Từ xa xưa Nhật Bản đã coi hoạt động tình báo là một công việc vẻ vang tôn quý. Một người Nhật từ nước ngoài về mà không đem theo cho dù một bí mật rất nhỏ của nước sở tại trong một chừng mực nào đó sẽ bị xem như người kỳ quặc.
Người Nhật luôn có xu hướng tuyển mộ số lượng khổng lồ điệp viên từ đủ mọi nghề như thợ cắt tóc, nha sĩ, chủ trang trại, doanh nhân, thợ nấu ăn và hàng trăm ngành nghề khác. Ngay cả sĩ quan cấp cao cũng không thấy xấu hổ khi đóng vai đầy tớ hoặc phu xe, miễn là chuyện đó có ích cho Nhật hoàng.
Nhiều khi kết quả hoạt động như vậy chẳng được là bao so với nỗ lực đã bỏ ra nhưng dù sao tích cóp mãi rồi gió cũng thành bão. Tình báo Anh trong hồ sơ về chiến tranh Nga-Nhật đã ghi nhận: "Hệ thống tình báo xuất sắc của Nhật với sách lược riêng của mình góp phần đáng kể cho thắng lợi trên mặt trận của quân đội Nhật".
Từ chàng thanh niên với khả năng biến hóa tài tình...
Chân dung Kendzi Doikhara. Ảnh: Wiki
Chàng thanh niên Kendzi Doikhara (Kenji Doihara) sớm bộc lộ năng khiếu hoạt động tình báo của mình.
Nhà nghèo anh vẫn thi đỗ vào Học viện quân sự thuộc Bộ tổng tham mưu và tốt nghiệp hạng ưu. Bạn bè cùng học thán phục tài cải trang, thay hình đổi dạng xuất sắc của anh.
Kendzi có thể thay đổi cả dáng đi, gày đi 20 cân trong vòng mấy ngày. Anh rất thích hóa trang thay đổi khuôn mặt như một diễn viên hát kịch "Nô".
Doikhara nắm vững hoàn hảo ba phương ngữ Trung Quốc và thông thạo không dưới mười thứ tiếng châu Âu.
Một vài người khẳng định chị của Kendzi là phi tần của hoàng đế Ioshikhito mới lên ngôi nên chàng sĩ quan trẻ có điều kiện thăng tiến trong binh nghiệp.
Đầu những năm 20, Kendzi Doikhara làm thư ký cho tham tán quân sự, tướng Hondze Shigeru tại sứ quán Nhật ở Bắc Kinh và đã tháp tùng sếp của mình đi khắp đất nước Trung Quốc, đã nghiên cứu tìm hiểu các thành phố lớn Thượng Hải, Thiên Tân, Nam Kinh.
Năm 1925, Doikhara nhận nhiệm vụ tới Mãn Châu Lý. Vùng này chiếm một vị trí đặc biệt trong kế hoạch xâm chiếm của Nhật. Chiếm được hoặc nắm được quyền kiểm soát Mãn Châu Lý sẽ được coi là bàn đạp thôn tính năm tỉnh miền Bắc Trung Quốc. Vì vậy mục tiêu hàng đầu của điệp viên mới vào nghề Doikhara là chuẩn bị cho việc thôn tính vùng này.
Doikhara từ từ bắt tay vào công việc. Đầu tiên là thiết lập mối quan hệ với tổ chức "Rồng đen", trụ cột của phản gián Nhật. Mục tiêu của "Rồng đen" là khôi phục lại vương triều nhà Thanh của Mãn Châu Lý dưới sự giám hộ và bảo trợ của Nhật.
Nhân vật dành cho ngôi vị này đã được Doikhara nhắm ngay từ năm 1924. Đó là Phổ Nghi, khi đó vẫn còn là một cậu bé. Phổ Nghi sinh năm 1906, mới ba tuổi đã lên ngôi kế vị và là hoàng đế cuối cùng bị Cách mạng lật đổ ở Trung Quốc.
Doikhara giữ Phổ Nghi trong tầm tay, nuôi dưỡng để chờ thời cơ. Doikhara còn nuôi cả một đội quân Hán gian lớn để thu thập thông tin, thực thi những hoạt động phá hoại, khủng bố và tổ chức những cuộc xung đột huynh đệ tương tàn.
Trong khi đó, Doikhara không bỏ lỡ Nga Xô. Ông ta đã thành lập các đội tình báo riêng gồm nhiều quân Bạch vệ. Nhóm lớn nhất, nhóm chiến đấu phá hoại ngầm gồm năm ngàn tên tội phạm người Nga bỏ trốn khỏi đất nước cùng với quân Bạch vệ.
... thành người điều hành mạng lưới phản gián bằng thuốc phiện
Lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại Doikhara điều hành mạng lưới phản gián của mình bằng sức hấp dẫn quyến rũ đến đam mê của thuốc phiện. Ông ta đã biến tất cả những cái gọi là câu lạc bộ ở Trung Quốc thành các phòng tiếp tân ăn chơi sang trọng, thành các sòng bạc, ổ mại dâm trụy lạc và chủ yếu là nơi hút thuốc phiện.
Theo đề nghị của ông ta các nhà máy thuốc lá ở Nhật cho sản xuất loại thuốc mới nhãn hiệu "Con dơi vàng". Thuốc chỉ để xuất khẩu, cấm tuyệt đối bán ở nội địa. Mỗi điếu thuốc có tẩm một lượng nhỏ thuốc phiện hoặc hêrôin. Người tiêu thụ không hề nghi ngờ tự nhiên trở thành con nghiện.
Cục Phản gián của Doikhara trả lương cho điệp viên lúc đầu một nửa bằng tiền một nửa bằng thuốc phiện, sau đó hoàn toàn bằng thuốc phiện. Và thế là các điệp viên nghiện ngập đã thành vũ khí lợi hại ngoan ngoãn trong tay Doikhara.
Năm 1926, nhận nhiệm vụ "điệu" Giang Gio Lin, thủ lĩnh quân phiệt Mãn Châu Lý ra khỏi căn cứ của mình, Doikhara đã thuyết phục hắn trả thù Bắc Kinh về những thất bại trước đó. Hắn đã đem quân đi Bắc Kinh và vắng mặt ở Mãn Châu Lý gần hai năm. Song tướng U Sutren tạm thay thế y đã đề nghị hắn về. Con tàu chở hắn đã nổ tung, hắn chết tan xác.
Thủ phạm thực của vụ tai nạn đó không rõ là phản gián Nhật hay Liên Xô, bởi cả hai phía đều có lý do quan tâm tới việc loại trừ Giang.
Bây giờ cần phải tìm cớ để quân Nhật tiến vào Mãn Châu Lý. Ngày 18 tháng 9 năm 1931, trung úy Cavamoto, người của Doikhara, đã dựng chuyện tai nạn ở đường sắt tạo cớ cho quân Nhật tràn vào Mãn Châu Lý.
Kendzi Doikhara năm 1936. Ảnh: Wiki
Ngày 10 tháng 11, thêm một vụ khiêu khích nữa ở Thiên Tân: bốn mươi người Trung Quốc được người của Doikhara thuê và cho hút thuốc phiện đã tấn công trụ sở cảnh sát.
Doikhara đã lợi dụng sự hỗn loạn đưa Phổ Nghi ra khỏi "Vườn thiên thai", nơi y vẫn bị quản chế lâu nay, rồi đưa thẳng lên tàu chiến Nhật chở về Mãn Châu Lý.
Ngày 1 tháng 3 năm 1934, Phổ Nghi được đưa lên ngôi hoàng đế của vương triều Mãn Châu bù nhìn.
Lúc này ảnh hưởng của Doikhara lan rộng đến nhiều thành phố và làng mạc Trung Quốc. Ông ta đã thành lập các tổ chức phản gián ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân, khắp vùng Mãn Châu. Cơ sở và Trung Tâm của chúng là những cộng đồng người Nhật đông đúc.
Ngoài phạm vi những cộng đồng ấy, các điệp viên của Nhật đã tuyển chọn các nhóm điệp viên từ gái bán hoa Nhật và Triều Tiên. Các cô gái này có nhiệm vụ thu nhặt thông tin chuyển cho người của Doikhara.
Điệp viên của Doikhara ở vùng Mãn Châu có nhiệm vụ chuẩn bị cơ sở cho chiến tranh xâm lược Liên Xô. Trong khi đó chính Doikhara, "Anh chàng châu Âu" cũng lại nằm trong tầm theo dõi của phản gián Liên Xô.
Doikhara tích cực góp phần củng cố thắt chặt liên minh hợp tác với quốc xã Đức và các cơ sở phản gián Đức.
Năm 1934, Doikhara đã tiếp xúc được với đại úy Eigen Otto, tham tán quân sự Đức với hi vọng đại úy giúp tạo điều kiện củng cố mối giao hảo Nhật - Đức (ông ta không hề biết rằng Otto đã "đi đêm" cung cấp thông tin cho "người bạn tốt nhất của mình" là điệp viên Xô Viết Richard George).
Đại tá Hiroshi, tham tán quân sự tại sứ quán Nhật ở Berlin, phụ trách hoạt động tình báo ở châu Âu là bạn của Doikhara. Tháng 8 năm 1935 ông đã ký tắt với Canaris thỏa ước hợp tác phản gián đặt nền móng cho "Hiệp ước chống Quốc tế cộng sản" bi thảm và được ký tháng 11 năm 1936.
Cũng thời gian này, Doikhara mở rộng phạm vi hoạt động của mình. Ông ta trở thành chánh thanh tra hàng không, từ năm 1941 là chỉ huy trưởng quân đoàn số 4 ở Singapore cho tới hàm tướng.
Tại Singapore, Doikhara đã thành lập đội quân người Ấn Độ, đưa Sandre Bos thuộc phái dân tộc chủ nghĩa lên làm chỉ huy. Đội quân hoạt động ngầm này đã tham gia hoạt động phá hoại, khủng bố, tuyên truyền trên đài nhằm xâm hại đế quốc Anh.
Doikhara năm 1948. Ảnh: Wiki
Sau năm 1945, phe Đồng minh đã không tha cho Doikhara vì tất cả những hoạt động đó.
Ông ta là một trong những nhân vật cấp cao của quân đội Hoàng gia Nhật bị Tòa án quốc tế Tokyo kết án tử hình bằng treo cổ. Án do tướng Mỹ Macartur tuyên và được thực thi vào đêm 22 rạng ngày 23 tháng 12 năm 1948 tại sân nhà tù Sugamo.
Những lời cuối cùng của Kendzi Doikhara là nói với cha rửa tội: "Tôi cảm thấy cái chết đợi tôi vào lúc nửa đêm đang động đến một người nào khác... vì giữa cái sống và cái chết không có gì là khác nhau cả..."
(Bài viết sử dụng tư liệu từ cuốn "108 Điệp Viên và Điệp vụ Thế giới", Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân năm 2004)