Điều gì khiến hàng loạt chiến hạm Mỹ liên tục va đâm?

Song Hy |

Vụ khu trục hạm USS John S. McCain va chạm với tàu chở dầu Alnic MC là giọt nước tràn ly buộc Hải quân Mỹ ra quyết định tạm dừng mọi hoạt động trên toàn cầu để đánh giá lại các hạm đội nước này.

"Hai vụ đâm tàu liên tiếp trong 3 tháng qua. Chiều hướng này buộc chúng tôi phải có hành động mạnh mẽ hơn. Vì vậy, tôi chỉ đạo tạm ngừng mọi hoạt động với tất cả các hạm đội Mỹ trên toàn thế giới", Tư lệnh Hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson tuyên bố.

Ông này cho biết, Hải quân Mỹ sẽ nhanh chóng đánh giá lại quá trình đào tạo, công tác huấn luyện trên biển, năng lực chiến thuật, định hướng cũng như hiệu suất hoạt động và khả năng của các nhân sự.

Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis cũng ủng hộ quyết định nói trên khi cho rằng điều này sẽ giúp xác định điều gì đang diễn ra với hạm đội tàu chiến lớn mạnh vào hàng bậc nhất thế giới.

Theo CNN, vụ va chạm của khu trục hạm Mỹ ở vùng biển ngoài khơi Singapore hôm 21/8 đã là lần thứ 4 một chiến hạm tối tân của Mỹ gặp sự cố kể từ đầu năm.

Hồi cuối tháng 1, tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Ticonderoga USS Antietam bị mắc cạn ngoài khơi Nhật Bản, gây tràn dầu ra Vịnh Tokyo. Đến tháng 5, tàu tuần dương của Mỹ USS Lake Champlain đâm vào tàu cá Hàn Quốc khi đang tham gia một nhiệm vụ huấn luyện trong vùng biển phía Nam đảo Ulleung.

Mới đây, USS Fitzgerald - một trong những tàu chiến hiện đại nhất thế giới va chạm với tàu hàng ACX Crystal làm 7 thủy thủ thiệt mạng.

Hàng loạt những sự cố liên tiếp xảy ra đặt ra câu hỏi về công tác huấn luyện dường như đang có vấn đề của hải quân Mỹ, cũng như khả năng tác chiến và vận hành của những chiến hạm tối tân hàng đầu thế giới.

Lỗi do đâu?

"Hải quân hiện nay có vẻ không tốt, đặc biệt là khi chúng ta chúng ta cần những con tàu được trang bị hệ thống phòng thủ Aegis để đối phó với các loại tên lửa đạn đạo", Rick Francona, một chuyên gia hàng hải nhận định.

Điều gì khiến hàng loạt chiến hạm Mỹ liên tục va đâm? - Ảnh 1.

USS John S. McCain được trang bị hệ thống radar, cảm biến và các thiết bị tối tân.

Trong báo cáo mới đây về vụ va chạm giữa Fitzgerald vào tàu hàng, Hải quân Mỹ cho biết sẽ xem xét lại quá trình đào tạo cũng như trình độ nhân lực, đồng thời thừa nhận sự phối hợp nhóm của ca trực có lỗ hổng cùng với công tác chỉ đạo thiếu sót đã góp phần gây ra tai nạn.

Kết luận này cho thấy rằng rõ ràng yếu tố con người có thể là nguyên nhân chính gây ra vụ va đâm.

Tương tự như trường hợp của USS John S. McCain, nhiều chuyên gia hàng hải nhận định kíp trực có thể đã không làm tròn trách nhiệm của mình dẫn tới sự cố đáng tiếc.

"Làm thế nào mà một khu trục hạm hiện đại được trang bị hệ thống radar và liên lạc tối tân lại không thể nhìn thấy, phát hiện, né tránh một con quái thú nặng tới 30.000 tấn di chuyển ì ạch với tốc độ gần 20 km/h", ông Francona nhấn mạnh và cho rằng dù tàu chở dầu có bất cứ hoạt động gì thì với chênh lệch về tốc độ, khu trục hạm của Mỹ vẫn hoàn toàn có thể làm chủ được tình hình nếu phát hiện nguy cơ va đâm từ sớm.

"Rõ ràng khi di chuyển vào khu vực có mật độ tàu thuyền dày đặc, bạn cần phải cảnh báo nhiều lần và liên tục theo dõi chi tiết xung quanh", Carl Schuster, cựu giám đốc Trung tâm Thông tin Liên hợp, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương chia sẻ quan điểm tương đồng.

Với trường hợp của USS John S. McCain và USS Fitzgerald, đây đều là khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis, với radar AN/SPY-1D có thể theo dõi 100 mục tiêu ở cự ly 190 km.

Seth Cropsey, giám đốc Trung tâm Sức mạnh hải quân Mỹ tại Viện Hudson (CAS) nhận định, các trang bị thiết bị tối tân này cũng như hệ thống cảm biến sẽ giúp các con tàu bao quát tình hình trên một vùng biển rộng lớn, nhưng vận hành chúng là con người.

Thêm vào đó, 2 vụ va chạm tàu Mỹ mới đây lại đều xảy ra trên các tuyến đường hàng hải nhộn nhịp vào khoảng nửa đêm, gần sáng, thời điểm các thủy thủ có thể hay buồn ngủ và không tỉnh táo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại