Điều gì khiến dự án Cơ động Quân sự của EU hấp dẫn Mỹ, Canada và Na Uy?

CTV Lê Ngọc |

Dự án Cơ động Quân sự của Liên minh châu Âu hỗ trợ việc di chuyển tự do của các đơn vị quân đội và trang thiết bị kỹ thuật trên khắp châu Âu bằng việc dỡ bỏ các rào cản quan liêu và cải thiện cơ sở hạ tầng, đang được ủng hộ rộng rãi và được xúc tiến ráo riết.

Dự án Cơ động Quân sự của Liên minh châu Âu

Cơ động Quân sự là một trong những dự án được khởi động trong khuôn khổ hợp tác hạ tầng thường xuyên (Permanent Structured Cooperation - PESCO) trong lĩnh vực quốc phòng của Liên minh châu Âu (EU).

Nó còn được gọi là "Schengen quân sự" vì được lấy cảm hứng từ khu vực Schengen của EU, nhưng được thiết lập để hỗ trợ việc di chuyển tự do của các đơn vị quân đội và trang thiết bị kỹ thuật trên khắp châu Âu.

Năm 2017, do Brexit và các áp lực địa chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Jeanine Hennis-Plasschaert đã đề xuất thỏa thuận này.

Điều gì khiến dự án Cơ động Quân sự của EU hấp dẫn Mỹ, Canada và Na Uy? - Ảnh 1.

Hiện nay, Dự án Cơ động Quân sự đã thu hút 27 quốc gia tham gia. Nguồn: eda.europa.eu

Cơ động quân sự được chọn làm dự án PESCO do chi phí thấp và về chủ đề này, có ít bất đồng quan điểm chính trị. Thỏa thuận này được khởi thảo để phù hợp với các hoạt động của cả NATO và EU, nhằm đảm bảo "các đơn vị và trang thiết bị quân sự có mặt đúng nơi vào đúng thời điểm, bất kể chúng được triển khai theo sáng kiến của EU hay NATO".

Ủy ban châu Âu đã đưa ra kế hoạch hành động về Cơ động Quân sự vào năm 2018, cho phép EU có cách tiếp cận phối hợp hơn, tăng cường đoàn kết giữa các quốc gia thành viên và nâng cao giá trị của EU.

Dự án PESCO về Cơ động Quân sự cho phép quân nhân và xe máy di chuyển không bị cản trở trong biên giới của EU, liên quan đến hai lĩnh vực chính. Đầu tiên là việc loại bỏ các rào cản quan liêu như kiểm tra hộ chiếu và yêu cầu thông báo trước. Trong khi trong trường hợp khẩn cấp NATO có thể chuyển quân nhanh hơn (việc di chuyển của quân đội Mỹ từ Ba Lan sang Đức cần phải thông báo trước 5 ngày).

Lĩnh vực thứ hai là cơ sở hạ tầng, liên quan đến đường sắt, đường bộ, đường hàng không hoặc đường biển - những con đường và cầu cống không thể chịu được sức nặng của thiết bị quân sự, đường hầm quá nhỏ và đường băng không thể chứa máy bay lớn hơn.

Kể từ khi PESCO khởi động vào tháng 12/2017, dự án Cơ động Quân sự do Đức và Hà Lan đề xuất là dự án duy nhất có gần như mọi quốc gia PESCO tham gia (trừ Đan Mạch và Malta). Với tư cách là điều phối viên dự án PESCO về Cơ động Quân sự, Hà Lan đã thông qua Kế hoạch Quốc gia tháng 1/2021, tái khẳng định vị trí của Hà Lan là cửa ngõ châu Âu và vai trò nổi bật của nước này như một quốc gia trung chuyển.

Kể từ tháng 11/2020, các nước thứ ba đã có thể tham gia PESCO và tháng 5/2021, tại một cuộc họp của Hội đồng Đối ngoại, Bộ trưởng Quốc phòng EU đã đồng ý để ba nước Canada, Na Uy và Mỹ tham gia vào dự án Cơ động Quân sự.

Tháng 11/2021 các quốc gia thành viên đã thông qua một loạt dự án chung mới trong khuôn khổ PESCO, nhằm mục đích tăng cường hợp tác quốc phòng giữa các quốc gia thành viên. Có 14 dự án mới nằm trong đợt thứ tư này, nâng tổng số dự án được triển khai trong khuôn khổ PESCO lên con số 60.

Điểm khác biệt chính giữa PESCO và các hình thức hợp tác khác là bản chất ràng buộc pháp lý của 20 cam kết do các quốc gia thành viên tham gia thực hiện. Chúng bao gồm tăng chi tiêu quốc phòng, lập kế hoạch và cùng với các thành viên khác phát triển khả năng quốc phòng, bất cứ khi nào có thể và cải thiện khả năng tương tác, sử dụng chung các khả năng hiện có.

Là một phần của các cam kết này, các quốc gia thành viên đảm bảo rằng các chương trình hợp tác và chiến lược mua sắm được các quốc gia thành viên áp dụng sẽ có tác động tích cực đến cơ sở công nghệ và công nghiệp quốc phòng EU.

Điều gì khiến dự án Cơ động Quân sự của EU hấp dẫn Mỹ, Canada và Na Uy? - Ảnh 2.

Dự án Cơ động Quân sự nhằm đơn giản hóa và tăng tốc độ di chuyển trên địa bàn cháu Âu, đặc biệt là xuyên biên giới. Nguồn: armyrecognition.com

Khuôn khổ hợp tác quốc phòng lâu dài này cho phép các quốc gia thành viên sẵn sàng và có khả năng phát triển quốc phòng chung, đầu tư vào các dự án chung, nâng cao khả năng sẵn sàng hoạt động và đóng góp của các lực lượng vũ trang của họ.

Mỹ, Canada và Na Uy tham gia dự án PESCO

Tháng 12/2021, các quốc gia thành viên PESCO gồm có: Áo, Bỉ, Bulgaria, CH Séc, Croatia, CH Síp, Estonia, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Hungary, Italy, Ireland, Latvia, Lithuania, Luxembourg, Hà Lan, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania, Slovenia, Slovakia, Tây Ban Nha và Thụy Điển.

Đến ngày 14/12/2021, PESCO chính thức chào đón Mỹ, Canada và Na Uy trở thành thành viên của dự án PESCO của EU. Với các thủ tục cần thiết được thực hiện, sự tham gia của họ hiện đã được chính thức hóa.

Như vậy, tham gia dự án PESCO về Cơ động Quân sự hiện có 27 quốc gia gồm 24 quốc gia thành viên EU và ba đồng minh NATO. Đây là lần đầu tiên các nước ngoài EU tham gia vào dự án PESCO. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Kamp, động thái này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa EU với Mỹ, Canada và Na Uy.

Ba thành viên mới sẽ mang lại giá trị gia tăng đáng kể trong lĩnh vực di chuyển quân sự ở châu Âu. Cả Mỹ và Canada thường xuyên di chuyển một số lượng lớn các đơn vị xung quanh châu Âu, bao gồm cả qua Na Uy, vì vậy họ có kinh nghiệm đáng kể trong lĩnh vực này. Sự phát triển này cũng là một bước tích cực và cụ thể hướng tới sự hợp tác tốt hơn giữa EU và NATO.

Trong những tuần qua, đã có một cuộc di chuyển lớn quân nhân Mỹ và thiết bị trên khắp châu Âu qua cảng Vlissingen của Hà Lan. Một lữ đoàn trực thăng đã được điều động như một phần của sự hiện diện tăng cường của Mỹ ở châu Âu. Hà Lan có một vị trí quan trọng như một 'cửa ngõ vào châu Âu' - quốc gia trung chuyển chiến lược cho việc di chuyển quân sự.

Trước đó, năm 2018, cuộc tập trận quy mô lớn Trident Juncture đã diễn ra, Hà Lan cũng đóng vai trò rất tích cực.

Sức mạnh của dự án PESCO nằm ở sự phối hợp các nỗ lực quốc gia giữa các thành viên. Ngoài ra, có sự hợp tác chặt chẽ với các tổ chức EU liên quan đến các vấn đề của châu Âu như luật hải quan và đầu tư của EU vào cơ sở hạ tầng. Các trung tâm của cơ chế Cơ động Quân sự hoạt động để đơn giản hóa và tăng tốc độ di chuyển, đặc biệt là xuyên biên giới.

Với căng thẳng gia tăng ở biên giới châu Âu, quân đội các thành viên tham gia dự án PESCO phải có khả năng phản ứng nhanh, nhạy - điều góp phần nâng cao khả năng răn đe chung và xử lý tình huống hiệu quả trong tình hình mới./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại