Di chuyển hậu giãn cách: “Xoa dịu” nỗi lo an toàn

Thanh Xuân |

Lăn bánh trở lại hậu giãn cách, những chuyến xe công nghệ mang đến nhiều niềm vui mới cho tài xế lẫn hành khách. Dẫu vậy, an toàn phòng dịch vẫn là yếu tố được ưu tiên hàng đầu.

Gần hai tuần qua, những chuyến xe công nghệ hoạt động trở lại trên đường phố thủ đô mang đến muôn vàn cảm xúc. Các bác tài hoan hỉ, vui không tả nổi vì lại được lăn bánh những chuyến xe mưu sinh, phục vụ hành khách. Sau bao ngày chờ mong, người dùng cũng thở phào vì nay đã được đặt những cuốc xe "nắng không tới mặt, mưa không tới đầu".

Ngày dịch vụ mở lại, hành khách vui chẳng kém bác tài!

Với những người đã có thói quen sử dụng xe hơi công nghệ để đi lại thay phương tiện cá nhân, hơn 80 ngày ở nhà dường như dài hơn bình thường. Nhưng cũng chính họ là người vui mừng nhất trong ngày ô tô công nghệ tái lăn bánh.

Sau khi thủ đô hoà nhịp sống bình thường mới, nhu cầu đi lại tăng mạnh rõ rệt, vốn cũng bởi một thời gian dài đã bị hạn chế, từ đi làm, đi ngân hàng, đi bệnh viện thăm khám, đi gặp khách hàng…

Anh Hữu Thành (36 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: "Vợ mình đang có thai được 22 tuần, khoảng thời gian giãn cách vừa rồi, Grab không hoạt động, mình chỉ có thể chở vợ đi khám bằng xe máy nhưng thực sự không yên tâm lắm. Giờ xe công nghệ được phép chạy lại và có thêm các biện pháp an toàn, chắc chắn mình sẽ đặt chiếc GrabCar 7 chỗ để hai vợ chồng đi cho an toàn".

Bên cạnh đó, một bộ phận hành khách trẻ có nhu cầu sử dụng xe công nghệ để đi làm, tới các quán ăn, quán cà phê, nhất là trong những ngày mưa thì lại "săn" những thông tin về mã giảm giá.

"Sau mấy tháng không dùng app mà hạng thành viên vẫn còn, lại vẫn được giảm 50% cho mỗi chuyến GrabCar, mình mừng lắm. Còn là sinh viên, có mã thì mình dùng thôi, không việc gì phải ngại đúng không?", Châu Anh (21 tuổi, sinh viên ở quận Cầu Giấy) vui mừng.

Diện mạo mới của những cuốc xe an toàn

Mặc dù có ngóng trông, kỳ vọng cao thì tâm lý chung của hành khách khi di chuyển hậu giãn cách còn dè chừng về an toàn phòng dịch. Tuy nhiên, sau hơn hai tuần trải nghiệm những chuyến xe công nghệ với những biện pháp phòng dịch tân tiến, số đông người tiêu dùng đã an tâm hơn phần nào.

Điển hình như ứng dụng Grab, toàn bộ các đối tác tài xế GrabCar ở thủ đô khi hoạt động được yêu cầu đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin phòng Covid-19, xét nghiệm nhanh âm tính với tần suất 7 ngày/lần. 

Ứng dụng cũng thường xuyên nhắc nhở các bác tài thực hiện 5K, tuân thủ các quy định phòng dịch, thoáng khí trên ô tô; khuyến khích trang bị dung dịch sát khuẩn cho bản thân và hành khách. 

Mỗi cuốc xe, các bác tài chỉ chở 50% số ghế để đảm bảo an toàn phòng dịch hơn. Nhiều đối tác tài xế còn chủ động lắp vách ngăn giữa hai hàng ghế nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm khi tiếp xúc trong không gian hẹp.

Di chuyển hậu giãn cách: “Xoa dịu” nỗi lo an toàn - Ảnh 1.

Tài xế xịt khuẩn, vệ sinh chỗ ngồi, vách ngăn, tay nắm cửa… sau mỗi cuốc xe.

"Chuyến xe ngày trở lại mình thấy khác biệt lắm. Trước đây mình hay ngồi lên ghế ngang tài xế để ngắm đường với trò chuyện cùng bác tài cho đỡ buồn. Bây giờ leo lên xe là tự động ngồi sau, đeo khẩu trang. 

Dù hơi khó khăn trong việc giao tiếp với bác tài nhưng lại đảm bảo an toàn. Kết thúc chuyến xe, trước đây bác tài chạy tiếp luôn nhưng hôm trước thấy bác không chạy luôn mà dừng một lúc để khử khuẩn từ băng ghế đến tay cầm cửa, vô lăng. Tỉ mẩn vô cùng, thấy vậy mình cũng an tâm hơn", Minh Đức (25 tuổi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) nói.

Cuộc sống thủ đô nói riêng và cả nước nói chung đang dần lấy lại nhịp sôi động vốn có. Để duy trì sự an toàn phòng dịch, đồng thời vẫn phát triển kinh tế là quá trình nỗ lực của hàng triệu người, từ những việc làm nhỏ nhất như những chuyến GrabCar "sạch" Covid-19 mà ứng dụng Grab cùng các đối tác tài xế nỗ lực mang đến mỗi ngày. 

Tất cả đã góp phần giúp người tiêu dùng được an tâm hơn khi hoà nhịp đời sống "bình thường mới", phát triển kinh tế nhưng vẫn an toàn tránh dịch.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại