Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 4/2

Hồng Anh |

24 giờ qua ghi nhận nhiều diễn biến quan trọng liên quan đến xung đột tại Ukraine, trong đó đáng chú ý là việc Mỹ tuyên bố sẽ không ngăn cản Ukraine tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

Mỹ tuyên bố sẽ không ngăn cản Ukraine tấn công sâu vào lãnh thổ Nga : Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 3/2 cho biết, chính phủ Ukraine sẽ có quyền quyết định cách sử dụng những tên lửa mới sử dụng cho hệ thống HIMARS mà Mỹ cung cấp.

Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 4/2 - Ảnh 1.

Chiến sự Nga-Ukraine ngày càng leo thang. Ảnh: Reuters

Theo giới phân tích, tuyên bố này dường như sự xác nhận rằng, lô vũ khí mới nhất mà Washington chuẩn bị chuyển giao cho Kiev sẽ bao gồm Bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất (Ground Launched Small Diameter Bomb - GLSDB).

GLSDB do Công ty Boeing thiết kế, là sự kết hợp giữa rocket M26 và bom đường kính nhỏ GBU-39, có thể phóng từ bệ mặt đất như tổ hợp pháo phản lực phóng loạt M270 (MRLS) và tổ hợp pháo phản lực Cơ động cao M142 (HIMARS).

Với tầm bắn 150 km, GLSDB có thể đánh trúng các vị trí của Nga nằm xa sau chiến tuyến tại vùng Donbass, tỉnh Zaporizhzhia và Kherson cũng như phía bắc bán đảo Crimea.

Tổng thống Serbia chỉ ra sai lầm lớn nhất của phương Tây trong xung đột Nga-Ukraine : Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic ngày 4/2 cho biết, việc phương Tây cam kết sẽ cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực cho Kiev là một sai lầm lớn.

Tuyên bố này của nhà lãnh đạo Serbia được đưa ra trong bối cảnh Nga đe dọa sẽ bắn cháy bất cứ phương tiện nào của phương Tây tiến vào lãnh thổ Ukraine, đồng thời sẽ trả đũa “vượt xa phạm vi của các phương tiện bọc thép”. Ông Vucic lưu ý rằng, quyết định cung cấp xe tăng cho Ukraine, đặc biệt là những chiếc Leopard 2 “đáng sợ” của Đức, là “sai lầm chính trị lớn nhất” của phương Tây vì nó đang khiến người Nga “đoàn kết hơn bao giờ hết”.

Ukraine sẽ đàm phán gia nhập EU ngay trong năm nay: Khẳng định quyết tâm gia nhập Liên minh châu Âu, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy ngày 3/2 cho biết, nhiều khả năng, nước này sẽ bắt đầu tiến trình đàm phán gia nhập ngay trong năm nay.

Phát biểu sau hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu – Ukraine diễn ra trước đó cùng ngày, ông Zelensky nhấn mạnh: “Kết quả cụ thể mà chúng ta đạt được sau hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu và Ukraine là gì? Đó là chúng tôi hiểu rằng Ukraine có thể bắt đầu tiến trình đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu ngay trong năm nay”.

EU lạnh nhạt với chuyện kết nạp Ukraine : Tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu-Ukraine diễn ra ngày 3/2 tại thủ đô Kiev, Liên minh châu Âu (EU) cam kết hỗ trợ mạnh mẽ cho Ukraine, song không đặt ra mốc thời gian cụ thể cho nỗ lực gia nhập khối của quốc gia Đông Âu.

Tuyên bố của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu sau cuộc họp không đề cập cụ thể đến mốc thời gian đầy tham vọng mà Tổng thống Volodymyr Zelensky đã đặt ra. Thay vào đó, các đồng minh châu Âu của Ukraine chỉ đưa ra những đảm bảo mơ hồ về việc thúc đẩy tiến trình gia nhập một khi tất cả các điều kiện được đáp ứng.

Pháp và Italy chuyển giao hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại cho Ukraine : Pháp và Italy ngày 3/2 đã nhất trí sẽ chuyển giao cho Ukraine hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không tầm trung MAMBA, trong khi Đức tuyên bố sẽ cung cấp thêm cho Ukraine 88 xe tăng Léopard 1.

Trong thông cáo chung đưa ra, Pháp và Italy cho biết quyết định chuyển giao cho Ukraine hệ thống phòng thủ tên lửa MAMBA dựa theo đề nghị của Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiï Reznikov trong chuyến thăm Pháp hồi đầu tuần này. Pháp và Italy dự kiến sẽ đẩy nhanh thời hạn chuyển giao ngay trong quý 1/2023.

Hệ thống phòng thủ tên lửa MAMBA do Pháp và Italy hợp tác sản xuất, là hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại với tầm bắn khoảng 100 km, tương đương với hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Mỹ.

G7- EU đạt thỏa thuận về áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga : Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và Australia ngày 3/2 đạt được thỏa thuận về mức giá trần sẽ áp dụng đối với các sản phẩm dầu của Nga kể từ ngày 5/2.

Theo thỏa thuận đạt được, G7 và EU nhất trí sẽ áp mức giá trần 100 USD/thùng đối với các sản phẩm cao cấp như dầu diesel và 45 USD/thùng đối với các sản phẩm giá rẻ hơn như dầu nhiên liệu. Đây cũng là các mức giá đã được Uỷ ban châu Âu (EC) đề xuất trước đó.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von Der Leyen khẳng định, thỏa thuận có ý nghĩa quan trọng và là một phần trong các nỗ lực tiếp theo của EU và các đối tác nhằm gây sức ép đối với Nga.

Ba Lan sẽ ​​giảm hơn một nửa lượng dầu nhập khẩu từ Nga : Nguồn cung dầu thô của Nga tới Ba Lan thông qua đường ống dẫn dầu Druzhba dự kiến ​​sẽ giảm hơn một nửa trong tháng này khi quốc gia châu Âu này kết thúc các thỏa thuận với Moscow.

Theo một số nguồn tin thân cận, các dòng chảy khí đốt được lên kế hoạch ở Ba Lan qua đường ống này chỉ còn khoảng 220.000 tấn trong tháng 2, trong đó khoảng 58.000 thùng mỗi ngày, giảm hơn một nửa so với tháng 1 (500.000 tấn).

Sự sụt giảm này là do nhà máy lọc dầu của tập đoàn dầu khí quốc gia PKN Orlen của Ba Lan quyết định không gia hạn hợp đồng với tập đoàn dầu khí khổng lồ của Nga Rosneft PJSC đã kết thúc vào tháng trước. Hợp đồng còn lại với Tatneft PJSC vẫn còn hiệu lực.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại