Căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp liên quan tới hoạt động thăm dò dầu mỏ và khí đốt ở khu vực Địa Trung Hải những ngày qua đã khiến Liên minh châu Âu (EU) không khỏi đau đầu.
Dù đã chuẩn bị các biện pháp chống Thổ Nhĩ Kỳ trong trường hợp tình hình tiếp tục leo thang nghiêm trọng, Liên minh châu Âu vẫn phải rất thận trọng khi giải quyết vấn đề liên quan đến Thổ Nhĩ Kỳ.
Dù rất giận Thổ Nhĩ Kỳ sau khi nước này thông báo kế hoạch mở rộng hoạt động thăm dò gây tranh cãi ngoài khơi duyên hải Tây Nam của đảo Síp từ ngày 18/8 đến 15/9 tới, Liên minh châu Âu vẫn không thể vội vàng triển khai các biện pháp trừng phạt hay tăng cường các biện pháp hiện diện để “răn đe” Thổ Nhĩ Kỳ.
Trái lại, Liên minh châu Âu vẫn chủ trương thuyết phục để Thổ Nhĩ Kỳ phải thay đổi quyết định.
Trong tuyên bố đưa ra hôm qua (16/8), đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu Joseph Borrel đã hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ dừng ngay lập tức hoạt động khai thác khí đốt tại khu vực phía Đông Địa Trung Hải.
Theo ông Joseph Borrel, thông báo mới nhất của Thổ Nhĩ Kỳ đã đi ngược và hủy hoại nỗ lực nối lại đối thoại và đàm phán cũng như theo đuổi giảm căng thẳng lập tức. Ông cũng kêu gọi Thổ Nhĩ Kỹ can dự đầy đủ vào tiến trình đối thoại rộng mở với Liên minh châu Âu.
Không chỉ Liên minh châu Âu, ngay cả các nước thành viên Liên minh châu Âu cũng không khỏi quan ngại về căng thẳng tại khu vực Địa Trung Hải và các động thái của Thổ Nhĩ Kỳ những ngày qua.
Nhiều nước thành viên của Liên minh châu Âu như Đức và Thụy Sỹ đã đề nghị làm trung gian để hòa giải căng thẳng hiện nay giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, xem đây như giải pháp “để xoa dịu cái đầu nóng” của Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay.
Theo đánh giá của giới phân tích, dù rất muốn bảo vệ Hy Lạp – một nước thành viên trong khối, qua đó tăng cường sự đoàn kết nội khối song Liên minh châu Âu cũng không thể vội vàng “hành động nông nổi với Thổ Nhĩ Kỳ”.
Bởi lẽ, với Liên minh châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là “lá bài nhiều giá trị”, nhất là vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc hỗ trợ Liên minh châu Âu giải quyết bài toán người di cư.
Chỉ vài ngày trước, khi Pháp tuyên bố thúc đẩy sự hiện diện trong khu vực vừa là để ủng hộ Hy Lạp vừa là để “răn đe Thổ Nhĩ Kỳ, những tưởng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ “xuống thang” song trái lạị, tình hình khu vực Địa Trung Hải càng “nóng thêm” với tuyên bố cứng rắn từ phía Thổ Nhĩ Kỳ.
Phản ứng về động thái của Pháp, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu hôm qua nhấn mạnh:
“Nếu bạn muốn giải quyết vấn đề, Thụy Sỹ đã dùng một giải pháp vừa mang tính cân bằng, có mục tiêu và có ý định tốt là trung gian hòa giải. Về mặt nguyên tắc, chúng tôi chấp nhận phương pháp này.
Hy vọng, chúng tôi sẽ sớm giải quyết vấn đề trong thời gian tới, chứ không thể dùng các giải pháp như Pháp. Tôi yêu cầu Pháp kiềm chế tránh làm gia tăng căng thẳng”.
Thực tế này cho thấy, nếu “dùng giải pháp cứng rắn” với Thổ Nhĩ Kỳ vào lúc này, Liên minh châu Âu sẽ không thể khiến Thổ Nhĩ Kỳ chùn bước, trái lại còn khiến “khủng hoảng Địa Trung Hải” tiếp tục bùng phát mạnh.
Với những “hành động bộc phát” khó dự đoán của Tổng thống Erdogan, “lá bài người di cư” có thể là chiến thuật Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục sử dụng để gây sức ép với Liên minh châu Âu như trước đây.
Ông Chronis Kapalidis – chuyên gia phân tích viện nghiên cứu Chatham có trụ sở tại Anh nói: “Với cái đầu nóng của Thổ Nhĩ Kỳ lúc này, giải pháp ngoại giao là phù hợp nhất. Bạn không thể thuyết phục bên kia khi hai bên đang tiếp tục đối đầu”.
Còn nhớ, hồi tháng 2 vừa qua, khi Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ cho phép người di cư vượt qua biên giới nước này vào châu Âu, bất chấp thỏa thuận năm 2016 với Liên minh châu Âu, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu ông Josep Borrell đã phải bay ngày sang Ankara để điều đình, kèm theo các ưu đãi về điều kiện thị thực và khoản hỗ trợ thêm 500 triệu euro để Thổ Nhĩ Kỳ giải quyết vấn đề người di cư.
Lần này cũng vậy, căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp dù đang “dậy sóng” song xét cục diện trước mắt và mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, rõ ràng Liên minh châu Âu cũng không thể “nóng vội”.