Điểm yếu chí tử khiến tên lửa Triều Tiên có thể bị bắn rơi dễ dàng ngay khi rời bệ phóng

Nam Đồng |

Trong những lần thử nghiệm gần đây, tên lửa Triều Tiên đã vượt ngoài tầm đánh chặn của hệ thống phòng thủ Mỹ - Nhật, tuy nhiên mọi việc sẽ khác nếu chiến tranh nổ ra.

Những vụ bắn thử mới đây của Triều Tiên đều đi theo một kịch bản, tên lửa sử dụng góc bắn gần như thẳng đứng, nó bay lên độ cao rất lớn (ngoài tầm đánh chặn của các tổ hợp phòng thủ) trước khi "tiếp đất" ở cự ly ngắn hơn nhiều so với thiết kế.

Các chuyên gia quân sự quốc tế và chính bản thân Bình Nhưỡng đều cho rằng nếu tên lửa bay với quỹ đạo thông dụng thì tầm xa của nó hoàn toàn đủ sức vươn tới căn cứ Guam nằm giữa Thái Bình Dương, hay thậm chí là chạm tới lãnh thổ Hoa Kỳ.

Điểm yếu chí tử khiến tên lửa Triều Tiên có thể bị bắn rơi dễ dàng ngay khi rời bệ phóng - Ảnh 1.

Minh họa đường bay của tên lửa Triều Tiên khi thử nghiệm và trong thực chiến

Tuyên bố rằng bắn gần để tránh gây hại cho các bên không liên quan, tuy nhiên hành động của Triều Tiên có vẻ lại đang chứa đựng trong mình một mục đích khác, đó là phô trương thanh thế đồng thời che giấu những điểm bất lợi có thể khiến tên lửa bị bắn hạ ngay khi rời bệ phóng.

Với góc bắn rất hẹp, lúc ra khỏi đất Triều Tiên và bay qua lãnh thổ Nhật Bản hay khu vực ngoài khơi do Hải quân Mỹ kiểm soát thì tên lửa đã đạt tới độ cao cực lớn, lúc này việc đánh chặn gần như bất khả thi (thực ra cũng chẳng cần đánh chặn làm gì khi dữ liệu radar đủ căn cứ để khẳng định nó sẽ không gây hại).

Nhưng khi "bắn thật", để vươn tới cự ly xa nhất, tên lửa Triều Tiên sẽ phải sử dụng quỹ đạo như đường parabol thứ hai, lúc này việc tiêu diệt nó dễ dàng hơn rất nhiều.

Điểm yếu chí tử khiến tên lửa Triều Tiên có thể bị bắn rơi dễ dàng ngay khi rời bệ phóng - Ảnh 2.

Minh họa đường bay trong 3 giai đoạn và cơ chế đánh chặn tên lửa đạn đạo của hệ thống THAAD

Tên lửa đạn đạo dễ bị đánh chặn nhất khi nó đang ở trong giai đoạn đầu tiên, tức là lúc tốc độ còn chậm, độ cao ở mức thấp và kích thước đang rất lớn do chưa tách hết các tầng đẩy (thực chất đây cũng là điểm yếu chí tử của mọi loại tên lửa đạn đạo).

Để đảm bảo xác suất đánh chặn thành công, cách tối ưu là áp sát bãi phóng càng gần càng tốt nhằm bắn rơi tên lửa ngay khi nó vừa rời bệ. Phương tiện cốt lõi để làm điều này chính là các chiến hạm Aegis trong biên chế Hải quân Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Điểm yếu chí tử khiến tên lửa Triều Tiên có thể bị bắn rơi dễ dàng ngay khi rời bệ phóng - Ảnh 3.

Các chiến hạm Aegis giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong lá chắn phòng thủ tên lửa đạn đạo

Với tiềm lực không quân và hải quân hùng hậu, không khó để cho liên quân làm chủ vùng biển cũng như vùng trời ngoài khơi bán đảo Triều Tiên, lúc này các chiến hạm Aegis đủ điều kiện áp sát bờ biển để "phục kích" chờ tên lửa bay qua.

Dựa vào hệ thống cảnh báo tinh vi và đồ sộ, trong tình trạng trực ban tác chiến ở cấp độ đặc biệt, rất khó để tên lửa Triều Tiên có thể phóng đi mà không bị phát hiện.

Bình Nhưỡng thời gian gần đây mặc dù đã có tiến bộ vượt bậc trong việc tăng tầm bắn tên lửa, nhưng phi đạn của họ vẫn bị nhận xét là còn thô sơ, chưa thể thực hiện đường bay phức tạp như của Nga hay Trung Quốc, dễ bị đối phương "bắt bài" khi đã lộ diện trên màn hình radar.

Do vậy nếu chiến tranh nổ ra, khả năng tên lửa Triều Tiên (trong khi chưa đạt tới 30% sức mạnh) thoát khỏi một rừng lá chắn phòng thủ dựng ngay trước cửa nhà là cực kỳ khó khăn, chắc hẳn họ cũng hiểu rõ điều này để luôn tự biết "hạ nhiệt" căng thẳng lúc cần thiết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại