Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 15/6

Kiều Anh |

Dưới đây là những diễn biến chính đáng chú ý về tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày 15/6/2024.

Mỹ ký thỏa thuận an ninh 10 năm với Ukraine: Bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ở miền Nam Italy, Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky đã ký kết thỏa thuận an ninh có hiệu lực 10 năm.

Thỏa thuận này sẽ cho phép chính quyền Mỹ cung cấp cho Ukraine nhiều khoản viện trợ và huấn luyện quân sự. Cụ thể Mỹ sẽ hỗ trợ huấn luyện quân đội Ukraine, cung cấp thiết bị quốc phòng, thực hiện các cuộc tập trận chung và hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng. Tuy nhiên, không như với các nước thành viên trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), thỏa thuận không buộc Mỹ phải đưa lực lượng đến bảo vệ Ukraine.

Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 15/6- Ảnh 1.

Quân đội Ukraine khai hỏa lựu pháo tự hành về phía quân đội Nga ở phía Nam. Ảnh: Reuters

Tàu chiến Nga tiến vào cảng Cuba có ý nghĩa như nào trong xung đột Ukraine?: Một mặt, Nga đưa tàu chiến tới Cuba sát Mỹ; mặt khác, Nga kiên trì tổ chức tiến công trên các mặt trận trong xung đột với Ukraine. Về phần mình, Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa đánh vào hậu phương của Nga. Có thông tin Mỹ sẽ rót thêm vũ khí cho Ukraine.

>>> Tàu chiến Nga tiến vào cảng Cuba có ý nghĩa như nào trong xung đột Ukraine?

G7 đồng ý cho Ukraine vay 50 tỷ USD từ tài sản bị đóng băng của Nga: Các nhà lãnh đạo nhóm G7 ngày 13/6 đã nhất trí thỏa thuận cho Ukraine vay 50 tỷ USD từ tiền lãi thu được từ tài sản bị đóng băng của Nga. Thỏa thuận nói trên là tâm điểm trong ngày họp đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra ở miền nam Italy, với sự tham dự của Tổng thống Ukraine Vlolodymyr Zelensky. Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi thỏa thuận của G7 liên quan đến tài sản bị phong tỏa của Nga là một “kết quả quan trọng”. Ông nhấn mạnh, đây là khẳng định rằng "chúng tôi sẽ không lùi bước”.

Nga không tham dự, Hội nghị hòa bình về Ukraine có thể đạt được điều gì?: Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình về Ukraine do Thụy Sĩ tổ chức vào tuần này không phải là một hội nghị hòa bình như thường lệ. Nga sẽ không tham dự và giới quan sát hiểu rõ, bất kỳ hội nghị thượng đỉnh nào nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine đều sẽ không đạt được thỏa thuận cuối cùng nếu không có sự tham gia của Moscow.

>>> Nga không tham dự, Hội nghị hòa bình về Ukraine có thể đạt được điều gì?

Hungary cảnh báo khả năng NATO đưa quân tới Ukraine: Nếu NATO triển khai sứ mệnh phối hợp hỗ trợ Ukraine thì dù sớm hay muộn quân đội của liên minh sẽ được triển khai ở nước này, ít nhất là với tư cách lực lượng gìn giữ hòa bình, Gergely Gulyas, Chánh văn phòng Thủ tướng Hungary cho biết.

"Dù sớm hay muộn điều đó sẽ xảy ra nếu một hiệp ước hòa bình không nhanh chóng được ký kết, trong khuôn khổ nhiệm vụ của NATO ở Ukraine, quân đội NATO - ít nhất là mang tính chất gìn giữ hòa bình - sẽ xuất hiện ở các khu vực phía Tây Ukraine. Nếu Nga tiến công, các kế hoạch quân sự của NATO sẽ được đề cập khá công khai", ông Gulyas cho hay trong một cuộc họp báo.

Mỹ sẽ đảm bảo Ukraine có thể tự vệ ngay bây giờ và trong tương lai: Tổng thống Joe Biden cho biết Mỹ và các nước khác đã ký các thỏa thuận an ninh để Ukraine có thể tự vệ ngay bây giờ và ngăn chặn các cuộc tấn công tiềm tàng trong tương lai.

"Mỹ sẽ giúp đảm bảo Ukraine có thể làm được cả hai điều đó, không phải bằng cách đưa quân đội Mỹ đến chiến đấu ở Ukraine mà bằng cách cung cấp vũ khí và đạn dược, mở rộng chia sẻ thông tin tình báo", cũng như huấn luyện quân đội Ukraine và các nỗ lực khác, ông Biden nói.

Ba Lan tuyên bố không chuyển hệ thống Patriot của Mỹ cho Ukraine: Thứ trưởng Quốc phòng Ba Lan Cezary Tomczyk ngày 13/6 cho biết các hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất và đang triển khai ở Ba Lan sẽ không được chuyển đi nơi khác. Ông Tomczyk đưa ra bình luận trên sau khi bài báo của NY Times cho rằng, Mỹ có thể chuyển một hệ thống Patriot từ Ba Lan sang Ukraine.

“Ba Lan không đồng ý chuyển giao khẩu đội Patriot. Hệ thống này bảo vệ bầu trời Ba Lan và điều đó sẽ không thay đổi”, ông Tomczyk tuyên bố trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter).

Xung đột Nga - Ukraine thải ra 175 triệu tấn CO2, gây ô nhiễm nặng như thế nào?: Một báo cáo chung mới công bố cho biết, xung đột Nga - Ukraine đã trực tiếp hoặc gián tiếp làm phát thải 175 triệu tấn khí CO2 vào môi trường, tạo ra ô nhiễm không khí khủng khiếp.

Đức không cấp thêm hệ thống Patriot cho Ukraine: Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết nước này không thể cung cấp thêm hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine thời gian tới.

“Đức không cấp thêm hệ thống Patriot cho Ukraine đã cung cấp ba hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine trong thời quan qua. Tức là chúng tôi đã cung cấp một phần tư năng lực của Đức. Cho nên, chúng tôi không còn chỗ để cung cấp nhiều hơn, các đối tác khác sẽ phải hỗ trợ”, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho hay.

Ông Putin: Các nước đều có thể trở thành mục tiêu tấn công của NATO: Trong cuộc gặp gỡ với các quan chức Bộ Ngoại giao Nga ngày 14/6, Tổng thống Putin nói rằng NATO đang nỗ lực gia tăng áp lực lên những nước họ muốn kiềm chế, bao gồm Nga.

“Cách đây hai năm, tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid, người ta công bố rằng Liên minh này sẽ giải quyết các vấn đề an ninh không chỉ trong khu vực châu Âu - Đại Tây Dương, mà còn cả ở châu Á - Thái Bình Dương. Họ tuyên bố rằng sự tham gia của họ là tất yếu. Rõ ràng, động thái này là nỗ lực nhằm tăng áp lực lên các nước trong khu vực mà họ muốn kiềm chế sự phát triển. Đáng chú ý, nước ta, nước Nga, nằm hàng đầu trên danh sách đó”.

Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng không nước nào trên thế giới tránh được trở thành mục tiêu tấn công của NATO. Ông Putin nêu tên một số nước trở thành nạn nhân của NATO, như Iraq, Syria, Libya, Afghanistan… Theo ông Putin, NATO chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề tại các nước này, phá vỡ cuộc sống của hàng triệu người, phá hủy toàn bộ các nhà nước, làm lan tràn các thảm họa nhân đạo và xã hội.

Tổng thống Nga Putin nêu điều kiện để hòa đàm với Ukraine: Tổng thống Putin ngày 14/6 phát biểu tại hội nghị Bộ Ngoại giao Nga rằng nước Nga sẵn sàng khởi động hòa đàm với Ukraine vào bất cứ lúc nào nhưng phải đáp ứng một điều kiện, đó là các lực lượng Ukraine phải rút khỏi toàn bộ lãnh thổ Donetsk, Lugansk, Zaporizhzhia và Kherson mà Nga tuyên bố sáp nhập trước đó.

Tổng thống Putin tuyên bố, nếu phương Tây và Ukraine từ chối đề xuất hòa bình cụ thể lần này như trước đây họ vẫn vậy thì trách nhiệm về tình trạng tiếp tục đổ máu sẽ nằm về phía họ.

Tổng thống Putin nhấn mạnh, Nga sẵn sàng tham gia đàm phán với Ukraine ngay khi có thể.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại