Trước kia, đã từng có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng việc đi học đi làm sớm gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của con người .
Và mới đây, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) tiếp tục công bố một nghiên cứu có thể làm nức lòng phần lớn thần dân của vương quốc "nhất quỷ nhì ma": Học sinh ngủ ít dễ gặp tai nạn do các hành vi bất cẩn và liều lĩnh.
Cụ thể hơn, qua khảo sát trên 50.000 học sinh trung học, các chuyên gia nhận thấy những học sinh ngủ ít hơn 7 tiếng/đêm thường có những hành động thiếu cẩn trọng, như:
Không thắt dây an toàn trên ô tô, không đội mũ bảo hiểm, sẵn sàng ngồi sau xe người say, hoặc vừa lái xe vừa... nhắm mắt uống nước.
Anne Wheaton - nhà dịch tễ học của CDC và là chủ nhiệm nghiên cứu cho biết: "Hầu hết học sinh trung học hiện nay đều không ngủ đủ giấc, và điều này làm tăng nguy cơ gặp các chấn thương hoặc tai nạn không đáng có".
Theo tiến sĩ Alon Avidan - giám đốc Trung tâm rối loạn giấc ngủ tại Los Angeles thì đây là nghiên cứu đầu tiên cho thấy việc thiếu ngủ có thể khiến con người tự đưa mình vào tình huống dễ gặp tai nạn.
Ngoài ra, Avidan cho biết ngủ nhiều cũng không tốt chút nào. Nghiên cứu cho thấy những người ngủ nhiều hơn 10 tiếng/đêm có tỷ lệ gặp tai nạn cao hơn so với những người ngủ 8 - 9 tiếng.
Nguyên nhân là vì những người ngủ quá nhiều cũng có thể bị thiếu ngủ, vì đó có thể là cách họ bù cho những đêm ngủ không ngon giấc. Ngoài ra, ngủ nhiều có liên quan đến khả năng bị trầm cảm, hoặc gặp các chứng đau mãn tính.
Theo một số thống kê, những người trẻ trong xã hội ngày nay đều phải ngủ ít hơn. Họ thiếu ít nhất là 10 tiếng ngủ mỗi tuần và điều này đã trở thành một gánh nặng vô hình cho não bộ của chúng ta.
Nguyên nhân gây thiếu ngủ có thể đến từ nhiều yếu tố, trong đó chủ yếu là vì thức muộn để sử dụng máy tính, xem TV, hoặc sử dụng điện thoại.
Ánh sáng từ những phương tiện này đã được chứng minh là có hại cho giấc ngủ. Ngoài ra, giờ đi học quá sớm cũng là nguyên nhân khiến giấc ngủ học sinh bị gián đoạn.
Theo tiến sĩ Marce Deray - nhà thần kinh học trẻ em tại Miami (Mỹ) - thì nguyên nhân gây thiếu ngủ còn đến từ sự tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo quá nhiều.
Avidan cho biết: "Melatonin là hormone sinh ra trong bóng tối, nên càng tiếp xúc nhiều với ánh sáng đèn, melatonin tiết ra càng chậm, khiến học sinh chỉ buồn ngủ vào tối muộn".
Nguồn: HealthDay