Sau mỗi buổi phỏng vấn, bạn nghĩ mình sẽ không thích điều gì nhất?
Chắc hẳn là câu nói "Chúng tôi sẽ liên lạc lại sau" rồi đúng không, vì nó chẳng khác gì cách nói giảm nói tránh về việc bạn chẳng phù hợp với vị trí đang ứng tuyển.
Khổ nỗi, câu nói ấy cũng để lại nhiều trăn trở lắm.
Người tin thì sẽ chờ đợi để rồi lại thất vọng, người hiểu chuyện thì lại dằn vặt muốn biết mình không phù hợp ở đâu, người ta không thích mình ở điểm nào, chẳng lẽ kinh nghiệm của mình chưa đủ...
Nhưng bạn biết không, đôi khi thành bại của một cuộc phỏng vấn lại nằm ở cách bạn vượt qua một số câu hỏi "bẫy" mà nhà tuyển dụng đưa ra. Chỉ cần biết cách trả lời, khả năng thành công đã tăng lên tương đối cao rồi.
1. Điểm yếu của bạn là gì?
Đây không phải là câu hỏi để đùa giỡn đâu, hãy lựa ra một số khuyết điểm của bản thân mà có thể biến nó thành lợi thế.
Chẳng hạn, bạn có thể chia sẻ rằng mình không giỏi tiếng Anh cách đây 1 năm, nhưng sau đó đã đăng ký trau dồi thêm để giỏi hơn. Trên thực tế, bạn không thể trả lời rằng "Tôi thấy mình chẳng có khuyết điểm gì", bởi như vậy sẽ rất vô lý.
Nhà tuyển dụng cũng thừa hiểu điều đó, và họ cũng chẳng trông mong gì việc tuyển được một ứng viên hoàn hảo cả. Họ cần một người trưởng thành, sẵn sàng nhận khuyết điểm và đưa ra giải pháp khắc phục.
2. Các đồng nghiệp cũ nghĩ gì về bạn?
Nhiều người sẽ chọn giải pháp cười và nói gì đó thật hài hước, hoặc tự tìm cách nâng bản thân lên bằng câu hỏi này. Nhưng thực ra bạn không nên làm vậy đâu.
Mục đích thực sự của nhà tuyển dụng là kiểm tra xem liệu ứng viên có đủ khả năng cảm nhận được sự đánh giá về bản thân theo góc nhìn của người ngoài.
Vậy nên, câu trả lời có thể kiểu: "Tôi nghĩ rằng mọi người đánh giá cao tôi ở một số điểm..." sau đó liệt kê các điểm mạnh của bản thân ra.
Chẳng hạn, bạn có luôn sẵn sàng giúp đỡ khi đồng nghiệp cần? Nếu có, hãy nêu nó ra. Nhìn chung, đây là một cơ hội để bạn thể hiện các điểm mạnh của mình một cách chân thực nhất.
3. Mô tả bạn bằng 1 từ
Đây là một câu hỏi khá gợi mở. Bạn có thể mô tả bản thân bằng một danh từ hoặc tính từ, nhưng đừng chọn bừa mà hãy dựa trên mục tiêu nghề nghiệp trong tương lai.
Chẳng hạn, bạn muốn trở thành nhà quản lý trong tương lai, hãy chọn từ "lãnh đạo". Ngoài ra có một số lựa chọn chung chung mà an toàn là "người thực tế" hoặc "người hướng ngoại".
4. Nếu chúng tôi không thể trả tiền nữa, bạn còn muốn làm việc tiếp?
Đây thực sự là một câu hỏi khá khó. Thông thường, các ứng viên sẽ trả lời có, vì họ cho rằng đây chính xác là những gì nhà tuyển dụng mong muốn - đó là lòng nhiệt huyết cống hiến và sự cam kết lâu dài.
Nhưng trên thực tế, nhà tuyển dụng chỉ muốn biết liệu bạn có đánh giá đúng giá trị kỹ năng của bản thân mình. Vậy nên câu trả lời bạn nên đưa ra là "không hẳn, mà sẽ dựa trên tình hình thực tế lúc đó."
5. Bạn có câu hỏi gì cho chúng tôi?
Đây thường là câu hỏi cuối cùng trong các buổi phỏng vấn, và bạn nên chuẩn bị từ trước. Không nên bỏ qua câu hỏi này, nhưng cũng đừng hỏi những việc bạn sẽ dễ dàng tìm ra câu trả lời ngay trong website tuyển dụng của công ty.
Bạn có thể hỏi lý do vì sao người trùng vị trí với bạn trước kia nghỉ việc.
Câu hỏi này cho thấy bạn vừa có kỹ năng phân tích, vừa tránh được các sai lầm của người cũ trước khi bắt đầu công việc mới. Nhưng dĩ nhiên, câu hỏi này không nên áp dụng với sinh viên mới ra trường đâu!