Giống như hàng triệu phụ nữ Indonesia khác, năm 2014, Sri Rabitah nộp đơn thông qua một công ty môi giới để đi xuất khẩu lao động.
Cô nghĩ mình sẽ được gửi tới một gia đình ở Abu Dhabi thuộc Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE) để làm giúp việc nhưng cuối cùng lại bị điều sang Doha để hầu hạ các khách hàng người Palestine.
Phụ nữ Indonesia tại Trung Đông. (Ảnh: EPA)
Trao đổi với báo chí Indonesia hôm 27/2, Sri Rabitah nói cô chỉ biết chuyện gì xảy ra vào đầu năm nay khi trở về quê nhà ở Lombok và tới bệnh viện để kiểm tra vì bị đau lưng triền miên. Tại đây, các bác sĩ nói cô đã bị mất một quả thận.
Rabitah kể rằng, những người chủ đã yêu cầu cô đi kiểm tra y tế tại một bệnh viện địa phương. Trong thời gian đó, cô đã bị gây mê mà không rõ lý do.
"Họ đã tiêm cho tôi mà chưa được sự đồng ý của tôi. Tại sao đi kiểm tra y tế lại cần phải tiêm cơ chứ? Bác sĩ cho biết sức khỏe của tôi không tốt, nên tôi cần phải nghỉ ngơi", Rabitah nói với trang tin Detik.
Rabitah nhớ đã được đưa tới một căn phòng chứa các dụng cụ y tế. Sau khi tỉnh dậy, cô thấy đau đớn cùng một vết sẹo khó hiểu. Cô cho biết mình chưa từng được giải thích về chuyện gì đã xảy ra.
Cô được đưa trở về nước vì chủ nhà nói rằng cô không phù hợp với công việc.
Muhammad Iqbal, một quan chức ngoại giao, khẳng định trường hợp của Rabitah là một "dấu hiệu rõ ràng" về buôn bán nội tạng và kêu gọi một cuộc điều tra khẩn cấp.
Rabitah sẽ được phẫu thuật vào cuối tuần này. Cô nói rằng sẽ chiến đấu để tìm ra sự thật tới cùng. "Tôi muốn chính phủ kiện thủ phạm. Thận của tôi đã bị đánh cắp", cô quả quyết.
Tháng 5/2015, Indonesia đã ban hành lệnh cấm đưa phụ nữ sang Trung Đông làm giúp việc, sau khi có các báo cáo về ngược đãi. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ vẫn tiếp tục dấn thân sang xứ người để bán sức lao động của mình.