần tập hợp đủ lực lượng để đáp trả. Vào ngày 14/4/2022, Ukraine tuyên bố đánh chìm tàu tuần dương Moskva – soái hạm của Hạm đội Biển Đen, bằng tên lửa Neptune. Sau đó, lực lượng Nga cũng rút khỏi Đảo Rắn.
Đã có một giai đoạn giảm căng thẳng trong khu vực nhờ Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen. Kiev được yêu cầu không sử dụng hành lang Biển Đen và cơ sở hạ tầng cảng cho mục đích quân sự và Liên Hợp Quốc phải đảm bảo rằng hàng hóa của Nga sẽ được tiếp cận thị trường quốc tế.
Căng thẳng gia tăng trở lại vào tháng 7/2023. Sau khi Ukraine thực hiện một số cuộc tấn công vào Crimea và Nga tuyên bố rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc.
Đối với Nga, việc kiểm soát Crimea và Sevastopol rất quan trọng để duy trì ảnh hưởng ở Biển Đen. Đây là nơi đặt trụ sở chính của Hạm đội Biển Đen và bộ chỉ huy của lực lượng này. Hơn nữa, sau khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt, Crimea đã trở thành một trung tâm hậu cần quan trọng và là “hậu phương tác chiến” cho quân đội Nga triển khai ở các khu vực Kherson và Zaporizhzhia.
“Trận chiến giành Crimea” của Ukraine
Ukraine bắt đầu tấn công Crimea vào mùa hè năm 2022. Ngày 31/7/2022, lực lượng của nước này đã thả một thiết bị nổ xuống trụ sở Hạm đội Biển Đen ở Sevastopol bằng máy bay không người lái (UAV). Ban đầu, các cuộc tấn công như vậy rất hiếm khi xảy ra và thường nhằm mục đích gây nhiễu loạn thông tin, nhưng sau đó đã được tiến hành thường xuyên hơn.
Loại vũ khí được sử dụng cho các cuộc tấn công cũng tăng lên đáng kể. Ngày 29/10/2022, Kiev tiến hành cuộc tấn công bằng UAV và tàu không người lái vào Sevastopol.
Sau khi nhận được tên lửa hành trình từ các nước NATO, Ukraine đã sử dụng chúng trong các cuộc tấn công vào Crimea. Ukraine gâp áp lực lên hệ thống phòng không của Nga bằng việc phóng kết hợp UAV giá rẻ cùng các tên lửa hành trình phức tạp và đắt tiền hơn. Kiev tuyên bố đã phá hủy một số tổ hợp phòng không S-400, nhưng chưa bao giờ đưa ra bằng chứng cụ thể.
Gần đây nhất, ngày 22/9, Ukraine tấn công vào một tòa nhà trụ sở của Hạm đội Biển Đen. Điều này chứng tỏ Ukraine có khả năng tấn công các mục tiêu chiến lược quan trọng của Nga ở Crimea.
Mục tiêu của những cuộc tấn công này được cựu trợ lý Tổng thống Ukraine, ông Aleksey Arestovich nêu rõ: “Chúng tôi sẽ tiếp tục tấn công cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ. Crimea là một căn cứ hậu phương với 5 sân bay quân sự, các kho đạn dược và nhiên liệu khổng lồ cùng các điểm kiểm soát. Tất cả những mục tiêu này phải bị phá hủy và toàn bộ Hạm đội Biển Đen sẽ không còn đóng ở Crimea nữa. Sau đó nếu họ chuyển đến Novorossiysk, chúng tôi cũng nhắm mục tiêu đến đó”.
Novorossiysk là cảng thương mại lớn nhất của Nga và là cửa ngõ quan trọng để xuất khẩu dầu mỏ. Ảnh: Getty
Ukraine đã nhiều lần tuyên bố rằng mục tiêu của nước này là giành lại bán đảo Crimea. Tuy nhiên, hoạt động trên bộ của lực lượng Kiev ở Zaporizhzhia, nhằm cắt đứt hành lang đất liền tới Crimea, đã thất bại mà không đạt được bất kỳ thành công nào về mặt chiến thuật. Quân đội Ukraine cho đến nay chỉ có thể tái chiếm được làng Robotyne.
Các cuộc tấn công quy mô lớn, được lên kế hoạch bài bản của Ukraine vào Crimea trong tháng 8 và tháng 9 không được liên kết với hoạt động của lực lượng trên bộ ở mặt trận phía Nam. Điều này khiến chúng kém hiệu quả hơn.
Các cuộc tấn công vào trụ sở và cơ sở hạ tầng Hạm đội Biển Đen của Nga không trùng khớp với “Trận chiến giành Crimea” do các quan chức cấp cao Ukraine công bố. Thay vì gieo rắc sự hoảng loạn ở hậu phương và gây căng thẳng cho bộ chỉ huy quân sự Nga, các cuộc tấn công lại diễn ra vào thời điểm cuộc phản công của Ukraine sắp mắc kẹt trong bùn lầy và mưa tuyết.
Sự đáp trả của Nga
Các cuộc tấn công của Ukraine không làm giảm đáng kể sức mạnh của Nga ở Biển Đen. Thứ nhất, chúng có ít tác động đến hậu cần và các lực lượng Nga tiếp tục sử dụng Crimea làm hậu phương cho các nhóm của họ được triển khai dọc sông Dnepr và ở Vùng Zaporizhzhia.
Ngoài ra, để giảm nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công khác trên Cầu Crimea, một tuyến đường sắt đang được thiết kế dọc theo bờ phía Bắc của Biển Azov (dự án không chỉ có lợi về mặt quân sự mà còn có tiềm năng kinh tế đáng kể sau khi xung đột kết thúc).
Thứ hai, Nga có thể gây thiệt hại nặng nề hơn cho cơ sở hạ tầng của Ukraine ở khu vực Biển Đen. Rất khó đánh giá các cuộc tập kích thường xuyên của Moscow vào các cơ sở quân sự ở Odessa và vùng phụ cận do giới chức Ukraine cấm quay phim và đăng tải video về các cuộc tấn công của Nga. Tuy nhiên, cảnh quay về các vụ nổ nhà kho của Ukraine có thể được tìm thấy trên mạng.
Thứ ba, Moscow tiếp tục nhắm mục tiêu vào máy bay Ukraine, trong đó có Su-24 có khả năng phóng tên lửa hành trình của phương Tây. Nga cũng đang dò tìm các kho chứa tên lửa và tiếp tục tấn công các sân bay Ukraine.
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Sau 19 tháng kể từ khi xung đột bùng phát, Ukraine đã có năng lực hoạt động tốt hơn ở Biển Đen và dần chuyển từ chiến thuật phòng thủ thuần túy sang chiến thuật tấn công. Điều này có thể thực hiện được nhờ sự hỗ trợ của nước ngoài và việc chuyển giao vũ khí có khả năng tấn công các vị trí hậu phương của quân đội Nga.
Kết quả là cả 2 bên đều tấn công cơ sở hạ tầng quân sự của nhau mà không thể đánh bại hoàn toàn lực lượng của đối phương. Tuy nhiên, trong khi Ukraine chỉ tập trung ở khu vực này thì phạm vi hành động của Nga lại rộng hơn. Moscow tiếp tục phá hủy các cơ sở quân sự dọc theo toàn bộ chiều dài chiến tuyến và có thể gây áp lực lên hậu phương chiến lược của Ukraine.
Trong khi đó, chiến thắng của cả hai bên chỉ có thể được đảm bảo bằng chiến dịch trên bộ. Nếu không bên nào đạt được mục tiêu đó, khu vực này sẽ tiếp tục phải đối mặt với sự leo thang hơn nữa với các mối đe dọa và các cuộc tấn công liên tiếp.