Điểm mặt những "sát thủ" tên lửa giúp Hàn Quốc đối phó với Triều Tiên

Minh Thu |

Sự ồn ào từ các vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên đã khiến cộng đồng quốc tế không để ý tới hoạt động phát triển năng lực tên lửa diễn ra một cách âm thầm mà Hàn Quốc đang thực hiện.

Trong hai năm qua, Triều Tiên đã cho phóng thử tên lửa với tần suất chưa từng có và đỉnh điểm là vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) lần đầu tiên được Bình Nhưỡng thực hiện hôm 4/7.

Trong khi cộng đồng quốc tế dồn sự tập trung vào những hành động mang tính khiêu khích từ Bình Nhưỡng, thì ít ai biết rằng Hàn Quốc vẫn đang âm thầm phát triển và hiện đại hóa kho tên lửa để phòng trường hợp phải đối đầu với Triều Tiên.

Theo National Interest, chương trình phát triển công nghệ tên lửa được Hàn Quốc tiến hành từ thập niên 70. Đáng nói, mối quan hệ liên minh quân sự Mỹ - Hàn đã trở thành rào cản khiến chương trình này bị chậm tiến độ.

Tuy nhiên, trước mối đe dọa ngày càng lớn từ năng lực hạt nhân của Triều Tiên trong những năm gần đây, Mỹ đã "lỏng tay" với chương trình sản xuất tên lửa của Hàn Quốc.

Kết quả là Seoul đã cho phóng thử loại tên lửa đạn đạo hiện đại nhất mà nước này sản xuất mang tên Hyunmoo-2C hồi cuối tháng Sáu năm nay. Vậy kho tên lửa Hàn Quốc hiện hùng mạnh như thế nào?

Tên lửa đạn đạo

Tham vọng phát triển tên lửa đạn đạo được Hàn Quốc ấp ủ từ những năm 1970 khi quốc gia này muốn sở hữu vũ khí hạt nhân. Dù Mỹ gây sức ép buộc Hàn Quốc từ bỏ tham vọng hạt nhân, nhưng tác động của Mỹ tới chương trình phát triển tên lửa dường như không đáng kể.

Kết quả, Hàn Quốc đã cho ra đời tên lửa NHK-1 hay còn gọi là Baekgom. Đây là loại tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn, có chiều dài hơn 12 m và bán kính là 8 m.

Dưới sức ép của Mỹ, Seoul đã đồng thuận giảm tầm bắn của tên lửa NHK-1 xuống còn 180 km và chứa 500 kg thuốc nổ. Tên lửa này được Cơ quan Phát triển Quốc phòng (ADD) sản xuất và cho thử nghiệm lần đầu tiên năm 1978.

Thời gian ngắn sau khi thử nghiệm NHK-1, ADD bắt đầu cho ra đời thế hệ tên lửa thứ hai NHK-2 (Hyonmu-1) với chiều dài, đường kính và cùng sử dụng nhiên liệu rắn như HNK-1. Seoul đã cho phóng thử NHK-2 vào năm 1985.

Tuy nhiên, NHK-2 hoạt động linh hoạt hơn so với NHK-1 khi có thể được trang bị đầu đạn nổ lớn hoặc đầu đạn chùm. Điểm khác biệt lớn nhất giữa NHK-2 và NHK-1 là tầm bắn của NHK-2 có thể dễ dàng tăng từ 180 km lên 250 km.

Theo thỏa thuận ban đầu giữa quân đội Mỹ - Hàn, Seoul không thể sở hữu những loại tên lửa có tầm bắn lớn như trên. Nhưng sau các cuộc đàm phán bắt đầu từ năm 1995, Mỹ đã chấp thuận để Hàn Quốc tham gia "Chế độ kiểm soát công nghệ tên lửa" (MTCR) vào năm 2001.

Theo đó, Hàn Quốc được phép phát triển các tên lửa chứa 500 kg thuốc nổ và tầm bắn lên tới 300 km. Tiếp đó, Hàn Quốc đã cho ra đời phiên bản tên lửa NHK-2 PIP A (Hyonmu 2-A) có tầm bắn lớn hơn so với NHK-2.

Trong bối cảnh năng lực hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên vẫn không ngừng gia tăng, giới chức Hàn Quốc đã đề nghị Mỹ nới lỏng thêm một số quy định hạn chế trong MTCR.

Kết quả vào năm 2012, liên minh quân sự Mỹ - Hàn đã ký kết một thỏa thuận mới cho phép Hàn Quốc phát triển các thế hệ tên lửa có tầm bắn lên tới 800 km với chứa 500 kg thuốc nổ. Với tầm bắn này, tên lửa của Hàn Quốc có thể tấn công mọi vị trí ở Triều Tiên. Ngoài ra, Hàn Quốc còn có cơ hội phát triển các tên lửa đạn đạo tầm bắn ngắn hơn với sức chứa chất nổ lên tới 2 tấn.

Sau khi ký kết thỏa thuận năm 2012 với Mỹ, Hàn Quốc bắt đầu nâng tầm bắn cho các tên lửa đạn đạo được phát triển trước đây Hyunmoo-2B cũng như sản xuất thế hệ tên lửa đạn đạo Hyunmoo-2C. Hyunmoo-2C chính là tên lửa đã được phóng thử nghiệm hồi tháng trước.

Theo kế hoạch, Hàn Quốc sẽ đưa Hyunmoo-2C vào hoạt động vào cuối năm nay. Giống như tất cả tên lửa Hyunmoo 2, Hyunmoo 2C được phát triển trên nền tảng hệ thống 9K720 Iskander-M của Nga.

Tên lửa hành trình

Hàn Quốc đã cho phát triển hàng loạt phiên bản của tên lửa hành trình Hyunmoo-3 có khả năng chứa 500 kg chất nổ. Độ hoạt động chính xác cao của Hyunmoo-3 còn được sánh ngang với tên lửa Tomahawk của Mỹ.

Bản báo cáo năm 2016 của CSIS nhấn mạnh, "Được Hàn Quốc tự phát triển, Hyunmu-3 có cấu trúc và công nghệ dẫn đường tương tự như Tomahawk của Mỹ nhưng lại có tầm bắn ngắn hơn".

Theo National Interest, tên lửa Hyunmoo-3A được phát triển lần đầu tiên năm 2006 và được cho có tầm bắn 500 km. Tới năm 2009, Seoul đã cho ra mắt tên lửa Hyunmoo-3B với tầm bắn 1.000 km. Với tầm bắn này, Hyunmoo-3B có đủ khả năng tấn công các mục tiêu ở Bắc Kinh, Tokyo và cả mọi khu vực ở Triều Tiên.

Tới năm 2010, Hàn Quốc đã bắt tay vào sản xuất tên lửa Hyunmoo-3C có tầm bắn 1.500 km. Theo giới truyền thông Hàn Quốc, "Hyunmoo-3C có thể mang theo đầu đạn nặng 450 kg.

Tên lửa này dài 6 m, đường kính từ 53 – 60 cm và nặng 1,5 tấn". Hyunmoo-3C được đưa vào sử dụng năm 2012 và giúp Hàn Quốc trở thành một trong số ít quốc gia sở hữu loại tên lửa hành trình có tầm bắn 1.500 km và lớn hơn.

Tới năm 2013, Hàn Quốc ký bản hợp đồng với Đức để mua từ 170 – 180 tên lửa hành trình Taurus KEPD 350K.

Những tên lửa này được Đức chuyển giao cho Hàn Quốc vào năm ngoái và đang được các máy bay quân sự Boeing F-15K Slam Eagle của Hàn Quốc sử dụng. Đáng nói, các phiên bản tên lửa của Hàn Quốc hiện được tích hợp với hệ thống định vị GPS của Mỹ khiến Triều Tiên khó lòng can thiệp.

Khi được hỏi các tên lửa Taurus KEPD 350K sẽ giúp không quân Hàn Quốc tăng cường năng lực như thế nào, giới chức quân sự Hàn Quốc cho hay: "Nếu được trang bị tên lửa Taurus, máy bay quân sự có thể tấn công thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên khi bay qua khu vực Daejeon, nằm cách thủ đô Soeul 164 km về phía nam".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại