Số liệu thống kê của Statista năm 2021 cho thấy, nước chi tiêu nhiều nhất cho các lực lượng vũ trang là Mỹ, với 801 tỷ USD, tiếp theo là Trung Quốc, 293 tỷ USD.
Thế nhưng, trên thế giới vẫn có một số quốc gia “không cần tới quân đội”. Tất nhiên, họ đều không phải là những nước đóng vai trò quan trọng trong đời sống địa chính trị quốc tế. Ngoài ra, gần như tất cả trong số họ, bằng cách này hay cách khác, đều dựa vào sự bảo vệ của các quốc gia lớn hơn.
Dưới đây là danh sách một vài quốc gia điển hình như vậy:
ANDORRA
Nằm kẹp giữa Tây Ban Nha và Pháp, Andorra là một quốc gia hoàn toàn trên đất liền, có diện tích siêu nhỏ ở châu Âu với dân số chỉ hơn 78.000 người. Theo CIA World Factbook, Andorra không hề có quân đội.
Thu nhập GDP bình quân đầu người ở Andorra cao hơn mức trung bình của các nước châu Âu. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới là hơn 40.000 USD, nguồn thu chủ yếu đến từ du lịch, bán lẻ và tài chính.
Do có mối quan hệ đặc biệt với hai quốc gia liền kề, Andorra được Pháp và Tây Ban Nha bảo lãnh về mặt quốc phòng. Nhiệm vụ duy trì trật tự trong nước được lực lượng an ninh của Andorra đảm trách.
Nằm kẹp giữa Tây Ban Nha và Pháp, Andorra là một quốc gia siêu nhỏ ở châu Âu với dân số chỉ hơn 78.000 người
SAMOA
Quốc đảo Samoa ở Thái Bình Dương bình dị và xinh đẹp, là trung tâm của nền văn hóa Polynesia và cũng không hề có quân đội.
Theo CIA World Factbook, Samoa duy trì quan hệ với New Zealand như một đồng minh không chính thức thông qua Hiệp ước Hữu nghị.
Được ký kết vào năm 1962, hiệp ước không thiết lập một liên minh quân sự dưới bất kỳ hình thức nào, mà cho Samoa lựa chọn yêu cầu New Zealand đại diện cho mình trên trường quốc tế và bảo vệ họ về mặt ngoại giao.
Thực tế, Samoa có một lực lượng cảnh sát chịu trách nhiệm thực thi pháp luật. Theo Gunpolicy.org, chính phủ Samoa chỉ kiểm soát khoảng 142 vũ khí cỡ nhỏ.
VATICAN
Thành phố Vatican là một vùng lãnh thổ biệt lập rộng 0,17 dặm vuông nằm trong khuôn viên thành phố Rome rộng lớn hơn. Đây là trung tâm quyền lực của Giáo hội Công giáo La Mã.
Về mặt kỹ thuật, thành phố Vatican do Tòa Thánh kiểm soát và được bảo vệ bởi Đội Cận vệ Thụy Sĩ nổi tiếng.
Việc bảo đảm an ninh của Vatican và việc thực thi các nghi lễ của quốc gia này đều do đội vệ binh người Thuỵ Sĩ đảm nhiệm.
Lực lượng Cận vệ Thụy Sĩ đôi khi được gọi là “Quân đội của Vatican” nhưng trên thực tế, họ là vệ sĩ của Giáo hoàng và lính canh cho Thành phố Vatican, chứ gần như không phải là quân đội.
Ai đến thăm Tòa Thánh Vatican đều không thể không ngắm nhìn đội cận vệ Thụy Sĩ cao lớn, oai nghiêm mặc quân phục cổ xưa ba màu vàng lam đỏ, tay cầm giáo dài, chuyên canh gác cổng ra vào của quốc gia nhỏ nhất thế giới này.
Lực lượng Cận vệ Thụy Sĩ
COSTA RICA
Quốc gia Trung Mỹ Costa Rica thường vẫn được ví như một mô hình về sự ổn định tại khu vực từng gặp rắc rối với nhiều cuộc cách mạng và hỗn loạn. Theo Britannica, kể từ cuối những năm 1940, Costa Rica đã không trải qua một cuộc đảo chính hoặc gián đoạn chính trị nào nghiêm trọng.
Hiến pháp Costa Rica không cho phép sự có mặt của quân đội chính quy từ năm 1949. Quốc gia này có một lực lượng công an với nhiệm vụ thực thi pháp luật và đảm bảo an ninh nội bộ. Với lý do này, Costa Rica là nơi đặt trụ sở của Tòa án Nhân quyền liên Mỹ cũng như Đại học vì hòa bình của Liên Hợp Quốc.
Trong trường hợp xuất hiện mối đe dọa quân sự, Costa Rica sẽ dựa vào sự trợ giúp của Mỹ.
LIECHTENSTEIN
Nằm ở vùng núi cao giữa Áo và Thụy Sĩ, Liechtenstein trở thành một quốc gia độc lập kể từ năm 1866. Theo Britannica, mặc dù không có tài nguyên thiên nhiên giá trị, ít nông nghiệp và không có ngành công nghiệp nặng nào nhưng nền kinh tế Liechtenstein phát triển mạnh dựa vào du lịch và ngân hàng.
Đất nước nhỏ bé với khoảng 38.000 dân này đã có GDP trên 6 tỷ USD vào năm 2019 (theo Ngân hàng Thế giới) và thu nhập GDP bình quân đầu người trên 175.000 USD.
Không nền kinh tế nào của Liechtenstein được giao cho quân đội vì theo CIA Factbook, nước này thực tế không có quân đội thường trực.
Thay vào đó, họ có lực lượng cảnh sát quốc gia ở quy mô tương đương với lực lượng cảnh sát của một thị trấn lớn hoặc thành phố nhỏ tại nhiều quốc gia lớn hơn.
Năm 1868, đất nước nhỏ bé này quyết định giải tán quân đội vì cho rằng sự hiện diện của quân đội là không phù hợp. Vào thời điểm đó, quân đội Liechtenstein chỉ có vẻn vẹn 80 người!
Với lực lượng ít ỏi đó, quân đội không thể bảo vệ hay chống lại bất cứ mối đe dọa an ninh nào. Để phòng vệ đất nước, Liechtenstein dựa vào sự trợ giúp của các quốc gia láng giềng là Đức, Áo và Thụy Sĩ.
MONACO
Monaco có lẽ là quốc gia nổi tiếng nhất trong số các tiểu quốc của châu Âu. Theo Britannica, công quốc này được biết đến như một thánh địa của sự sang trọng dọc theo vùng Riviera của Pháp, với các cuộc đua xe hơi cao cấp và các khu nghỉ dưỡng như Monte Carlo hay sòng bạc.
Ngân hàng Thế giới cho biết thu nhập GDP bình quân đầu người của Monaco ở phía bắc là 173.000 đô la.
Do vị trí của mình, Monaco không có quân đội nhưng theo Stars and Stripes, họ có một lực lượng nhỏ được gọi là Carabiniers du Prince, với số lượng chỉ hơn 100 binh sĩ.
Mặc dù lực lượng này được huấn luyện về các cuộc diễn tập và chiến thuật quân sự, nhưng vai trò chính yếu là bảo vệ hoàng tử. CIA World Factbook cũng cho biết, Monaco không có quân đội chính quy. Tất cả các chức năng thực thi pháp luật thường xuyên khác của nó được giao cho lực lượng cảnh sát.
Monaco không có quân đội nhưng có một lực lượng nhỏ được gọi là Carabiniers du Prince, với số lượng chỉ hơn 100 binh sĩ
ICELAND
Theo CIA World Factbook, Iceland không có quân đội chính quy nhưng có lực lượng bảo vệ bờ biển và cảnh sát. Quốc gia Bắc Âu này giải tán quân đội năm 1869.
Iceland là thành viên NATO duy nhất không có quân đội riêng, nhưng có thỏa thuận về đảm bảo an ninh quốc phòng với các nước láng giềng và các thành viên NATO khác.
Mặc dù vậy, Iceland có một hệ thống phòng không, lực lượng gìn giữ hòa bình, lực lượng bảo vệ bờ biển được quân sự hóa và lực lượng cảnh sát được trang bị khá tốt.
PANAMA
Quốc gia Trung Mỹ này có tầm quan trọng đặc biệt đối với Mỹ kể từ đầu thế kỷ 20. Theo Britannica, Panama vốn là lãnh thổ thuộc Colombia nhưng Mỹ muốn xây dựng một con kênh xuyên qua đây để nối Thái Bình Dương với Đại Tây Dương nên Washington đã can thiệp để Panama tuyên bố độc lập vào năm 1903.
Theo CIA World Factbook, ngày nay Panama duy trì trật tự thông qua Cảnh sát Quốc gia Panama (PNP). Lực lượng này có một số đơn vị bán quân sự, chủ yếu để đối phó với các mối đe dọa khủng bố và chống lại nạn buôn bán ma túy bất hợp pháp.
QUẦN ĐẢO SOLOMON
Quần đảo Solomon là một quốc đảo ở Thái Bình Dương không có lực lượng vũ trang, tuy nhiên vẫn bị kẹt trong các tranh chấp địa chính trị. Theo mô tả của Britannica, quần đảo Solomon là địa điểm diễn ra nhiều trận chiến quan trọng trong Thế chiến thứ Hai, đặc biệt là Guadalcanal.
Cảnh sát Hoàng gia Salomon từng có các đơn vị bán quân sự nhưng đã giải tán vào năm 2003 sau cuộc xung đột sắc tộc nội bộ. Hiện nay an ninh nội địa của quần đảo Salomon do Đơn vị Giám sát Hàng hải đảm trách.
Tháng 4/2022, Reuters đưa tin Trung Quốc và Solomon đã ký một hiệp ước hợp tác về cả thương mại, an ninh cũng như các vấn đề khác. Các bản thảo của thỏa thuận cho thấy, Solomon sẽ cho phép Trung Quốc sử dụng cảnh sát riêng của họ để bảo vệ tài sản của Bắc Kinh cũng như cho phép các tàu Trung Quốc tiếp nhiên liệu Solomon.