Vào ngày 26-4-1986, một sự cố điện đột ngột đã dẫn đến thảm họa kinh hoàng tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở Ukraine, phóng ra môi trường một lượng lớn chất phóng xạ.
Sau thảm họa, ước tính có 115.000 người đã được sơ tán khỏi các khu vực rộng 2.500 km2 bị nhiễm xạ chung quanh nhà máy, được gọi là Khu vực Cách ly Chemobyl. Ước tính 220.000 người cũng sẽ rời đi trong những năm tới.
Trong số những người đã được sơ tán có 49.360 cư dân Pripyat, thị trấn được thành lập vào những năm 1970, là nơi trú ngụ của nhân viên nhà máy điện và gia đình họ.
Ngày nay, Pripyat vẫn là một "thị trấn ma" nhưng nó lại thu hút du khách một cách kỳ lạ.
Năm 2011, chính phủ Ukraine đã mở cửa Khu vực Cách ly cho khách du lịch trên 18 tuổi. Chỉ riêng năm ngoái, khoảng 72.000 người đã đến tham quan khu vực này, mặc dù đây là một trong những nơi bị nhiễm xạ cao nhất trên trái đất.
Khi đến đây, tất cả mọi người đều có cảm giác tò mò và thích thú.
Một số người thích thú với việc đi dạo trong một khu đất hoang tàn. Những người khác tò mò muốn xem cuộc sống đằng sau "bức màn sắt" như thế nào. Sách vẫn chất đống trong các phòng học trống vắng. Những chiếc xe gỉ sét nối đuôi nhau trong công viên giải trí...
Trong những năm sau thảm họa, mức độ phóng xạ cao đã gây ra chết chóc, bệnh tật và đột biến gien cho cả người và động vật trong khu vực. Ngày nay, phần lớn Khu vực Cách ly này đầy rẫy các loài động vật hoang dã - chó sói, cáo, lợn rừng, hươu, nai, thậm chí cả linh miêu.
Mặc dù vẫn còn những điểm "nóng", giới chức Ukraine khẳng định chất phóng xạ ở hầu hết các địa điểm nơi đây đã giảm xuống dưới mức nguy hiểm và ngày càng nhiều công ty cung cấp các tour du lịch đến khu vực này.