Điều gì khiến Iran tự hào về lực lượng tên lửa nước này?

Nhật Minh |

Tướng Amir Ali Hajizadeh - Tư lệnh không quân IRGC khẳng định Iran đang sở hữu một trong những kho tên lửa và máy bay không người lái (UAV) lớn nhất khu vực và trên thế giới.

Tên lửa đạn đạo

Theo tạp chí National Interest (Mỹ), mối quan tâm của Iran đối với tên lửa đạn đạo bắt đầu từ Chiến tranh Iran-Iraq giai đoạn 1980-1988. Mặc dù vượt trội về số lượng và công nghệ so với Không quân Iraq nhưng Iran đã không thể đạt được ưu thế trên không, và không thể tấn công các mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ Iraq. Để đáp trả, Iran đã mua từ Libya một số tên lửa đạn đạo R-17 (Scud-B) do Liên Xô chế tạo.

Sau đó, từ nhu cầu về tên lửa đạn đạo trong thời chiến, cũng như mối quan hệ thù địch với Israel, Iran đã quyết định phát triển ngành công nghiệp tên lửa của riêng nước này.

Điều gì khiến Iran tự hào về lực lượng tên lửa nước này? - Ảnh 1.

Tên lửa Shahab-1. Nguồn: Wiki

Các tên lửa đầu tiên của Iran chủ yếu là bản sao của tên lửa Scud mà họ có. Shahab-1 được thiết kế dựa theo Scud-B, sử dụng nhiên liệu lỏng và có thể mang đầu đạn nổ mạnh, nhưng cũng giống như Scud-B, nó thiếu độ chính xác. Tehran đã phát triển phiên bản nâng cấp mang tên Shahab-2 với tầm bắn xa hơn nhưng sau một thời gian, cả 2 mẫu tên lửa này đều bị loại bỏ dần để chuyển sang tên lửa nhiên liệu rắn thế hệ mới.

Shahab-3 là một biến thể của tên lửa Nodong-1 Triều Tiên nhưng nguồn gốc chung vẫn là tên lửa Scud. Trung tâm Các nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết, trong khi Nodong-1 có tầm bắn 1.500km, thì Shahab-3 có tầm bắn gần 2.000km - một cải tiến đáng kể. Tuy nhiên, một lần nữa, Shahab-3 gây thất vọng về độ chính xác.

Iran đã khắc phục bằng cách cho ra đời một biến thể mới mang tên Ghadr-1, có tầm bắn ngắn hơn một chút nhưng độ chính xác cao hơn nhiều. Loại đầu đạn mới phát triển, gọi là Emad, dường như đã mang lại độ ổn định, khả năng cơ động và độ chính xác cao hơn nữa cho các tên lửa đạn đạo tầm trung của Iran.

Điều gì khiến Iran tự hào về lực lượng tên lửa nước này? - Ảnh 2.

Một vụ phóng tên lửa Sejil của Iran. Nguồn: FARS

Thời gian sau đó, chương trình phát triển tên lửa của Iran đã có một bước nhảy vọt với tên lửa tầm trung Sejil. Không giống như các tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng trước đây, Sejil trang bị nhiên liệu rắn, không phải nạp trước khi phóng. Bước chuyển của Iran sang tên lửa nhiên liệu rắn được cho là xuất phát từ Trung Quốc, sau thỏa thuận chuyển giao công nghệ giữa hai nước vào cuối những năm 1980.

Được thử nghiệm lần đầu năm 2008, Sejil mang đầu đạn nặng từ 450-900kg và có tầm bắn tương tự như tên lửa Shahab-3. Mẫu tên lửa này còn có thêm hai biến thể là Sejil-2 (thử nghiệm năm 2009) và Sejil-3 (thử nghiệm năm 2016).

Các loại tên lửa mới nhất của Iran hiện nay, như Tehran, Zulfiqar, cũng dựa trên công nghệ nhiên liệu rắn từ Trung Quốc. Zulfiqar mang theo đầu đạn nổ mạnh, có tầm bắn từ 700-750km. Mặc dù mang đầu đạn có kích cỡ nhỏ hơn đầu đạn của Shahab-1 và Shahab-2 nhưng Zulfiqar có độ chính xác cao hơn và tầm bắn lớn hơn. Lợi thế này khiến nó trở thành phương án thay thế khả thi cho các tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng thế hệ cũ.

Tên lửa hành trình

Ngoài tên lửa đạn đạo, Iran còn đa dạng hóa kho vũ khí của mình với các tên lửa hành trình tấn công mặt đất (LACM) và tên lửa hành trình chống hạm (ASCM) có thể triển khai từ đất liền, trên biển hoặc trên không.

Tên lửa hành trình có kích cỡ nhỏ và thường khó bị radar phát hiện. Chúng có thể được phóng từ nhiều phương tiện khác nhau, sử dụng các hệ thống định vị có độ chính xác cao - như GPS và hệ thống lập bản đồ địa hình để tấn công mục tiêu.

Tên lửa LACM Soumar của Iran có tầm bắn 2.000km, trong khi Houthi - lực lượng ủy nhiệm của Iran ở Yemen - đang có trong tay LACM Quds-1 với tầm bắn từ 700km - 1.350km.

Điều gì khiến Iran tự hào về lực lượng tên lửa nước này? - Ảnh 3.

Mô hình tên lửa hành trình Hoveizeh được trưng bày tại Tehran, ngày 2/2/2019. Ảnh: MEHR

Năm ngoái, Tehran đã cho công bố trước thế giới hình ảnh sơ bộ về tên lửa hành trình Hoveizeh gắn trên chiến đấu cơ, một mẫu tên lửa được cho là bản sao của mẫu Kh-55 do Liên Xô phát triển.

Hoveizeh được cho là thuộc họ tên lửa hành trình Soumar, có tầm bắn khoảng 1.350 km. Mô hình tên lửa này được giới thiệu lần đầu trước công chúng vào năm 2019 nhân dịp kỉ niệm 40 năm Cách mạng Hồi giáo Iran.

Điều gì khiến Iran tự hào về lực lượng tên lửa nước này? - Ảnh 4.

Mẫu tên lửa Kheibar Shekan của Iran. Ảnh: IRNA

Bên cạnh đó, tháng 2 năm nay, Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã công bố mẫu tên lửa hành trình mới Kheibar Shekan có tầm bắn lên đến 1.450km, sử dụng nhiên liệu rắn, khả năng bay cơ động và có thể xuyên thủng các hệ thống phòng không hiện có ở khu vực.

Tướng Amir Ali Hajizadeh - Tư lệnh không quân IRGC khẳng định Iran đang sở hữu một trong những kho tên lửa và máy bay không người lái (UAV) lớn nhất khu vực và trên thế giới, bất chấp nhiều năm bị cấm vận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại