Theo Forbes , cho đến nay sau gần 3 tháng chuyển giao (tháng 10/2023), quân đội Ukraine vẫn chưa cho thấy họ sẽ làm gì với lô xe tăng M1 Abrams được Mỹ viện trợ. Trong khi đó Kiev nhiều lần tuyên bố Abrams sẽ được sử dụng trong chiến dịch phản công ở miền đông Ukraine.
Trước đó vào năm 2023, Mỹ tuyên bố sẽ viện trợ 31 xe tăng M1 Abrams cho Ukraine và số vũ khí này sẽ được sử dụng cho chiến dịch phản công mùa hè. Tuy nhiên khi Kiev nhận lô xe tăng đầu tiên vào tháng 10 thì đến nay chúng vẫn chưa xuất hiện trên chiến trường.
Trong suốt mùa hè, quân đội Ukraine chủ yếu dựa vào xe tăng Leopard 2 do Đức sản xuất và xe chiến đấu Bradley do Mỹ cung cấp, một số trong số đó đã bị quân đội Nga phá hủy hoặc thu giữ. Xe tăng Challenger 2 của Anh đã được sử dụng ở quy mô hạn chế và London đã chính thức thừa nhận việc một xe bị phá hủy.
“Đã hơn hai tháng kể từ khi xe tăng M1 Abrams đến Ukraine nhưng không có bất kỳ bằng chứng nào về việc chúng được sử dụng”, các chuyên gian của Forbes cho biết.
Bên cạnh đó Lữ đoàn thiết giáp Ukraine sẽ vận hành xe tăng do Mỹ cung cấp cũng “vẫn là một bí ẩn”. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng số xe tăng này sẽ được biên chế cho Lữ đoàn cơ giới số 47, lực lượng hiện đang cố gắng cầm chân các lực lượng Nga tại thành phố chiến lược Avdiivka ở vùng Donetsk. Trước đó Lữ đoàn 47 đã được trang bị Leopard 2.
Forbes cho rằng xe tăng Abrams chưa thể tham chiến vì Ukraine đang bận "bọc giáp cho chúng để chống lại các cuộc tấn công của máy bay không người lái của Nga". Cả hai bên đều đã trang bị cho xe tăng và xe bọc thép của mình giáp lồng để chống UAV. Bên cạnh đó xe tăng cũng dễ tổn thương trước mìn chống tăng.
“Việc Ukraine sẽ mất một số chiếc M1 Abrams là điều không thể tránh khỏi. Mặc dù Abrams là một trong những loại xe tăng được bảo vệ tốt nhất trên thế giới nhưng chúng không phải là bất khả xâm phạm trước các cuộc tấn công”, tờ Forbes nhận định.
M1 Abrams được đánh giá là một trong những vũ khí mạnh nhất của lục quân Mỹ. Dòng xe tăng này được đưa vào biên chế quân đội Mỹ từ năm 1986, sở hữu pháo nòng trơn 120 mm tầm bắn hơn 4 km. Xe tăng có thể đạt vận tốc tối đa 67 km/h với kíp lái 4 người gồm trưởng xe, pháo thủ, nạp đạn và lái xe. M1 Abrams được cho là sở hữu nhiều tính năng vượt trội so với các dòng xe từ thời Liên Xô trong biên chế quân đội Ukraine, như năng lực tác chiến ban đêm và khả năng bảo vệ kíp lái.
Mẫu M1A1 Abrams mà Washington viện trợ cho Kiev không được trang bị giáp urani nghèo (DU) như phiên bản trong quân đội Mỹ, do đây là công nghệ tuyệt mật. Điều này khiến xe tăng Mỹ có nguy cơ tổn thương cao hơn trước nhiều loại tên lửa chống tăng mà Nga đang sử dụng trên chiến trường.
Dù vậy, truyền thông Ukraine cho biết mẫu M1A1 mà Mỹ chuyển giao cho Kiev đã được hiện đại hóa đáng kể so với phiên bản nguyên gốc, bổ sung thêm camera ảnh nhiệt, hệ thống điều khiển hỏa lực được nâng cấp, giúp nó đạt năng lực chiến đấu tương đương M1A2 ở một số khía cạnh.
Trước đó, Moskva nhiều lần cảnh báo rằng việc Mỹ và các đồng minh chuyển vũ khí cho Kiev sẽ không ngăn cản nước này đạt được các mục tiêu trong hoạt động quân sự ở Ukraine mà chỉ làm tăng nguy cơ xảy ra đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO. Các quan chức Nga, bao gồm cả Tổng thống Vladimir Putin đã nhấn mạnh rằng mọi vũ khí do phương Tây cung cấp cho Kiev sẽ bị phá hủy bất kể chúng là gì.