Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 23/1

Kiều Anh |

Dưới đây là những diễn biến chính tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày 23/1.

Ông Medvedev nói phương Tây cố làm suy yếu hoặc thậm chí phá hủy Nga: Việc tiếp tục dòng chảy hỗ trợ quân sự cho Kiev cho thấy liên minh phương Tây đang tìm cách "làm suy yếu hoặc thậm chí phá hủy" Nga, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho hay.

Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 23/1 - Ảnh 1.

Ukraine khai hỏa lựu pháo M777. Ảnh: AP

"Cuộc họp ở Ramstein và việc huy động vũ khí hạng nặng cho Ukraine rõ ràng cho thấy các đối thủ của chúng tôi sẽ cố gắng làm suy yếu chúng tôi trong một khoảng thời gian không xác định hoặc thậm chí là phá hủy chúng tôi", ông Medvedev bình luận. Dù vậy, quan chức Nga cũng cho rằng việc kéo dài cuộc xung đột ở Ukraine cuối cùng sẽ dẫn đến sự xuất hiện của một khối liên minh quân sự mới mang quốc gia đã "mệt mỏi với Mỹ" lại với nhau.

Nga cảnh báo hậu quả nếu lãnh thổ bị đe dọa: "Một thảm họa toàn cầu" có thể treo lơ lửng trên đầu nhân loại nếu phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga (Hạ viện Nga) Vyacheslav Volodin cho hay, đồng thời cảnh báo Moscow sẽ đáp trả bằng các vũ khí mạnh mẽ hơn nếu lãnh thổ bị đe dọa. Bình luận của ông Vyacheslav Volodin được đưa ra chỉ vài ngày sau khi một cuộc họp được tổ chức ở căn cứ không quân Ramstein của Mỹ tại Đức về việc phương Tây cam kết tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine.

Nga tuyên bố phá hủy kho đạn dược của Ukraine: Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov ngày 22/1 cho biết các lực lượng của Mocsow đã phá hủy 1 kho đạn pháo của Ukraine ở khu vực Zaporozhye. "Kho đạn dược Ukraine đã bị phá hủy ở khu vực Malinovka thuộc Zaporozhye", ông Igor Konashenkov nói. Theo ông, lực lượng thuộc Quân khu miền Đông của Nga đã di chuyển tới các vị trí thuận lợi hơn trong chiến dịch tấn công ở Zaporozhye.

Đức lên tiếng về việc cung cấp xe tăng chủ lực Leopard 2 cho Ukraine: Đức cho biết sẽ sớm đưa ra quyết định về việc cung cấp xe tăng Leopard 2 cho Ukraine giữa bối cảnh các nhà lãnh đạo phương Tây gia tăng sức ép lên Berlin sau khi chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky nhiều lần đưa ra yêu cầu về việc này. Mặc dù ông Pistorius gọi Đức là "quốc gia sản xuất Leopard" và cho biết nước này "có trách nhiệm đặc biệt phải đáp ứng" nhưng ông cũng nhấn mạnh, việc cung cấp xe tăng Leopard "sẽ được thảo luận chặt chẽ" với đồng minh. Các vũ khí sử dụng cho chiến tranh được sản xuất ở Đức sẽ không được xuất khẩu mà không có sự chấp nhận của nước này. Theo "Đạo luật Kiểm soát Vũ khí Chiến tranh", bất kỳ đợt vận chuyển vũ khí nào do Đức sản xuất tới khu vực chiến tranh đều phải có sự cho phép của chính phủ Đức.

Ngoại trưởng Đức nói sẽ không ngăn Ba Lan đưa xe tăng tới Ukraine: Khi được hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu Ba Lan tiếp tục gửi xe tăng Leopard 2 đến Ukraine mà không có sự chấp thuận của Đức, Ngoại trưởng Annalena Baerbock nói trên LCI TV: "Hiện tại câu hỏi vẫn chưa được đặt ra, nhưng nếu được hỏi ý kiến, chúng tôi sẽ không cản trở". Bình luận của Ngoại trưởng Annalena Baerbock dường như đi xa hơn so với Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ông Scholz nói rằng tất cả các quyết định về việc chuyển giao vũ khí sẽ được Đức thực hiện với sự phối hợp của các đồng minh, bao gồm cả Mỹ.

Nga cáo buộc Ukraine trữ đạn HIMARS ở nhà máy điện hạt nhân: Lãnh đạo tình báo Nga cho rằng Ukraine tập kết rocket HIMARS và cùng nhiều đạn dược do phương Tây cung cấp tại các nhà máy điện hạt nhân.

"Các báo cáo đáng tin cậy cho biết lực lượng vũ trang Ukraine đang tập kết vũ khí và đạn dược do phương Tây cung cấp trong khuôn viên các nhà máy điện hạt nhân", Sergey Naryshkin, lãnh đạo Cục Tình báo Hải ngoại Liên bang Nga ngày 23/1 cho biết.

Hạ nghị sĩ Mỹ nói chỉ cần chuyển một xe tăng Abrams cho Ukraine: Hạ nghị sĩ McCaul cho rằng để hối thúc Đức chấp thuận giao Leopard 2, Mỹ chỉ cần chuyển một xe tăng Abrams cho Ukraine.

"Nếu chúng ta tuyên bố cung cấp xe tăng Abrams, dù chỉ một chiếc, họ sẽ chuyển xe tăng Leopard. Khoảng 10 quốc gia sở hữu xe tăng Leopard, song họ cần được Đức chấp thuận", Hạ nghị sĩ Mỹ Michael McCaul đề cập đến vấn đề chuyển xe tăng chủ lực Leopard 2 cho Ukraine trong chương trình ngày 22/1 của ABC News.

Ukraine thừa nhận "rất khó khăn" ở miền Đông: Lãnh đạo khu vực Lugansk do Kiev bổ nhiệm thừa nhận quân đội Ukraine khó tiến công ở miền Đông vì Nga đã tăng cường đáng kể lực lượng.

"Giao tranh ở khu vực Lugansk tiếp diễn khốc liệt. Tình hình rất khó khăn, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát của lực lượng Ukraine", Serhiy Gaidai, lãnh đạo chính quyền quân sự tỉnh Lugansk do Kiev bổ nhiệm, cho hay ngày 22/1.

EU tuyên bố hoàn toàn thoát phụ thuộc vào năng lượng Nga: Tass đưa tin, đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại Josep Borrell nói rằng khối này đã hoàn toàn thoát phụ thuộc vào năng lượng Nga.

"Trong vài tháng qua, chúng tôi đã xóa bỏ sự phụ thuộc năng lượng vào Nga trong nhiều năm qua. Chúng tôi đã trải qua giai đoạn năng lượng tăng giá cực kỳ căng thẳng, nhưng giá năng lượng đang quay trở lại như thời kỳ trước chiến sự Nga - Ukraine", ông nói./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại