Cua biển là món hải sản được nhiều người yêu thích bởi độ thơm ngon, tươi ngọt, chắc thịt lại nhiều giá trị dinh dưỡng. Bên cạnh việc tới các nhà hàng hải sản để thưởng thức cua biển, nhiều người chọn cách tự mua cua tươi sống về nhà tự chế biến để tiết kiệm được phần nào chi phí.
Tuy nhiên, không ít trường hợp các bà nội trợ đi mua cua biển cặp phải cảnh những con cua bị buộc đầy những sợi dây dứa, dây thun xung quanh. Thậm chí buộc kín đến nỗi người mua khó có thể nhìn thấy… con cua.
Trên một trang mạng xã hội, bức ảnh về vấn đề này cũng nhận được nhiều sự quan tâm và bàn tán của đông đảo cộng đồng. Số đông đều thắc mắc, mục đích thật sự của việc buộc dây vào những chú cua biển này là gì.
Nhìn vào tấm ảnh, chắc sẽ thật khó để nhận ra đây chính là những chú cua biển bởi chúng được buộc chặt kỹ càng bởi dây thun, dây dứa. (Ảnh Blog Tâm sự)
Nghi ngờ chiêu trò gian lận
Ở phần bình luận của bài viết, nhiều ý kiến cho rằng, việc buộc dây cho cua như thế này là chiêu trò gian lận của những người bán hàng. Nó để gia tăng trọng lượng của cua, cũng như che mắt người mua về những chú cua không còn được tươi ngon:
“Giữ cua thì ít gian lận thì nhiều!
“Mỗi lần thế này là con cua tự nhiên nặng thêm mấy lạng rồi đấy.”
“Buộc thì buộc vừa thôi, chứ buộc chằng chịt thế kia còn chả nhìn thấy cua đâu.”
“Che như kia thì chả biết con nào ươn với con nào tươi, khéo thật.”
Một người mua cũng từng chia sẻ trên trang cá nhân rằng chính bản thân đã từng bị ăn gian lên tới hơn 1kg trọng lượng dây khi đi mua cua. Theo đó, người này được tính tiền tổng gần 5kg cua, khi về đến nhà tháo hết dây ra, chỗ cua chỉ còn 3,6kg.
Người mua “méo mặt” vì bị ăn gian tới hơn 1kg dây buộc cua. (Ảnh Facebook nhân vật)
Trên thực tế, việc buộc dây vào mình cua không phải hiếm gặp. Tùy vào những người bán hàng mà nó sẽ mang những mục đích, ý nghĩa khác nhau chứ không hẳn lúc nào cũng là gian lận.
Giữ chắc càng cua
Cua biển thường được đánh bắt trực tiếp, rồi được tiểu thương mang đến các chợ, siêu thị thực phẩm để cung cấp cho người tiêu dùng. Con cua phải còn sống, tươi, khỏe thì thịt mới chắc, mới bổ. Chính vì cua còn sống, nên cua có thể bò đi nơi khác hoặc dùng càng kẹp, gây ảnh hưởng, nguy hiểm cho người bán cũng như người mua.
Vì vậy, lý do chính cho việc buộc dây là để ngăn chặn việc này.
Ngoài ra, người ta buộc dây vào cua cũng có thể nhằm giữ cho càng cua không bị gãy. Cua bị rụng càng đồng nghĩa là hình thức bên ngoài giảm, dẫn đến người mua không chọn dù giá rẻ vì cho rằng cua không còn tươi.
Bên cạnh đó, trong quá trình vận chuyển, sự va chạm giữa các con cua nhiều, nếu có dây buộc thì nguy cơ càng bị gãy, rụng giảm đáng kể.
Dây được buộc chủ yếu ở phần càng cua, ngăn cho cua di chuyển và ngăn rụng càng. (Ảnh minh họa)
Nhiều tiểu thương cũng giải thích rằng, cua sau khi được bắt lên và bán cho người tiêu dùng dễ xảy ra tình trạng bị khô, mất nước. Việc buộc dây ẩm quanh mình cua cũng giúp giữ ẩm cho cua, để cua được tươi lâu hơn, tránh bị chết.
Tuy vậy, dù là vì mục đích gì, cũng chỉ nên buộc cua một phần nhất định thay vì buộc toàn bộ, che mất hoàn toàn phần cua như hình ảnh được chia sẻ phía trên.
Là người mua hàng và tiêu dùng thông thái, hãy cân nhắc và đưa ra lựa chọn thật chính xác để tránh khỏi những trường hợp “mua bực vào thân”.