Ông Keir Starmer (bên trái) có chuyến thăm chính thức đến Đức đầu tiên kể từ khi nhậm chức Thủ tướng Anh
Ông Keir Starmer đã đến Đức vào ngày 28/8, chuyến thăm song phương đầu tiên của ông kể từ khi nhậm chức Thủ tướng Anh cách đây 7 tuần.
Ông Starmer đã gặp người đồng cấp Đức Olaf Scholz một vài lần kể từ khi ông trở thành Thủ tướng Anh. Trước đó, vào đầu tháng 7, cả hai đều tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại Washington và Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị châu Âu tại Anh.
Đảng Lao động của ông Starmer đã giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử ngày 4/7 với đa số phiếu tại Quốc hội, giúp ông trở thành Thủ tướng Anh. Chuyến thăm Đức lần này của ông Starmer diễn ra ngay sau làn sóng bạo loạn chống người nhập cư gần đây ở Anh, điều mà các quan chức cho rằng là do các thành phần cực hữu và thông tin sai lệch kích động.
Xây dựng lại mối quan hệ của Anh với EU và Đức
Vương quốc Anh chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu vào năm 2020 (Brexit), nhưng vẫn là thành viên của NATO và nhóm G7 gồm các nền dân chủ công nghiệp và nhóm G20 gồm các cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới.
Ông Starmer đã cam kết xây dựng lại lòng tin với các đồng minh châu Âu vốn đã bị tổn hại do Brexit. Thời điểm lãnh đạo của ông Starmer có thể mang tính biểu tượng vì người tiền nhiệm Rishi Sunak từng đợi 18 tháng nhậm chức trước khi đến thăm Berlin. Tuy nhiên, mặc dù tuyên bố sẽ "thiết lập lại" mối quan hệ với EU, ông vẫn loại trừ khả năng tái gia nhập khối này.
Thủ tướng Starmer cho biết ông muốn nước Anh vượt qua mối quan hệ bất hòa của chính phủ Bảo thủ trước đây với các đồng minh châu Âu (Ảnh: AP)
"Điều đó không có nghĩa là sẽ đảo ngược Brexit hoặc tái gia nhập thị trường chung hay liên minh thuế quan nhưng Anh sẽ cố gắng duy trì mối quan hệ chặt chẽ hơn trên một số mặt trận", Thủ tướng Starmer cho biết tại một cuộc họp báo sau các cuộc hội đàm với ông Scholz.
Chính phủ Thủ tướng Starmer cho biết trước chuyến đi rằng việc tăng cường quan hệ với Đức là "rất quan trọng" để giải quyết vấn đề di cư bất hợp pháp và "thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên khắp lục địa và đặc biệt là ở Vương quốc Anh".
Tại buổi họp báo cùng ông Scholz, ông Starmer đã công bố một hiệp ước mới giữa Anh và Đức, nhấn mạnh đây là "cơ hội nghìn năm có một để mang lại lợi ích cho người lao động ở Anh và Đức", đồng thời thúc đẩy "mối liên kết sâu sắc hơn về khoa học, công nghệ, phát triển, con người, kinh doanh và văn hóa". Ông Starmer tin rằng hiệp ước sẽ mang lại thành quả quý giá nhất cho cả hai quốc gia là "tăng trưởng kinh tế". Hiệp ước này dự kiến sẽ được hoàn tất trước cuối năm.
Không có quyết định mới về hỗ trợ vũ khí cho Ukraine
Hai Thủ tướng Anh và Đức cũng thảo luận về việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Cả hai quốc gia đều chịu áp lực về việc viện trợ cho Kiev trong việc chống lại Nga.
Tại buổi họp báo, ông Starmer cho biết "không có quyết định mới hoặc khác nào được đưa ra" về việc sử dụng vũ khí của Anh hoặc Đức gửi đến Ukraine nhưng chính phủ của ông đang theo đuổi chiến lược của chính phủ tiền nhiệm trong việc hỗ trợ Kiev, phù hợp với cách tiếp cận của các đồng minh quan trọng khác, bao gồm cả Đức.
Thủ tướng Starmer cho biết Vương quốc Anh vẫn cam kết sát cánh cùng Ukraine. Về phần mình, ông Scholz nhắc lại sự ủng hộ liên tục của Berlin đối với Kiev, đồng thời nói rằng: "Về vấn đề cung cấp vũ khí, không có quyết định mới nào từ Đức".
Các đồng minh phương Tây đã phản ứng thận trọng trước cuộc xâm nhập gần đây của Ukraine vào khu vực Kursk của Nga.
Mối quan tâm chính của các đồng minh Ukraine là việc vũ khí của họ sử dụng trên đất Nga có thể dẫn đến cuộc đối đầu trực tiếp với Moscow. Đức hiện là nước đóng góp viện trợ lớn thứ hai cho Ukraine sau Mỹ nhưng nước này có thể cắt giảm khoản viện trợ vào năm tới.