"Koalitsiya-SV" nhập trận
Vào cuối tháng 12/2023, CEO (Tổng giám đốc) Tập đoàn Rostec ông Sergei Chemezov đã tiết lộ rằng một lô lựu pháo tự hành Koalitsiya-SV sẽ được "thí điểm" ở khu vực chiến dịch quân sự đặc biệt.
Cần lưu ý rằng pháo tầm xa là thứ được các lực lượng Nga đang tham chiến yêu cầu nhiều nhất và với Koalitsiya-SV, lính pháo binh Nga cuối cùng cũng có được "cánh tay nối dài" để tác chiến phản pháo.
Với tầm bắn lên tới 70 km, lựu pháo tự hành mới của Nga quá đủ để "làm giảm giá trị" của loại pháo NATO thường được ca ngợi như PzH 2000, Caesar...
Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng ở giai đoạn phát triển, nguyên mẫu lựu pháo tự hành Koalitsiya-SV từng được thử nghiệm với 2 nòng pháo 152 mm cùng các cơ cấu tiếp đạn riêng biệt cho mỗi nòng.
Tại sao các kỹ sư Nga đã vượt qua khó khăn trong việc chế tạo nguyên mẫu này nhưng cuối cùng nó lại bị bỏ qua để phát triển phiên bản nòng đơn?
Koalitsiya-SV nòng đôi?
Được biết ở giai đoạn phát triển Koalitsiya-SV, ý tưởng pháo tự hành nòng đôi được ưu tiên hàng đầu.
Đầu tiên, việc có 2 nòng có nghĩa là mật độ hỏa lực tăng lên chưa từng có. Dĩ nhiên Koalitsiya-SV sẽ không bao giờ có thể bắn từ hai nòng súng cùng một lúc nhưng khoảng thời gian giữa lần bắn đầu tiên và lần thứ hai sẽ ở mức tối thiểu.
Một cặp nòng sẽ đặc biệt hữu ích khi pháo được vận hành ở chế độ đột kích - các trái lựu pháo sẽ lần lượt di chuyển về phía mục tiêu theo các quỹ đạo khác nhau và bắn trúng mục tiêu gần như ở cùng một thời điểm.
Cái tên "Koalitsiya" (Liên minh) cũng phản ánh bản chất của pháo tự hành, trong đó hai nòng pháo hoạt động cùng nhau.
Tốc độ bắn cũng tăng lên một cách tự nhiên - theo một số dữ liệu, 1 nòng pháo 2A88 152 mm L/52 có thể bắn hơn 16 phát mỗi phút tức là gấp đôi Msta-S nhờ bộ nạp đạn khí nén mới.
Giả định rằng mục tiêu ở khoảng cách xa, tốc độ bắn này giúp pháo có thể rời khỏi điểm bắn ngay trước thời điểm viên đạn đầu tiên rơi xuống.
Chiến dịch quân sự đặc biệt về nhiều mặt là một cuộc xung đột vũ trang rất độc đáo. Các chiến thuật đã thay đổi do việc tăng cường sử dụng xe tăng và Drone (máy bay không người lái) cảm tử - những thứ mà vào tháng 2/2022, Quân đội Nga vẫn chưa tính đến.
Tuy nhiên nếu nói về pháo binh, các bên tham chiến đều đoán chính xác 100%. Bên có pháo tầm xa chính xác sẽ giành chiến thắng - bên còn lại sẽ trở thành nạn nhân của cuộc chiến phản pháo.
Nhưng đến cuối năm thứ hai của chiến dịch quân sự đặc biệt, Koalitsiya-SV mới có mặt. Và không phải là phiên bản nòng đôi.
Như chúng ta đã biết, Coalition-SV được trang bị radar Doppler để theo dõi đường bay của đạn pháo của đối phương - điều khiến đối phương không thể biết pháo đang chuẩn bị phản pháo.
Sau khi viên đạn lựu pháo đầu tiên rơi xuống, mọi điều chỉnh sẽ được thực hiện kịp thời đối với hệ thống điều khiển hỏa lực trên tàu và viên đạn thứ hai sẽ bay về phía mục tiêu theo quỹ đạo chính xác nhất.
2 nòng pháo sẽ là công thức để bình phương lợi thế này. Nòng thứ hai giúp người lính không mất thời gian nạp đạn sau phát bắn đầu tiên và chính xác hơn nhiều.
Một ưu điểm rất đơn giản khác của Koalitsiya-SV nòng đôi đó là chỉ một lựu pháo tự hành sẽ có thời gian sử dụng mỗi nòng tăng lên gấp đôi và trong chiến dịch quân sự đặc biệt - điều này rất quan trọng.
Thực tế là nòng của tất cả các loại pháo được các bên sử dụng ở chiến trường này đều nhanh chóng xuống cấp.
Nguyên nhân không đến từ chất lượng thép mà là do điều kiện chiến đấu khắc nghiệt. Ví dụ như Msta-S có thể bắn đạn thông thường xa 25 km còn PzH 2000 của Đức bắn xa hơn 10 km. Nhưng để được tầm bắn này đòi hỏi phải có sự hy sinh.
Áp suất tăng lên do tăng liều phóng để đạt được tầm bắn cần thiết sẽ khiến nòng súng bị mài mòn nhanh hơn.
Trong các cuộc xung đột như ở Afghanistan thì điều này có vẻ không quan trọng nhưng ở Ukraine, PzH 2000 hoạt động ở mức giới hạn của nó và bị hao mòn rất nhanh.
Mặc dù chúng ta không biết hết những công đoạn phức tạp để sản xuất pháo 2A88 tại nhà máy nhưng chắc chắn một khí tài có nòng đôi sẽ ít phải đi về tuyến sau hơn nòng đơn.
Tại sao không có Koalitsiya-SV nòng đôi?
Nga đã sản xuất một số biến thể Koalitsiya-SV nòng đôi vào năm 2010. Không có nhiều thông tin chính thức về chúng nhưng ngay từ những hình ảnh ít ỏi về hoạt động thử nghiệm cũng nói lên những khó khăn mà các nhà thiết kế phải đối mặt.
Như bạn đã biết, tháp pháo của Koalitsiya-SV không có người và mọi việc được thực hiện bằng tự động hóa.
Trang bị 2 nòng lựu pháo 152 mm khiến kích thước của cabin phải tăng đáng kể và bổ sung trọng lượng lên tới hơn 55 tấn cho toàn bộ sản phẩm - tạo ra khó khăn trong vận chuyển.
Không thể loại bỏ sự phức tạp của bộ nạp đạn tự động của Koalitsiya-SV khỏi danh sách nhược điểm.
Việc một lựu pháo tự hành có 2 nòng và 2 bộ nạp đạn sẽ yêu cầu về trình độ chuyên môn cao của những người sửa chữa - chúng cũng để lại ít không gian bên trong hơn để tích trữ đạn pháo.
Xe chuyên dụng nạp đạn cho pháo phải di chuyển thường xuyên hơn làm tăng tính dễ bị tổn thương. Và việc tiêu hao đạn nhanh hơn so với pháo tự hành truyền thống sẽ khiến tình hình hậu cần trở nên căng thẳng.
Quan trọng nhất là Koalitsiya-SV nòng đôi với 2 nòng cùng 2 bộ nạp đạn sẽ làm tăng đáng kể chi phí sản xuất. Một thỏa hiệp đã được tìm ra và Koalitsiya-SV nòng đơn đang được cử tới khu vực chiến dịch quân sự đặc biệt.
Và các nhà thiết kế Nga chắc chắn sẽ tiếp tục công việc với ý tưởng lựu pháo tự hành nòng đôi - nhưng ở một trình độ công nghệ khác - và rồi chúng ta sẽ thấy một cuộc cách mạng thực sự trên chiến trường.