Điều đáng sợ hơn những cơn siêu bão

Hoàng Việt |

Bão Linda khi đổ bộ vào các tỉnh phía Nam đã khiến hàng ngàn người dân thiệt mạng nhưng không một cá nhân, một tập thể nào bị xử lý nghiêm khắc.

20 năm trước, năm 1997, khi bão Linda đổ bộ vào các tỉnh phía Nam như Cần Thơ, Cà Mau, Vũng Tàu… người dân gần như chỉ biết co mình và ngơ ngác chịu trận. Hầu hết mọi biện pháp phòng tránh, trú ẩn, di tản đều không được thực hiện.

Nhiều ngư dân tin rằng, ở những vùng biển động thì tôm cá càng nhiều. Và thảm kịch bắt nguồn từ đó. Họ cho tàu ra khơi gần bờ nhưng không ngờ rằng đó là chuyến đi cuối cùng. Những con tàu mỏng manh giơ mình ra cho bão quăng quật. Những người dân cả đời không biết bão là gì nên khi đối diện với sóng to, gió lớn chỉ biết cầu trời khấn phật.

Người dân thiếu kiến thức, chính quyền cũng rất chủ quan.

Ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ NN và PTNT đã kể lại rằng, một số lãnh đạo địa phương tại vùng tâm bão khi nghe điện vẫn trong trạng thái say rượu và cho rằng, các anh ở ngoài đó đã lo hão, ở đây làm gì có bão và sẽ không bao giờ có bão.

Sự chủ quan của người dân, của chính quyền chính là nguyên nhân dẫn đến một thảm kịch đau đớn nhất trong lịch sử thiên tai tại Việt Nam từ trước tới nay.

Hơn 3000 người thiệt mạng, hàng vạn ngôi nhà bị kéo sập là nỗi ám ảnh kinh hoàng, nhiều gia đình đến nay vẫn chưa thôi ám ảnh.

Điều đáng sợ hơn những cơn siêu bão - Ảnh 1.

Sau bão Linda, người dân và chính quyền các tỉnh phía Nam đã biết thế nào là bão. Nhưng nếu để nói rằng, ý thức phòng chống thiên tai đã được cải thiện rõ rệt thì e rằng đó vẫn là nhận định quá lạc quan.

Gần đây nhất, tháng 11/2017, cơn bão số 12 khi đổ bộ vào Khánh Hòa, Ninh Thuận đã gây ra những thiệt hại rất to lớn.

Bão số 12 được dự báo sẽ đổ bộ vào Khánh Hòa, Ninh Thuận nhưng thực tế các tỉnh lân cận như Bình Định, Phú Yên cũng nằm trong vùng ảnh hưởng nặng của bão. Tuy nhiên, chính quyền và người dân tại đây cho rằng, dự báo bão vào tỉnh nào thì tỉnh ấy lo nên công tác phòng bị cũng không được triển khai quyết liệt. 

 tàu, thuyền vẫn neo đậu ngoài khơi, các thuyền viên vẫn được cắt cử ở lại để trông coi. Hậu quả của sự chủ quan, không phòng bị cũng đã khiến hàng chục người chết và mất tích.

Ngày 21/12, cơn bão số 16 – Tembin được dự báo có cường độ mạnh nhất từ trước tới nay sẽ có khả năng đổ bộ vào các tỉnh phía nam. Để phòng chống bão Tembin thì một cuộc di dân lịch sử đã được thực hiện, ước tính có khoảng 1 triệu người đã được sơ tán đến nơi an toàn.

Chiều 24/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến với 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, 5 tỉnh Nam bộ và thành phố Hồ Chí Minh để triển khai công tác phòng chống cơn bão số 16. 

Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ đã không hài lòng khi quan sát nhiều lãnh đạo đứng đầu các địa phương không dự họp. 

Thủ tướng nghiêm khắc nhắc nhở: "Tôi hoan nghênh lãnh đạo tỉnh Cà Mau khi có cả bí thư tỉnh ủy, chủ tịch tỉnh dự họp chống bão. Còn ở các tỉnh vùng trung tâm bão chỉ thấy có phó chủ tịch dự họp, như thế là coi thường, chủ quan rồi".

Chúng ta đã từng coi thường bão gió và đã phải trả những cái giá rất đắt vì một số người đứng đầu địa phương đã không nhận thức đầy đủ mức độ nguy hại của thiên tai.

Bão Linda khi đổ bộ vào các tỉnh phía Nam đã khiến hàng ngàn người dân đã thiệt mạng nhưng không một cá nhân, một tập thể nào bị xử lý nghiêm khắc, thậm chí bị truy tố trước pháp luật vì sự thiếu trách nhiệm gây hậu quả cực kỳ nghiêm trọng.

Đây có thể cũng là một "kẽ hở" một nguyên nhân trực tiếp khiến nhiều địa phương, đặc biệt ở các tỉnh phía Nam hay thờ ơ, thậm chí coi thường sự thịnh nộ của thiên nhiên. Những lý do thường được đưa ra sau bão là: chúng tôi không ngờ sức gió quá lớn, không ngờ mưa lớn, không thể lường trước, người dân quá chủ quan, không có kiến thức…

Hiện nay, Luật Phòng chống thiên tai (được ban hành năm 2013) và các văn bản dưới luật như nghị định, thông tư cũng chưa có những quy định chi tiết, cụ thể về trách nhiệm cụ thể của những cá nhân, tập thể đứng đầu các địa phương từ cấp xã đến cấp huyện, tỉnh… khi để xảy ra những thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản khi không có biện pháp phòng chống thiên tai một cách tích cực, hiệu quả.

Nói một cách ngắn gọn, khi chưa ai bị đi tù, bị mất chức vì lơ là trong phòng chống bão thì điệp khúc, không ngờ, không tưởng tượng, không lường trước, dân còn chủ quan… vẫn có thể sẽ được lặp lại.

Bão Tembin đã chuyển hướng và giảm dần sức gió. Người dân có thể sẽ bộc lộ sự lơ là nhưng chính quyền các địa phương sẽ không được phép "buông" bão. Chỉ cần một đợt hoàn lưu với sức gió nhỏ hơn thì thảm họa vẫn có thể sẽ xảy ra.

>> Xem thêm clip: Bão Tembin sẽ đổ bộ đất liền với nhiều rủi ro

Bão Tembin sẽ đổ bộ đất liền với nhiều rủi ro


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại