Tổng cộng đã có 8 tàu chiến gia nhập Hải quân Mỹ trong năm nay, đặc biệt phải kể đến chiếc đầu tiên thuộc lớp tàu sân bay hạt nhân thế hệ tiếp theo.
Trước đó, trong năm 2016, Hải quân Mỹ chỉ đưa vào trang bị 5 chiến hạm mới.
Dưới đây là danh sách 8 "tân binh" 2017 của Hải quân Mỹ (do trang mạng We are the Mighty đưa ra):
8. USS Gabrielle Giffords (LCS 10)
Tàu tác chiến cận bờ lớp Independence USS Gabrielle Giffords (LCS 10) được đưa vào biên chế ngày 10/6/2017.
Trang bị pháo 57mm, hệ thống phòng thủ SeaRAM, súng máy .50cal, LCS 10 không chỉ mang tới cho Hải quân Mỹ ưu thế về tốc độ mà còn cả hỏa lực.
Gabrielle Giffords là chiếc mới nhất thuộc lớp Independence và là một trong 7 chiếc tàu tác chiến cận bờ có cảng nhà tại San Diego.
Tàu tác chiến cận bờ USS Gabrielle Giffords (LCS 10) di chuyển qua vịnh San Diego để tới cảng nhà ở căn cứ hải quân San Diego.
Con tàu được đặt tên theo nữ nghị sĩ Gabrielle Giffords, người đã giữ vững ý chí kiên cường sau khi bị thương trong vụ xả súng mà cựu Tổng thống Barack Obama gọi là "thảm kịch đối với toàn nước Mỹ" tại thành phố Tucson, bang Arizona năm 2011.
Theo hãng thông tấn AP, những chấn thương do bị bắn vào đầu từng khiến bà Giffords bị rối loạn ngôn ngữ và liệt một phần cơ thể.
LCS 10 là chiếc tàu thứ 13 của Hải quân Mỹ được đặt theo tên một người đang còn sống, kể từ năm 1850.
Đây cũng là chiếc tàu thứ 16 được đặt tên theo một phụ nữ và là tàu đầu tiên được đặt theo tên một phụ nữ còn sống, kể từ khi chiếc Lady Washington (đặt theo tên cựu Đệ nhất phu nhân Martha Washington) được đưa vào biên chế Hải quân Mỹ năm 1776.
Mỹ biên chế chiến hạm USS Gabrielle Giffords
7. USS John Finn (DDG 113)
USS John Finn (DDG 113) chính thức gia nhập Hải quân Mỹ ngày 15/7/2017.
Con tàu được đặt tên theo trung sĩ hải quân John William Finn, người được nhận Huân chương Danh dự, phần thưởng cao quý nhất của quân đội Mỹ, vì hành động dũng cảm chống trả cuộc tấn công của Nhật Bản vào Trân Châu Cảng năm 1941.
Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS John Finn (DDG 113) tới căn cứ liên hợp Trân Châu Cảng – Hickam để chuẩn bị cho lễ biên chế.
Đây cũng là chiếc đầu tiên nằm trong chương trình tái khởi động dự án tàu Arleigh Burke mà Hải quân Mỹ xúc tiến sau khi quyết định dừng chương trình tàu khu trục thế hệ mới lớp Zumwalt.
Trái tim của USS John Finn là hệ thống chiến đấu Aegis, được ví như "lá chắn tên lửa thần kỳ" của Mỹ. Đây là một trong những tổ hợp tác chiến hiện đại và phức tạp nhất thế giới, biến khu trục hạm lớp Arleigh Burke thành một phần quan trọng trong hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo do Mỹ phát triển.
USS John Finn cập bến Trân Châu Cảng trước lễ biên chế
USS John Finn được trang bị 96 ống phóng thẳng đứng (VLS) chia làm hai cụm trước và sau thượng tầng, có khả năng triển khai tên lửa hành trình BGM-109 Tomahawk, tên lửa phòng không RIM-156 SM-2 và RIM-161 SM-3, cùng tên lửa chống ngầm RUM-139 VL-ASROC.
Tàu dài 156 m, rộng 20 m, có lượng giãn nước đầy tải 9.200 tấn. Cụm động cơ turbine khí LM2500 giúp USS John Finn đạt tốc độ tối đa 57 km/h, tầm hoạt động 8.100 km ở tốc độ 37 km/h.
6. USS Gerald R. Ford (CVN 78)
USS Gerald R. Ford (CVN 78), chiếc đầu tiên thuộc lớp tàu sân bay hạt nhân cùng tên, được đưa vào biên chế Hải quân Mỹ ngày 22/7/2017.
Đây cũng là tàu sân bay mới đầu tiên được Mỹ thiết kế trong vòng 40 năm trở lại đây.
Quang cảnh buổi lễ biên chế tàu USS Gerald R. Ford (CVN 78) tại căn cứ hải quân Norfolk.
Ban đầu, con tàu này dự kiến sẽ thay thế tàu USS Enterprise (CVN 65) trong năm 2015 nhưng kế hoạch bị trì hoãn. Dự kiến, USS Gerald R. Ford sẽ thực hiện đợt triển khai đầu tiên trong năm 2020.
USS Gerald R. Ford là tàu sân bay đắt nhất thế giới tính đến thời điểm hiện tại, con tàu này có giá đóng mới là 12,8 tỷ USD. Nếu tính thêm cả chi phí nghiên cứu, phát triển công nghệ cho con tàu này thì giá của nó sẽ đội lên thêm 4,7 tỷ USD nữa, tương đương với khoảng 17,5 tỷ USD
Trong quá trình đóng mới tàu sân bay USS Gerald R. Ford, hàng loạt các vấn đề về công nghệ đã nảy sinh khiến chi phí thi công bị đội lên nhiều lần so với dự toán ban đầu.
Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng đây là một con tàu rất đáng tiền khi nó có thiết kế mang tính cách mạng vượt bậc so với các tàu sân bay lớp cũ của Mỹ - vốn cũng đã là các tàu sân bay hiện đại nhất thế giới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tham dự lễ biên chế tàu sân bay USS Gerald R. Ford
5. USS Rafael Peralta (DDG 115)
USS Rafael Peralta (DDG 115) chính thức gia nhập Hải quân Mỹ ngày 29/7/2017, được đặt theo tên Trung sĩ Lính thủy đánh bộ Rafael Peralta thiệt mạng khi đang làm nhiệm vụ tại Iraq năm 2004.
USS Rafael Peralta (DDG 115) hoàn thành các cuộc thử nghiệm trên biển.
Đây là chiếc tàu chiến thứ 65 thuộc lớp Arleigh Burke biến thể Flight IIA được thiết kế cho nhiệm vụ phòng thủ tên lửa.
Nó có lượng giãn nước toàn tải 9.200 tấn, dài 156m, rộng 20m, mớn nước 9,3m, thủy thủ đoàn 300 người.
Con tàu được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis tối tân với radar mạng pha AN-SPY-1D cùng giàn cảm biến phức tạp, mạnh mẽ. Hỏa lực chủ yếu trên tàu đặt trong 96 ống phóng tên lửa Mk41.
Mỹ biên chế tàu khu trục USS Rafael Peralta (DDG 115)
4. USS Lewis B. Puller (ESB 3)
USS Lewis B. Puller gia nhập Hải quân Mỹ ngày 17/8/2017 tại cảng Khalifa bin Salman ở Al Hidd, Bahrain, trở thành tàu chiến đầu tiên của Mỹ được biên chế tại một lãnh thổ nước ngoài.
Đây có thể được xem là một căn cứ nổi dùng để triển khai đặc nhiệm SEAL và các phương tiện chống mìn.
Tàu USS Lewis B. Puller (ESB 3) trong quá trình thử nghiệm
3. USS Washington (SSN 787)
USS Washington (SSN 787), tàu ngầm tấn công hạt nhân thứ 14 lớp Virginia và là chiếc thứ 4 phiên bản Block III, đã gia nhập Hải quân Mỹ ngày 7/10/2017.
Tàu ngầm Washington (SSN 787) neo tại cầu tàu, chuẩn bị cho lễ biên chế.
Đây cũng là chiếc tàu thứ 3 của Hải quân Mỹ được đặt theo tên tiểu bang Washington. Hai con tàu trước đó mang tên "Washington" là thiết giáp hạm BB-56 trong Thế chiến II (loại biên năm 1947) và tàu tuần dương bọc thép ACR-11 (từ năm 1905-1916, sau đó được đổi tên).
Tàu ngầm lớp Virginia có chiều dài 115m, rộng 10m, lượng giãn nước 7.900 tấn, tốc độ khi lặn lên đến 25 hải lý/giờ và tàu có thể hoạt động liên tục trong 33 năm mà không cần tiếp liệu.
Chúng có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau như: tấn công bằng tên lửa hành trình Tomahawk, thả đặc nhiệm, trinh sát các vùng biển bất kể là vùng nước cận bờ hay đại dương.
Khác với các tàu ngầm lớp Virginia trước đó, các tàu Block III được trang bị 2 ống phóng tên lửa hành trình Tomahawk cỡ lớn với mỗi ống chứa 6 tên lửa thay vì 12 ống phóng riêng biệt như hiện nay. Thiết kế này giúp giảm chi phí và tăng cường khả năng phóng tên lửa.
Mỹ biên chế tàu ngầm USS Washington (SSN 787)
2. USS Portland (LPD 27)
Đây là chiếc tàu đổ bộ thứ 11 thuộc lớp San Antonio, được đưa vào biên chế Hải quân Mỹ ngày 14/12/2017. Hiện chiếc tàu tiếp theo mang tên USS Fort Lauderdale (LPD 28) đang trong quá trình thi công.
Tàu đổ bộ USS Portland (LPD 27) tiến hành đợt thử nghiệm trên biển đầu tiên tại vịnh Mexico.
Tàu đổ bộ lớp San Diego có lượng giãn nước đầy tải 25.000 tấn, dài 208m, thủy thủ đoàn 363 người. Mỗi tàu có thể chở tổng cộng 600-800 lính thủy đánh bộ cùng các phương tiện đổ bộ (gồm xe bọc thép lội nước hoặc tàu đổ bộ đệm khí).
Ngoài ra, binh lính có thể được đổ bộ bằng trực thăng của tàu. Ở đuôi tàu có sàn đáp lớn cho phép triển khai trực thăng vận tải hạng trung SH-60 hoặc vận tải hạng nặng CH-46 hoặc máy bay MV-22.
USS Portland (LPD 27) thử nghiệm trên biển
1. USS Little Rock (LCS 9)
USS Little Rock (LCS 9), tàu tác chiến cận bờ lớp Freedom, gia nhập Hải quân Mỹ vào ngày 16/12/2017. Đây là chiếc thứ 5 thuộc lớp Freedom được trang bị cho Hải quân Mỹ.
USS Little Rock có chiều dài 115,3m, rộng 17,5m, mớn nước 4m và lượng giãn nước 3.000 tấn.
Nó được đánh giá là con tàu lý tưởng dành cho các nhiệm vụ mà Hải quân Mỹ phải thực hiện tại các vùng nước nông xung quanh Vành đai Thái Bình Dương.
Tàu USS Little Rock trong ngày biên chế