Điều gì giúp ông Abe tiếp tục trở thành Thủ tướng Nhật Bản?

Đức Thức |

Trong phiên họp toàn thể đầu tiên của kỳ họp thứ 195 Quốc hội Nhật Bản diễn ra vào sáng 1/11, ông Shinzo Abe tiếp tục được bầu làm Thủ tướng thứ 98 của Nhật Bản.

Thành công từ chính sách Abenomics

Dù những thành quả đạt được chưa đúng như mong đợi, song giữ ổn định kinh tế là yếu tố góp phần không nhỏ trong việc củng cố quyền lực của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Ngay sau khi trở lại cầm quyền, Thủ tướng Shinzo Abe đã có nhiều quyết sách mới từ quốc phòng tới kinh tế. Trong đó, Abenomics là một chính sách kinh tế táo bạo của ông Abe nhằm tái thiết nền kinh tế Nhật Bản.

Theo đó chính sách Abenomics với trọng tâm là “ba mũi tên” chủ trương sử dụng cùng lúc ngân sách nhà nước để bơm thêm tiền vào guồng máy kinh tế quốc gia, huy động Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) mở van tín dụng.

Mục đích của "hai mũi" tên này là phá giá đồng yen để kích thích xuất khẩu và đẩy giá hàng hóa, nhằm chặn đứng vòng luẩn quẩn của hiện tượng giảm phát. Mũi tên thứ ba của chính sách này là nhằm cải tổ cơ cấu để giúp Nhật Bản tăng khả năng cạnh tranh, và giải quyết các khoản nợ lớn.

Nhà phân tích Richard Kaye - làm việc tại công ty quản trị Comgest với chi nhánh tại 8 quốc gia trên thế giới, trong đó có Nhật Bản - cho biết cung và cầu trên thị trường lao động Nhật Bản từ 2013 tới nay đang trong giai đoạn “cân đối” nhất tính từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ 2.

Khi ông Abe trở lại cầm quyền năm 2012, tỷ lệ thất nghiệp ở Nhật vốn đã rất thấp nay lại càng xuống thấp hơn. Đặc biệt, Abenomics đã giúp Nhật Bản tạo thêm nhiều triệu việc làm từ 2013 tới nay.

Trong khi đó, Paul Jackson, Giám đốc Invesco PowerShares, chuyên tư vấn cho các doanh nghiệp, có trụ sở tại London, đây là thành quả rõ rệt nhất của “hiệu ứng Abenomics”.

Đặc biệt, trên thị trường tài chính, cổ phiếu của các tập đoàn Nhật tăng đều đặn trong lúc Ngân Hàng Trung Ương BoJ tiếp tục áp dụng chính sách “tiền rẻ” để khuyến khích tiêu thụ và đầu tư.

Một dấu hiệu khả quan khác là nhiều tập đoàn của Nhật như hiệu quần áo Uniqlo hay tập đoàn chuyên sản xuất máy điều hòa không khí Daikin đã bắt đầu tăng giá thành khi bán ra các sản phẩm. Điều đó, theo ông Richard Kaye, chứng tỏ Nhật Bản bắt đầu thoát khỏi vòng luẩn quẩn của hiện tượng giảm phát đã kéo dài suốt hơn 2 thập niên qua.

Một “thành tựu” khác của Thủ tướng Abe là việc ông đã khuyến khích phụ nữ đi làm, thực sự đóng góp cho xã hội và tham gia một cách tích cực vào các hoạt động kinh tế. Nhờ đó, người dân Nhật Bản cũng bắt đầu tăng chi tiêu, ít để dành tiết kiệm hơn và thúc đẩy các hoạt động sản xuất cung ứng hàng hóa ra thị trường.

Theo các chuyên gia phân tích, chính sách Abenomics tuy chưa thật hoàn hảo và cũng không làm tất cả mọi người hài lòng, nhưng liều thuốc mạnh này đã đem lại một số kết quả cụ thể trong 5 năm qua.

Đặc biệt, trong bối cảnh trên thế giới đang tồn tại quá nhiều điểm nóng như hiện nay, trải dài từ châu Âu sang châu Á, kể cả ở Mỹ và Mỹ Latinh, ít ra chính sách cải tổ được Thủ tướng Abe tiến hành trong 5 năm qua cũng đã và đang cho phép Nhật Bản duy trì ổn định về mặt kinh tế.

Tận dụng tốt quân bài chính trị

Các nhà phân tích cho rằng, một nguyên nhân khác nữa giúp ông Abe giành thắng lợi vang đội trong cuộc bầu cử Hạ viện trước thời hạn ngày 22/10 và chính thức trở thành Thủ tướng Nhật Bản hôm 1/11 là ông đã lợi dụng tốt các quân bài chính trị có trong tay.

Theo nhà xã hội học Jean François Sabouret đến từ Paris (Pháp), thắng lợi vẻ vang của Thủ tướng Abe trong cuộc bầu cử vừa qua trước hết là nhờ yếu tố địa chính trị, bởi đối diện với đe dọa hạt nhân Triều Tiên, cử tri Nhật Bản không dám đánh cược vào những chính trị gia "non tay".

Mặt khác, Thủ tướng Abe đắc cử nhờ sự rạn nứt trong nội bộ phe đối lập, dẫn đến việc họ không thể cùng đưa ra những luận điểm phản đối ông mạnh mẽ hoặc đề ra những giải pháp thay thế khả thi hay cụ thể và đáng tin cậy cho nhiều vấn đề then chốt như dân số già, quỹ bảo hiểm y tế và an ninh thâm hụt nghiêm trọng. Trong khi đó, đây vốn là những điều cử tri hết sức quan tâm.

Ông Jean François Sabouret nói thêm: “Công luận không mấy hào hứng với chính sách kinh tế của Thủ tướng Abe. Song phe đối lập Nhật Bản đã không khai thác được bất bình đó để kiếm phiếu. Thực chất của vấn đề là phe đối lập đang bị chia rẽ không thể hứa hẹn gì nhiều và không có một chính sách để thay thế vào những gì mà ông Abe đang đề xuất và đang áp dụng”.

Mặc dù đã chính thức trở thành Thủ tướng thứ 98 của Nhật Bản, tuy nhiên ông Abe và nội các của mình sẽ phải đối mặt với không ít thách thức trong thời gian tới trên các bình diện kinh tế, xã hội và đối ngoại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại