Quân đội Ukraine khai hỏa pháo phản lực ở khu vực Donbass. Ảnh: AFP
NATO chính thức khởi động phê chuẩn Phần Lan, Thuỵ Điển làm thành viên: 30 quốc gia thành viên khối quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương – NATO ngày 5/7 sẽ chính thức ký nghị định thư về việc kết nạp Phần Lan và Thuỵ Điển vào NATO để qua đó khởi động tiến trình phê chuẩn đơn xin gia nhập của hai quốc gia Bắc Âu tại Nghị viện mỗi quốc gia thành viên NATO. Để được trở thành thành viên chính thức của Liên minh quân sự, hai quốc gia Bắc Âu cần nhận được sự đồng ý của Nghị viện toàn bộ 30 quốc gia thành viên NATO.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga thông báo với Tổng thống Putin về tổn thất của Ukraine: Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu đã thông báo với Tổng thống Nga Vladimir Putin về cuộc xung đột ở Ukraine.
Theo ông Shoigu, quân đội Ukraine đã tổn thất 5.469 binh lính trong 2 tuần qua, trong đó 2.218 người chết. Cuộc chiến cũng khiến Kiev tổn thất một lượng lớn vũ khí và trang thiết bị, trong đó có 12 máy bay chiến đấu, 6 hệ thống phòng không tầm xa, 97 khẩu pháo và gần 200 xe tăng cùng các phương tiện bọc thép khác, ông Shoigu cho hay.
Ông cũng cho biết quân đội Ukraine đã từ bỏ một số vũ khí ở Lisichansk, trong đó có gần 40 phương tiện quân sự.
Thông điệp Mỹ gửi tới Nga khi tăng quân tới Đông Âu: Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Đông Âu như một phản ứng trước cuộc xung đột Nga-Ukraine hiện nay. Giới chức Mỹ nói rằng, việc tăng quân ở Đông Âu không phải là hành động khiêu khích Moscow, mà là phản ứng phù hợp đối với chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
Ukraine thừa nhận khó có thể sớm gia nhập NATO: Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba cho biết ông không nhận thấy NATO sẽ thay đổi lập trường về việc kết nạp Kiev trong tương lai gần. "Ukraine vẫn theo đuổi sự hội nhập với châu Âu - Đại Tây Dương nhưng tôi không nhận thấy triển vọng trong tương lai gần NATO sẽ thay đổi lập trường như Liên minh châu Âu (EU) và tiến hành những bước đi cụ thể để đảm bảo sự gia nhập của Ukraine trong tổ chức này", ông Kuleba nhận định với truyền thông địa phương.
Ngoại trưởng Ukraine cũng nhận định, trong khi EU thay đổi mạnh mẽ lập trường của mình về tư cách thành viên của Ukraine sau khi Nga bắt đầu tiến hành chiến dịch quân sự thì NATO vẫn đang sống trong "thế giới trước xung đột", bất chấp việc từng mở cửa với Kiev năm 2008. "Ngày 24/2, NATO đi trước EU trong việc này bởi họ đã quyết định Ukraine cuối cùng sẽ trở thành thành viên của liên minh. Nhưng 4 tháng trôi qua, EU đã vượt qua NATO, đưa quy trình này sang giai đoạn thứ hai trong khi NATO vẫn dậm chân tại chỗ", ông Kuleba bình luận.
Mức độ sẵn sàng chấp nhận của phương Tây khi áp lệnh trừng phạt Nga: Áp lệnh trừng phạt chưa từng có lên Nga nhưng chính phương Tây cũng đang chịu tác động từ các lệnh trừng phạt này. Châu Âu liệu đã sẵn sàng trả giá cho chính những quyết định của mình?
Tổng thống Putin vạch ra nhiệm vụ mới cho quân đội sau chiến thắng ở Lugansk: Tổng thống Putin đã chúc mừng các lực lượng của Nga giành được chiến thắng ở Lugansk, đồng thời vạch ra những nhiệm vụ mới cho quân đội. Nhà lãnh đạo Nga cho biết ông hy vọng các lực lượng ở các mặt trận khác sẽ đạt được thành công như ở khu vực Lugansk, đồng thời đề nghị các lực lượng tham gia vào chiến dịch giải phóng LPR "nghỉ ngơi và nâng cao khả năng chiến đấu". Trong khi đó, các đơn vị quân sự khác, trong đó có các nhóm tác chiến ở phía Đông và phía Tây sẽ thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch đã được thông qua trước đó, Tổng thống Putin cho hay.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu nhấn mạnh, tính mạng và sức khỏe của quân nhân Nga cũng như sự an toàn của dân thường là các nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.
Quan điểm của Nga về triển vọng mở rộng Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc: Moscow ủng hộ việc mở rộng Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhưng không chấp nhận Đức và Nhật Bản gia nhập cơ quan này, Đại sứ Nga tại Trung Quốc Andrey Denisov cho hay.
"Nga ủng hộ việc mở rộng Liên Hợp Quốc dựa trên nền tảng là sự nhất trí chung. Để thực hiện được điều này, cần tăng tỷ lệ các quốc gia châu Phi, châu Á và Mỹ Latin", ông Denisov cho biết, giải thích rằng điều này sẽ khiến Hội đồng Bảo an "dân chủ hơn". Ông cũng khẳng định Nga sẵn sàng ủng hộ việc kết nạp thêm Ấn Độ và Brazil chứ không phải Đức và Nhật Bản bởi nếu Đức và Nhật Bản gia nhập, "điều này sẽ không thay đổi sự cân bằng bên trong theo bất kỳ cách thức nào".
Chuyên gia nhận định xung đột ở Ukraine thành cuộc chiến kéo dài mà Nga sẽ thắng: Cuộc chiến ở Ukraine sẽ trở thành cuộc xung đột kéo dài mà Nga cuối cùng sẽ giành chiến thắng, Viện nghiên cứu quốc phòng và an ninh thuộc Bộ Quốc phòng Anh (Royal United. Services Institute - RUSI) nhận định. Viện nghiên cứu này cho rằng những lợi thế hiện tại của Nga và những điểm yếu của Ukraine đang dẫn đến một kiểu xung đột có lợi cho Moscow.
Chiếm trọn Lugansk, Nga vẫn còn đối mặt nhiều trận đánh lớn với Ukraine: Quân đội Nga vừa chiếm trọn tỉnh Lugansk thuộc miền Đông Ukraine. Tuy nhiên, Moscow vẫn cách xa các mục tiêu lớn của họ trong cuộc chiến này. Kiev vẫn chưa hứng chịu đòn quân sự quyết định. Cuộc tiến công quân sự của Nga hiện nay sẽ tập trung vào phần còn lại của trung tâm công nghiệp Donbass. Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự nhận định, Kiev vẫn dễ dàng hơn trong phòng phủ các vị trí kiên cố ở khu vực Donetsk và các trận đánh then chốt hình thành lên tiến trình chiến sự Nga-Ukraine vẫn đang nằm ở phía trước.
Tái thiết Ukraine có thể hết 750 tỷ USD: Hội nghị về tái thiết Ukraine tại thành phố Lugano, Thụy Sĩ hướng tới tìm giải pháp tái thiết cơ sở hạ tầng, kinh tế, môi trường cũng như các vấn đề xã hội, giúp vực dậy đất nước và nền kinh tế Ukraine vốn bị tàn phá nghiêm trọng do ảnh hưởng của xung đột.
"Hiện thiệt hại trực tiếp về cơ sở hạ tầng ước tính đã lên tới hơn 100 tỷ USD, ngoài hơn 1.200 cơ sở giáo dục, 200 bệnh viện và hàng nhìn km đường ống dẫn khí đốt, các mạng lưới điện - nước, đường bộ và đường sắt đã bị phá hủy hoặc hư hại. Ai sẽ trả tiền cho kế hoạch tái thiết được định giá có thể tiêu tốn 750 tỷ USD?" Những số liệu kể trên đã được Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal nêu ra tại hội nghị ở Lugano, cho thấy những thiệt hại đáng kể mà đất nước Ucraina đang phải gánh chịu do ảnh hưởng từ xung đột cũng như nhu cầu cấp thiết để đẩy nhanh quá trình tái thiết đất nước.
Ngoại trưởng Nga sẽ tham dự G20 tại Indonesia: Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi thông báo tất cả các nước thành viên G20, trong đó có Nga, xác nhận tham dự Hội nghị Ngoại trưởng vào ngày 7 - 8/7 tại Bali. Với tư cách chủ tịch G20, Indonesia cũng mời Ukraine – quốc gia không phải thành viên G20 tham dự Hội nghị.
Châu Âu điêu đứng vì lệnh trừng phạt Nga: Châu Âu đang đối mặt với nguy cơ suy thoái ngày càng lớn do giá xăng dầu tăng, giữa bối cảnh Nga có thể cắt hoàn toàn nguồn cung, các nhà kinh tế học cảnh báo. Châu Âu đang đối mặt với "những điều kiện mang tính toàn cầu về bản chất (giá năng lượng và lạm phát tăng, nguy cơ địa chính trị và bất ổn tăng) khiến chúng tôi tin rằng các nền kinh tế châu Âu sẽ cùng chịu chung số phận với Mỹ - đó là suy thoái", George Buckley, một nhà kinh tế học thuộc ngân hàng đầu tư Nomara của Nhật Bản nhận định. Lạm phát ở khu vực đồng tiền chung châu Âu đã chạm ngưỡng 8,6% vào tháng 6 - mức cao nhất kể từ khi khối này được thành lập năm 1999.
Cuộc chiến Ukraine làm xói mòn trật tự đơn cực và hồi sinh thế giới đa cực: Diễn biến quân sự và chính trị bên trong và xung quanh Ukraine cho thấy các vùng ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ hậu Chiến tranh Lạnh đã bị giới hạn đáng kể. Trật tự đơn cực toàn cầu đã bị xói mòn nặng nề và đang chuyển dịch sang thế giới đa cực.
Nga tiết lộ lý do buộc phải mở rộng chiến dịch quân sự ngoài khu vực Donbass: Ukraine đang làm mọi thứ khiến Nga không thể dừng lại ở biên giới các nước cộng hòa nhân dân tự xưng ở Donbass, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga (Hạ viện Nga) Vyacheslav Volodin nhận định ngày 5/7.
"Một số người đang đặt câu hỏi về mục tiêu của chúng tôi và khi nào tất cả những điều này sẽ kết thúc. Nó sẽ kết thúc khi các thành phố và thị trấn hòa bình của chúng tôi không còn bị nã pháo nữa.
Những điều Ukraine đang làm buộc quân đội chúng tôi không thể dừng ở biên giới Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng và Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng bởi các cuộc không kích (vào các khu vực của Nga) đang đến từ khu vực Kharkiv và các khu vực khác của Ukraine".