Điều gì đằng sau kế hoạch phát triển vũ khí siêu thanh của Nhật Bản?

Thanh Bình |

Bộ Quốc phòng Nhật Bản công bố, một kế hoạch nghiên cứu phát triển vũ khí siêu thanh sẽ hoàn thành và đưa vào trang bị trong giai đoạn những năm 2030.

Việc phát triển sẽ được thực hiện trong hai lĩnh vực chính: tên lửa hành trình siêu vượt thanh tương lai Hypersonic (HCM) và thiết bị lượn siêu vượt âm (đầu đạn tên lửa siêu thanh - HVGP - Hyper Velocity Gliding Projectile).

Ngoài ra, theo lộ trình của dự án người Nhật sẽ làm việc trên nhiều dạng đầu đạn và tên lửa rắn khác nhau. Dự kiến, sẽ hoàn thành và đưa vào trang bị trong giai đoạn những năm 2030.

Các chuyên gia không loại trừ khả năng Tokyo có thể hợp tác với Washington để phát triển hiệu quả hơn lĩnh vực siêu thanh. Tuy nhiên, các nhà phân tích nghi ngờ rằng sự phát triển của nước ngoài sẽ có thể vượt qua các mô hình của Nga.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã công kế hoạch phát triển hai loại vũ khí siêu thanh với các loại đầu đạn khác nhau.

Toàn bộ thông tin về chương trình phát triển HCM và HVGP được công bố trên website của Cơ quan Mua sắm, công nghệ và Hậu cần Nhật Bản (ATLA) thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản. Kế hoạch đặc biệt đề cập đến sự phát triển đầy hứa hẹn của hai loại vũ khí: tên lửa hành trình siêu thanh tương lai HCM và thiết bị lượn siêu vượt âm (đầu đạn tên lửa siêu thanh) HVGP.

HCM sẽ là một tên lửa với động cơ scramjet siêu thanh. HVGP sẽ được tên lửa vận tải động cơ nhiên liệu rắn đưa lên độ cao phóng trước khi tách ra. Sau đó HVGP sẽ lướt tới mục tiêu, sử dụng độ cao để duy trì vận tốc siêu thanh cho đến khi va chạm.

Theo ATLA tiết lộ, chi tiết về tải trọng đầu đạn sử dụng những đầu đạn khác nhau theo kế hoạch chiến đấu, tấn công các mục tiêu trên biển và trên bộ.

Loại đạn đầu tiên của vũ khí siêu thanh sẽ là một đầu đạn xuyên giáp, được thiết kế đặc biệt có thể xuyên thủng boong tàu sân bay (đối phó với các tàu sân bay Trung Quốc).

Loại đạn thứ hai nhằm tấn công các mục tiêu mặt đất. Đây sẽ là đạn có sức hủy diệt cao, nổ phá mạnh, hoặc EFP (đạn xuyên phá) để hủy diệt các mục tiêu cấp khu vực. Hiệu ứng hủy diệt khu vực đạt được bằng cách sử dụng nhiều đầu đạn thứ cấp EFP, thường được gọi là đầu đạn chùm.

Ngoài ra, nó cũng được lên kế hoạch sử dụng nhiều đầu đạn hạt nhân, cho phép tên lửa có thể bắn trúng nhiều mục tiêu trên một khu vực rộng lớn.

Theo lộ trình của ATLA, các thử nghiệm về các nguyên mẫu đầu tiên của các tên lửa này nên bắt đầu từ năm 2024 - 2028. Nếu họ thành công, thì tên lửa mới có thể đi vào hoạt động vào đầu những năm 2030.

Điều gì đằng sau kế hoạch phát triển vũ khí siêu thanh của Nhật Bản? - Ảnh 1.

Mô tả phát triển vũ khí siêu thanh của Nhật Bản. Ảnh: ATLA.

Để hỗ trợ các hệ thống dẫn đường tên lửa HCM và HVGP, quân đội Nhật Bản có kế hoạch triển khai một mạng lưới gồm 7 vệ tinh. Chịu trách nhiệm về định hướng của tên lửa sẽ là các hệ thống radar được thiết kế để nhắm mục tiêu trên biển với cấu hình thấp và trong mọi điều kiện thời tiết, cũng như các hệ thống dẫn đường hồng ngoại.

Trong một cuộc phỏng vấn với RT, chuyên gia quân sự Alexei Leonkov đã thu hút sự chú ý đến thực tế các dự án HCM và HVGP khá giống với các dự án của Mỹ về đặc điểm và ngoại hình của chúng.

“Trước đây Tokyo chưa bao giờ có tên trong quá trình phát triển loại vũ khí này và các mốc thời gian được chỉ ra trùng với quá trình phát triển vũ khí của Washington, do đó, có một sự nghi ngờ rằng để tạo ra vũ khí siêu thanh, Hoa Kỳ đã có cuộc “chuyển giao công nghệ” cho Nhật Bản”, chuyên gia Leonkov nói.

“Động thái răn đe Trung Quốc”

Trong các tài liệu của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, cũng như trong các báo cáo phương tiện truyền thông địa phương, mục tiêu phát triển vũ khí siêu âm mới được chỉ định là bảo vệ các hòn đảo xa xôi của Nhật Bản khỏi cuộc xâm lược tiềm tàng.

Theo tờ Mainichi của Nhật Bản, các cuộc diễn tập phòng thủ của Trung Quốc gần quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư, tranh chấp lãnh thổ giữa Nhật Bản và Trung Quốc, là mối quan tâm đặc biệt.

Các chuyên gia cũng chú ý đến thực tế là các tên lửa sẽ tập trung vào việc phá hủy tàu, đặc biệt là tàu sân bay.

Năm 2012, tàu sân bay Liêu Ninh của Hải quân Trung Quốc đã được đưa vào hoạt động (tàu sân bay Varyag trước đây, được Trung Quốc mua lại từ Ukraine năm 1998). Năm 2019, tàu sân bay Sơn Đông bắt đầu hoạt động, đây là tàu được chế tạo hoàn toàn tại Trung Quốc.

Cần lưu ý rằng các tên lửa hiện đang phục vụ cho Lực lượng phòng vệ Nhật Bản có tầm bắn tối đa khoảng 100 km, trong khi các đảo tranh chấp nằm cách Okinawa 420 km.

Tờ Mainichi cho biết thêm, việc đưa vào sử dụng các tên lửa siêu thanh mới với tầm bắn tăng sẽ cho phép Nhật Bản phản ứng với các hành động của Trung Quốc mà không cần triển khai các tàu hải quân và kết nối với không quân trên đất liền.

Đồng thời, Trung Quốc cũng đang thử nghiệm vũ khí siêu thanh mặt đất. Tên lửa theo danh pháp đã được trình diễn lần đầu tiên vào tháng 10/2019 tại lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm thành lập Trung Quốc, đáng chú ý là vũ khí này đã trong tình trạng trực chiến từ lâu chứ không phải sắp đưa vào biên chế như Avangard của Nga.

Truyền thông Trung Quốc cho hay, cũng có báo cáo rằng tên lửa đã thử nghiệm thành công trên máy bay siêu thanh Xingkong-2.

Theo thuyết minh của kênh CCTV thì “16 xe mang phóng tự hành của tổ hợp DF-17 tham gia duyệt binh đến từ 2 lữ đoàn tên lửa của một căn cứ (tức quân đoàn tên lửa) do Thiếu tướng Dương Nghiệp Công chỉ huy”.

DF-17 là tên lửa chiến thuật tầm ngắn - trung. Thuật ngữ này đề cập phạm vi của nó nằm trong khoảng 1.000 - 3.000 km. Dữ liệu tình báo Mỹ từng cho biết, một vụ thử của DF-17 đã bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách hơn 1.400 km.

Điều gì đằng sau kế hoạch phát triển vũ khí siêu thanh của Nhật Bản? - Ảnh 2.

Hải quân Nhật Bản tuần tra trên biển. Ảnh: RT.

“Siêu vũ khí của tương lai”

Tên lửa siêu thanh phản lực cũng đang được phát triển ở Hoa Kỳ. Vì vậy, vào tháng 6 năm ngoái, Không quân Mỹ đã thử nghiệm hệ thống ALRRW (Air Launch Rapid Weapon Weapon). Người ta cho rằng các tên lửa sẽ được phóng từ máy bay ném bom chiến lược B-52 và B-1.

Được biết, quân đội Hoa Kỳ cũng đang thực hiện một dự án siêu thanh. Người ta cho rằng kết quả là một tên lửa sẽ được tạo ra có thể đạt tốc độ lên tới 5 Mach.

Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực của các quốc gia khác để phát triển vũ khí siêu thanh của riêng họ, ngày nay, quốc gia duy nhất vận hành vũ khí như vậy là Nga. Điều này đã được công bố tại một cuộc họp mở rộng của ủy ban Bộ Quốc phòng vào tháng 12/2019 bởi Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh, các quân nhân đã có hệ thống siêu thanh huyền thoại Kinzhal (còn có tên gọi khác là Dagger), trung đoàn đầu tiên được trang bị tổ hợp liên lục địa siêu thanh Avangard và công việc tiếp theo đang được tiến hành với tên lửa siêu thanh trên biển Zircon.

Ông Alexei Leonkov trong một cuộc phỏng vấn với RT nhận định, trong khi các quốc gia khác đang ở giai đoạn thử nghiệm thì Nga đã đưa vũ khí đầy hứa hẹn này vào hoạt động.

“Các loại vũ khí siêu thanh như Avangard đã được quân đội Nga đưa vào thực chiến, và các hệ thống “Kinzhal” cũng đang được chuẩn bị và dần dần sẽ có mặt ở lực lượng vũ trang Nga. Tên lửa Zircon sẽ vượt qua các thử nghiệm cuối cùng trong năm nay”, ông Leonkov nói.

Nếu họ thành công, thì tất cả các tàu có bệ phóng phù hợp sẽ nhận được tên lửa này. Các thử nghiệm của tên lửa đạn đạo RS-28 Sarmat có khối siêu thanh cũng sẽ kết thúc trong năm nay, chuyên gia giải thích.

“Độ trễ tốc độ âm thanh”

Theo các chuyên gia, Nhật Bản, nước mới bắt đầu phát triển trong lĩnh vực vũ khí siêu thanh, sẽ phải nỗ lực rất nhiều để giảm khoảng cách với Nga.

“Nếu các thiết kế đầu tiên của Nhật Bản đã sẵn sàng vào đầu những năm 2030, thì vũ khí siêu thanh của Nga sẽ dành cho người Nhật vào khoảng năm 2050”, chuyên gia quân sự Viktor Baranets chia sẻ với RT.

Ngoài ra, theo ý kiến của ông Baranets, các đặc điểm kỹ thuật của các tên lửa siêu thanh Nhật Bản và Mỹ mang nhiều nhược điểm hơn so với các loại tên lửa có sẵn của Nga.

“Nếu một tên lửa của Mỹ bay với tốc độ 8 Mach, của Nhật Bản trên 3 - 4 Mach, thì Nga đã vượt xa 20 Mach”, chuyên gia Baranets nói.

Ông Baranets cho biết thêm, vũ khí siêu vượt thanh đang dần trở thành công nghệ của thế kỷ mới, bởi vì tên lửa di chuyển càng nhanh thì càng khó bị đánh chặn, vì vậy các nước có nền công nghệ cao đang cố gắng cung cấp cho quân đội của họ những hệ thống như vậy.

Nhật Bản và Hoa Kỳ là đồng minh, có thể quân đội của các quốc gia này sẽ trao đổi kinh nghiệm trong việc phát triển các loại vũ khí đầy triển vọng.

“Nhật Bản sẽ chia sẻ công nghệ với Mỹ, vì Nhật Bản là đồng minh quan trọng của Washington tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ngoài ra, các căn cứ và hệ thống phòng không, tên lửa của Mỹ cũng được đặt tại lãnh thổ Nhật Bản.

Có lẽ trong tương lai gần, một ủy ban kỹ thuật chung giữa Mỹ và Nhật Bản sẽ hoạt động trên cơ sở các vũ khí siêu âm”, chuyên gia Baranets nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại