Điều gì khiến các bên Venezuela chịu đối thoại?

ĐĂNG KHOA |

Không bên nào đủ mạnh để phá được thế bế tắc hiện tại ở Venezuela.

Sau nhiều tháng trời căng thẳng và khủng hoảng, tuần rồi cả chính phủ lẫn phe đối lập Venezuela đều gửi đại diện đến Na Uy đối thoại, hy vọng thống nhất được biện pháp giải quyết thế bế tắc chính trị hiện tại.

Tại sao hai bên lại đối thoại thời điểm này?

Vụ đảo chính của phe đối lập ngày 30-4 dù thất bại nhưng cũng cho thấy không bên nào đủ mạnh để phá được thế bế tắc hiện tại ở Venezuela, tạp chí Time nhận định. Đây khả năng là động lực để phe đối lập chấp nhận đối thoại với chính phủ, sau hàng tháng dài từ chối vì cho rằng ông Maduro lợi dụng điều này để kéo dài thời gian.

Vụ đảo chính dù không thành công nhưng cũng phần nào cho thấy rạn nứt trong tính thống nhất của chính phủ. Thực tế một số lượng sĩ quan, binh sĩ quân đội bỏ sang đầu quân cho phe đối lập, trong đó quan trọng nhất là cựu lãnh đạo cơ quan tình báo quốc gia (SEBIN) Manuel Christopher Figuera đã cho thấy điều này. Thêm nữa phe đối lập từng nói rằng mình đã gặp các lãnh đạo quân đội cấp cao.

Theo chuyên gia Geoff Ramsey - trợ lý giám đốc chương trình Venezuela tại tổ chức phi chính phủ Văn phòng Washington về Mỹ La-tinh, không loại trừ khả năng nhiều thành viên trong chính phủ ông Maduro đang ngày càng sốt ruột trước sự bế tắc chính trị. Thêm vào đó là áp lực từ tác động trừng phạt của Mỹ lên ngành công nghiệp dầu của Venezuela - vốn cung cấp 97% nguồn tiền mặt cho chính phủ.

Nói như chuyên gia Ramsey: “Bạn không thương lượng vì bạn muốn điều đó. Mà bạn thương lượng vì bạn phải làm điều đó. Rất rõ ràng không bên nào có thể áp đặt chiến lược ưu thế của mình lên bên kia”.

Đối thoại khả quan đến đâu?

Tham gia đối thoại là một bước đảo ngược của phe đối lập, vốn vẫn cáo buộc ông Maduro sử dụng các cuộc thương lượng trong thời gian từ năm 2016 đến 2018 để kéo dài thời gian. Đổi lại ông Maduro cáo buộc phe đối lập cố gắng giành quyền lực bằng vũ lực.

Về phía chính phủ Venezuela, theo Đại sứ Venezuela tại Liên Hiệp Quốc Samuel Moncada, cuộc đối thoại là dấu hiệu đầu tiên cho thấy chính phủ sẵn sàng đối thoại với ông Guaido.

Cuộc đối thoại hòa giải này được Liên Hiệp Quốc ủng hộ . Tuy nhiên, hai bên khó có thể thống nhất được một giải pháp khả dĩ giải quyết được khủng hoảng, do hai bên vẫn còn thiếu niềm tin và bất đồng về hàng loạt vấn đề quan trọng, hãng tin AP nhận định.

Lãnh đạo đối lập Juan Guaido vạch ra lằn ranh đỏ rằng Tổng thống Nicolas Maduro phải từ chức. Trên Twitter tuần rồi ông Guaido xác nhận có gửi đại diện đến Na Uy đối thoại, tuy nhiên cho biết phe đối lập sẽ không để bị chính phủ lèo lái. Ông Guaido vẫn khăng khăng bất kỳ đối thoại nào nhằm giải quyết khủng hoảng Venezuela phải dẫn tới sự chấm dứt của chính phủ Tổng thống Maduro, thay thế bằng một chính phủ chuyển tiếp và tổ chức bầu cử tự do, công bằng.

Theo chuyên gia phân tích rủi ro Mỹ La-tinh Diego Moya-Ocampos tại công ty cung cấp thông tin IHS Markit (Anh), ưu tiên của phe đối lập sẽ là nhắm đến thành lập một thể chế thông qua bầu cử và một lịch trình bầu cử.

Về phần mình, chính phủ Venezuela khẳng định sẽ không có cuộc bầu cử mới nào được tổ chức trước khi nhiệm kỳ tổng thống của ông Maduro kết thúc vào năm 2025. Tổng thống Maduro vẫn nói việc mình được bầu làm tổng thống qua cuộc bầu cử năm ngoái là hợp pháp và yêu cầu Mỹ phải dỡ bỏ mọi trừng phạt đã áp đặt lên Venezuela nhằm lật đổ ông.

Các đại diện của chính phủ đến Na Uy bắt đầu một cuộc thăm dò khả năng bàn bạc và đối thoại với phe đối lập Venezuela nhằm xây dựng một lịch trình hòa bình cho đất nước.

Tổng thống Venezuela NICOLAS MADURO

Đối thoại có ý nghĩa gì?

Sau cuộc đảo chính thất bại, ông Guaido từng nói ông cởi mở với khả năng Mỹ can thiệp quân sự. Ông Guaido nói đặc phái viên của ông tại Mỹ sẽ gặp Chỉ huy Bộ Tư lệnh miền Nam của Mỹ vào đầu tuần này.

Bộ Tư lệnh miền Nam giám sát các hoạt động quân sự của Mỹ ở Mỹ La-tinh. Diễn biến này làm dấy lên lo ngại khả năng Mỹ can thiệp quân sự vào Venezuela. Trước mắt các quan chức Mỹ vẫn nói tập trung tăng áp lực ngoại giao và kinh tế để buộc ông Maduro ra đi.

Giữa tuần rồi Mỹ đã cho cảnh sát vào trụ sở Đại sứ quán Venezuela ở thủ đô Washington xua một số lượng người ủng hộ ông Maduro cố thủ ở đây nhiều tháng nay để ngăn chính phủ Mỹ tịch thu trụ sở. Bốn người bị bắt. Mỹ hiện tại công nhận đặc phái viên của ông Guaido là đại sứ ở Mỹ.

Theo Time, dù khó có khả năng có được sự thống nhất nhưng cuộc đối thoại tại Na Uy có thể là bước khởi đầu của một tiến trình “thương lượng chuyển tiếp tích cực, được quốc tế tạo điều kiện” như lời chuyên gia Ramsey. Bước đi này sẽ giúp Venezuela tránh được đe dọa can thiệp quân sự từ Mỹ.

Tại sao Na Uy được chọn làm địa điểm đối thoại?

Tham gia đối thoại về phía chính phủ Venezuela có Bộ trưởng Thông tin Jorge Rodriguez, Thống đốc Hector Rodriguez của bang Miranda. Phía phe đối lập có ông Stalin Gonzalez - một lãnh đạo cấp cao trong Quốc hội do phe đối lập kiểm soát và hai cố vấn nữa. Đại diện hai bên lần lượt gặp riêng các nhà hòa giải Na Uy và không gặp nhau trực tiếp. Bộ Ngoại giao Na Uy cho biết cuộc đối thoại chỉ mới ở “giai đoạn thăm dò”.

Na Uy được chọn làm địa điểm đối thoại trước hết vì nước này là một trong số ít nước châu Âu không công nhận ông Juan Guaido là tổng thống lâm thời của Venezuela.

Từ năm ngoái Trung tâm Giải pháp xung đột Na Uy (NCCR) đã nỗ lực sau hậu trường để đưa hai bên ở Venezuela đến gần nhau. Và từ tháng 2 Bộ Ngoại giao Na Uy đã đề nghị hai bên Venezuela ngồi lại đối thoại.

Na Uy nhiều năm nay từng là nơi tổ chức nhiều cuộc hòa đàm. Trong đó có cuộc hòa đàm giữa Israel và Palestine hồi tháng 9-1993, giữa chính phủ Philippines và phiến quân Maoist năm 2011, làm trung gian tìm kiếm một lệnh ngừng bắn giữa chính phủ Sri Lanka và nhóm vũ trang. Những con hổ vùng Tamil. Bảy năm trước, các nhà đàm phán chính phủ Colombia và tổ chức phiến quân cánh tả FARC mở cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên ở Na Uy sau một thập niên xung đột.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại