Bất đồng mới nhất giữa hai nước bùng phát từ giữa tháng 6 và được coi là nghiêm trọng nhất kể từ cuộc chiến biên giới giữa hai nước vào năm 1962, Bloomberg đưa tin. Tranh chấp diễn ra khi hai cường quốc đang lên của khu vực tranh giành ảnh hưởng trong vùng.
Điểm nóng bất đồng hiện nay nằm gần một ngã 3 giữa Bhutan, vùng Tây Tạng của Trung Quốc và Sikkim của Ấn Độ. Do bất đồng, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều tăng cường binh sĩ tới khu vực.
Bất đồng nảy sinh từ đâu?
Căng thẳng bùng phát khi Ấn Độ phản đối Trung Quốc kéo dài một đoạn đường biên đi qua một cao nguyên mà Ấn Độ gọi là Doklam còn Trung Quốc gọi là Donglang.
Cao nguyên này nằm ở ngã ba giữa Trung Quốc, bang Sikkim phía đông bắc Ấn Độ và Bhutan. Cao nguyên này hiện cũng là khu vực tranh chấp giữa Bắc Kinh và Thimphu. Ấn Độ ủng hộ các tuyên bố của Bhutan về cao nguyên Doklam.
Ấn Độ lo ngại rằng nếu con đường trên hoàn tất, nó sẽ giúp Trung Quốc tiếp cận tuyến đường huyết mạch chiến lược, nhưng dễ bị tấn công của Ấn Độ. Tuyến đường này vốn là một hành lang dài khoảng 20km, nối 7 bang phía đông bắc Ấn Độ với vùng lục địa của nước này.
Giới chức ở New Delhi nói với nhà phân tích khu vực Subir Bhaumik rằng đã phản đối, ngăn chặn việc mở đường khi mà con đường này có thể giúp binh sĩ Trung Quốc ồ ạt tấn công các vị trí của Ấn Độ, phá tan hai boongke ở tiền đồn Lalten gần đó.
"Chúng tôi không nổ súng, binh sĩ của chúng tôi chỉ thiết lập bức tường người sống và ngăn chặn Trung Quốc xâm nhập sâu hơn", một vị tướng Ấn Độ đề nghị giấu tên nói.
Trong khi đó, giới chức Trung Quốc cho rằng, việc lính biên phòng Ấn Độ phản đối mở đường chính là ngăn chặn các hoạt động thông thường ở phía Trung Quốc. Bắc Kinh đòi hỏi New Delhi phải rút quân ngay lập tức. |
Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều đưa thêm quân tới khu vực biên giới. Theo giới truyền thông, binh sĩ hai phía đang theo sát từng động thái của nhau.
Đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ Luo Zhaohui nói với Thông tấn xã Ấn Độ PTI rằng, New Delhi phải rút quân vô điều kiện để hòa bình được vãn hồi. Tuyên bố này được Trung Quốc coi là leo thang về ngoại giao.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng trả đũa bằng cách chặn 57 người Ấn Độ hành hương, đang trên đường tới hồ Manas Sarovar ở Tây Tạng, khi họ đi qua đèo Nathu La ở Sikkim. Hồ Manas Sarova là vùng đất thiêng của tín đồ đạo Hindu và trước đây Ấn Độ - Trung Quốc từng có thỏa thuận chính thức về việc cho những người mộ đạo tới hồ này.
Trong khi đó, Bhutan cũng yêu cầu Trung Quốc dừng mở đường và nói đó là vi phạm một thỏa thuận giữa hai nước.
Ấn Độ nói gì? |
"Trung Quốc biết rõ điều đó và họ luôn cố ngăn chúng tôi có được lợi thế", Thiếu tướng về hưu Gaganjit Singh, từng chỉ huy quân đội biên phòng Ấn Độ nói với BBC.
Tuần trước, Bộ Ngoại giao Ấn Độ tuyên bố, việc Trung Quốc mở rộng con đường sẽ thay đổi tình trạng hiện có và ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh Ấn Độ.
Bộ trưởng Quốc phòng và Tài chính Ấn Độ Arun Jaitley cũng cảnh báo, Ấn Độ của năm 2017 khác xa những hồi 1962 và nước này có quyền bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của mình.
Trung Quốc tuyên bố ra sao?
Trung Quốc vừa tái khẳng định chủ quyền với khu vực trên đồng thời tuyên bố, con đường đang xây dựng nằm trong lãnh thổ nước này, cáo buộc quân Ấn Độ xâm lấn.
Bắc Kinh nhắc rằng chắc hẳn Ấn Độ còn nhớ rõ đã bại trận thế nào trong cuộc chiến 1962 và cảnh báo Trung Quốc hiện giờ mạnh hơn cách đây hàng chục năm.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc hồi đầu tháng này tuyên bố, biên giới ở Sikkim đã được phân định trong thỏa thuận 1890 với quân Anh và việc Ấn Độ vi phạm như vậy là rất nghiêm trọng.
Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc còn cáo buộc Ấn Độ hủy hoại chủ quyền của Bhutan khi can thiệp vào dự án mở đường, dù Bhutan đã yêu cầu Trung Quốc ngừng dự án trên.
Vai trò của Bhutan trong tranh chấp Trung-Ấn
Đại sứ của Bhutan tại Ấn Độ Vetsop Namgyel nói việc Trung Quốc mở đường là vi phạm thỏa thuận giữa hai nước. Bhutan và Trung Quốc không có quan hệ ngoại giao chính thức mà duy trì tiếp xúc qua phái bộ ở New Delhi.
Nhà phân tích an ninh Jaideep Saikia nói với BBC rằng, Bắc Kinh đang cố giải quyết mọi việc với Thimphu trực tiếp.
Điều gì sẽ xảy ra?
Các cuộc đụng độ vũ trang đã xảy ra giữa Trung Quốc và Ấn Độ vào năm 1967 và căng thẳng đôi khi cũng bùng phát. Theo các nhà bình luận, căng thẳng mới nhất dường như là lần leo thang nghiêm trọng nhất trong vài năm gần đây.
Tuy nhiên, đa phần các nhà quan sát cho rằng chiến tranh lần hai giữa Trung Quốc và Ấn Độ sẽ không bùng phát. Năm 2019, sẽ có bầu cử ở Ấn Độ và nước này sẽ không chấp nhận rủi ro xung đột với một đối thủ mạnh hơn.
Về phần Trung Quốc, nước này cũng không muốn hành động gì gây hại tới hình ảnh mà họ đang xây dựng là một quốc gia lãnh đạo trên trường quốc tế.