Vụ rơi máy bay chở theo 22 người ở Nepal một lần nữa cho thấy mức độ nguy hiểm mà ngành hàng không quốc gia này phải đối mặt. Nepal được xem là một trong những vùng đất đầy rủi ro nhất trên thế giới đối với ngành hàng không.
Chuyến bay của hãng Tara Air đã rơi xuống một ngọn núi nằm trên dãy Himalaya ở độ cao hơn 4.400m vào ngày 29/5. Đây là vụ tai nạn hàng không lần thứ 19 trong vòng 10 năm qua ở Nepal, và là vụ rơi máy bay thứ 10 trong 10 năm qua gây thương vong về người ở Nepal, theo dữ liệu của Mạng An toàn Hàng không.
Các mảnh vỡ từ chiếc máy bay gặp nạn khiến 22 người tử vong ở Nepal. (Ảnh: CNN)
Một chiếc hộp đen đã được thu hồi vào ngày 31/5 sẽ giúp các nhà điều tra tìm hiểu nguyên nhân chính xác dẫn tới thảm kịch.
Chia sẻ với CNN, các chuyên gia nhận định các điều kiện như yếu tố thời tiết thay đổi liên tục, tầm nhìn thấp và địa hình đồi núi vốn được xem là những nguyên nhân chính khiến Nepal được mệnh danh là vùng đất tử thần đối với máy bay.
Ông Binod B.K., một quan chức thuộc Bộ Nội vụ Nepal, cho hay trong vụ tai nạn hôm 29/5, dường như thời tiết xấu là một phần lý do khiến máy bay gặp nạn.
Theo vị quan chức Nepal, thời tiết ở khu vực Pokhara vào lúc máy bay bay qua là “nhiều mây kèm mưa rào có sấm sét”.
Thông tin từ Cơ quan Hàng không Dân sự Nepal cho hay, máy bay của hãng Tara Air khởi hành vào sáng 29/5 từ thành phố Pokhara tới khu du lịch nổi tiếng Jomsom. Nhưng khi mới thực hiện được nửa đường bay, máy bay đã mất liên lạc với đài kiểm soát không lưu.
Thời tiết xấu, tầm nhìn kém và ánh sáng yếu đã cản trở hoạt động tìm kiếm và cứu nạn của quân đội Nepal. Tuy nhiên, bất chấp thời tiết không ủng hộ, những chiếc trực thăng tham gia cứu hộ đã xác định được vị trí của nhiều mảnh vỡ máy bay trong ngày 30/5 và thi thể nạn nhân đầu tiên cũng đã được tìm thấy. Tới ngày 31/5, toàn bộ thi thể nạn nhân đã được thu hồi.
Địa hình nguy hiểm
Yếu tố thời tiết không phải là mối nguy hiểm duy nhất gây ảnh hưởng tới các chuyến bay. Theo bản báo cáo an toàn vào năm 2019 của Cơ quan Hàng không Dân sự Nepal, “địa hình nguy hiểm” ở nước này là một phần trong “thách thức lớn” mà các phi công phải đối mặt.
Nepal, quốc gia có 29 triệu dân, là nơi tọa lạc của 8/14 ngọn núi cao nhất thế giới bao gồm đỉnh Everest. Địa hình núi non hiểm trở chính là yếu tố giúp Nepal thu hút những du khách yêu thích bộ môn đi bộ đường dài.
Nhưng từ trên không, địa hình của Nepal khó có thể xác định được nhất là trong những ngày thời tiết xấu. Điều này càng nguy hiểm khi Nepal thường sử dụng máy bay cỡ nhỏ để tiếp cận các khu vực nằm ở vùng xa xôi hẻo lánh và có địa hình núi non hiểm trở.
Theo Cơ quan Hàng không Dân sự Nepal, các máy bay dưới 19 chỗ ngồi thường gặp tai nạn nếu phải đối mặt với những thách thức như trên.
Thủ đô của Nepal là Kathmandu, trung tâm trung chuyển chính của quốc gia này, cũng là nơi cất cánh thường xuyên của các máy bay cỡ nhỏ.
Ngoài ra, sân bay ở thị trấn Lukla, phía đông bắc Nepal, thường xuyên được liệt vào danh sách sân bay nguy hiểm nhất trên thế giới. Được biết tới là cửa ngõ tới núi Everest, bao quanh sân bay Lukla là địa hình đồi núi dốc đứng. Đường băng ngắn và nằm trên một vách núi, hướng thẳng xuống thung lũng phía dưới.
Một yếu tố nữa khiến Nepal trở thành vùng đất đầy rủi ro với ngành hàng không là do thiếu sự đầu tư vào dàn máy bay đã cũ kỹ.
Dù những năm gần đây, Nepal đã có những cải thiện về chất lượng an toàn hàng không, nhưng thách thức vẫn còn đó.
Như vào năm 2016, một chuyến bay của hãng Tara Air đã gặp nạn khi bay trên cùng tuyến đường của chuyến bay bị va phải núi hôm 29/5.
Còn đầu năm 2018, chuyến bay của hãng US-Bangla Airlines trên hành trình từ Dhaka tới Kathmandu đã gặp tai nạn khi đang hạ cánh và bốc cháy khiến 51/71 người có mặt trên máy bay tử vong.