Rộ tin đồn 'nước lớn Châu Á' âm thầm thu nhặt xác siêu máy bay Ukraine?
Antonov An-225 "Mriya" (Định danh NATO là Cossack/Cô-dắc) là vận tải cơ được Liên Xô cũ chế tạo. Với chiều dài 84 mét, sải cảnh 88,4 mét, chiều cao 18,1 mét và trọng lượng tối đa 640 tấn cho tới nay An-225 vẫn là loại máy bay lớn và nặng nhất thế giới.
Mặc dù ban đầu được thiết kế với mục đích chuyên chở tàu con thoi "Buran" nhưng sau khi Liên Xô tan rã và được chuyển giao cho Ukraine, An-225 chủ yếu được sử dụng để vận chuyển những hàng hóa có kích thước lớn.
Cho tới trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, chỉ có duy nhất một chiếc mang số hiệu UR-82060 hiện đang hoạt động tại nước này và nó đậu tại Sân bay Antonov ở Hostomel.
Tính đến ngày 24/2/2022, chiếc máy bay vẫn được xác nhận trong tình trạng còn nguyên vẹn - mặc dù sân bay Antonov là nơi diễn ra giao tranh lớn giữa các lực lượng Nga và Ukraine.
Tuy nhiên vào ngày 27/2/2022, một số bức ảnh đã được đăng tải trên mạng xã hội Twitter (nay là X) về chiếc máy bay đang bốc cháy và có thể bị phá hủy trong nhà chứa máy bay.
Cùng ngày, Tập đoàn nhà nước Ukraine (công ty mẹ của Antonov) Ukroboronprom cũng đã xác nhận việc "Mriya" đã bị phá hủy.
Vào ngày 2/4/2022, sau khi lực lượng Nga rút khỏi khu vực và phía Ukraine khôi phục quyền kiểm soát sân bay, mức độ phá hủy của chiếc vận tải cơ lớn và nặng nhất thế giới đã trở nên rõ ràng.
Nửa thân trước của chiếc An-225 bị nổ tung hoàn toàn, phần thân sau cũng bị hư hỏng tương đối nghiêm trọng và thứ duy nhất còn lại tương đối nguyên vẹn là 3 động cơ.
Tuy nhiên theo một bài viết được hãng tin CNN đăng tải vào ngày 7/4/2023 - cảm nhận được tầm quan trọng mang tính biểu tượng của "Mriya" với nước mình - vào tháng 5/2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ra tuyên bố sẽ chế tạo lại máy bay.
Hãng tin Mỹ cũng dẫn lời các quan chức của Antonov cho biết một chiếc An-225 khác đã được Liên Xô chế tạo dang dở vào những năm 1990 và kế hoạch hiện tại của họ là sử dụng những gì đang có làm cơ sở cho một chiếc máy bay mới.
Các kỹ sư của Antonov cũng đang lùng sục những gì còn lại tại Sân bay Antonov để tìm ra những bộ phận hữu ích cho chiếc máy bay. CNN cũng lưu ý rằng chưa thể xác định chi phí xây dựng máy bay là bao nhiêu, nhưng ước tính rằng có thể lên tới gần 1 tỷ USD".
Kể từ đó tới nay, các thông tin liên quan tới kế hoạch tham vọng của Ukraine không được truyền thông chính thống cập nhật thêm. Tuy nhiên gần đây trên Internet lại xuất hiện một số tin đồn mới về An-225.
Thậm chí có người còn cho rằng "một nước lớn ở Châu Á" đã âm thầm thu nhặt các mảnh vỡ và khung thân của vận tải cơ lớn nhất thế giới. Có thể nói giả định An-225 có thể bay lên bầu trời lần nữa và "nước lớn ở Châu Á" là ai đã khơi dậy sự quan tâm của nhiều người trên Internet.
Chuyên gia Trung Quốc nói gì?
Trong bài viết mới được Sohu (Trung Quốc) đăng tải vào ít giờ trước, cây viết với bút danh "Jun qi zhan wei" (Quân khí chiến vị) đã đưa ra bình luận về tin đồn nói trên như sau:
"Mặc dù tin đồn này là có cơ sở nhưng tính thực tế của nó vẫn chưa được chứng minh.
Vấn đề đầu tiên là về mặt công nghệ. An-225 đã hơn 40 tuổi và mặc dù được mệnh danh là vận tải cơ lớn nhất thế giới nhưng một số công nghệ trên nó có thể không tốt hơn nhiều so với công nghệ hàng không hiện tại của nhiều quốc gia.
Ví dụ như về động cơ, An-225 sử dụng 6 động cơ D-18T với lực đẩy khoảng 23,5 tấn.
Sau khi phát triển thành công động cơ WS-18T với lực đẩy 15 tấn - giờ đây Trung Quốc có thể sẽ phát triển động cơ dòng CJ tiên tiến hơn - với lực đẩy dự kiến sẽ đạt hơn 30 tấn.
Nếu đúng như vậy thì ngành hàng không Trung Quốc có thể đã và đang nghiên cứu những mẫu động cơ có hiệu suất tốt hơn và lực đẩy lớn hơn và không cần phải sao chép các động cơ của An-225 - một sản phẩm đã được sản xuất cách nay 30 năm.
Quan trọng hơn, An-225 được sản xuất với mục đích chính là vận chuyển tàu con thoi. Vì vậy nếu xét về nhu cầu hàng không vũ trụ, các nước trên thế giới hiện nay dường như chưa cần đến loại máy bay như vậy.
Vì nó sẽ không được sử dụng cho mục đích quân sự và cũng không cần thiết trong lĩnh vực hàng không vũ trụ nên tôi (cây viết Trung Quốc) không nghĩ có quốc gia nào sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền bạc và công sức với những mảnh vỡ của chiếc An-225.
Bởi vì chiếc máy bay này rất lớn và có yêu cầu rất cao về đường băng nên các sân bay quân sự thông thường sẽ không thể đáp ứng nó. Chúng ta (Trung Quốc) có cần cải tạo các sân bay trên cả nước hay xây dựng một số sân bay đặc biệt dành riêng cho loại máy bay này không?
Điều này có vẻ không hiệu quả về mặt chi phí.
Về mặt hàng không vũ trụ, Trung Quốc hiện sử dụng các phương tiện có lực đẩy lớn hơn để vận chuyển hàng hóa lên vũ trụ chứ không sử dụng tàu con thoi...
Vì vậy, tôi cho rằng tính xác thực về việc các mảnh vỡ An-225 được một quốc gia Châu Á nào đó mua và sao chép là rất thấp và xác suất là rất nhỏ...
Mẫu máy bay này đã là sản phẩm của thời đại trước, thậm chí có thể nói là bắt nguồn từ cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Liên Xô. Tuy nhiên, xét đến con đường phát triển hàng không vũ trụ hiện nay của nhiều nước, có vẻ như một chiếc máy bay lớn như vậy không còn cần thiết nữa".