Nhiều người trong số chúng ta có thói quen bật đèn ngủ vào ban đêm, hoặc chuyển đèn trong phòng ngủ về chế độ tối, bật đèn hắt trên trần thạch cao trong khi ngủ.
Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đăng trong Kỷ yếu Viện Hàn lâm Khoa học Hoa Kỳ cho biết đây là một thói quen không tốt cho sức khỏe. Cụ thể, ánh sáng từ đèn ngủ dù yếu vẫn có thể chiếu xuyên qua mí mắt của bạn.
Những tia sáng này đủ để tạo ra rất nhiều sự thay đổi tinh tế trong cơ thể bạn. Nó khiến nhịp tim của bạn tăng lên, giảm hoạt động insulin từ đó làm tăng đường trong máu.
Tác giả nghiên cứu, tiến sĩ Phyllis Zee, giám đốc Trung tâm Y học Đồng hồ sinh học và Giấc ngủ tại Trường Y Feinberg, Đại học Northwestern, cho biết: Vào ban đêm, nhịp tim của chúng ta thường hạ xuống. Nó đập chậm lại trong khi não bộ sửa chữa các hao tổn mà cơ thể hoạt động ban ngày tạo ra.
Nhịp tim tăng cao vào ban đêm đã được nhiều nghiên cứu chỉ ra là một yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tim và tử vong sớm trong tương lai. Trong khi đó, lượng đường trong máu cao là một dấu hiệu của tình trạng kháng insulin, một yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tiểu đường type 2.
Điều gì xảy ra nếu bạn để đèn khi ngủ?
Nghiều nghiên cứu trước đây đã tìm thấy mối liên hệ giữa ánh sáng nhân tạo vào ban đêm với những hiệu ứng bất lợi cho sức khỏe nếu bạn tiếp xúc với chúng bao gồm: gián đoạn chức năng trao đổi chất, bài tiết hormone insulin, sự phát triển của bệnh tiểu đường, nguy cơ tim mạch, tăng cân và béo phì…
"Cụ thể thì tại sao việc bật đèn ngủ lại ảnh hưởng đến các chức năng trao đổi chất? Liệu thói quen này có thể giải thích xu hướng gia tăng tỷ lệ mắc tiểu đường và béo phì trong dân số hiện nay hay không?", tiến sĩ Zee nói.
Để trả lời những câu hỏi đó, cô và nhóm của mình sau đó đã tiến hành một số thí nghiệm. Họ chọn ra 20 người khỏe mạnh trong độ tuổi 20-30, những người sẵn sàng dành ra 2 đêm để ngủ trong phòng thí nghiệm.
Đêm đầu tiên, các tình nguyện viên sẽ ngủ trong một căn phòng hoàn toàn tối. Tiến sĩ Zee mô tả: "Bạn sẽ không thể nhìn thấy bất cứ thứ gì trong đó nếu bạn mở mắt".
Các nhà khoa học đã chuẩn bị cho mỗi tình nguyện viên một loạt các thiết bị đeo để theo dõi những chỉ số khách quan của giấc ngủ như nhịp tim, nhịp thở, sóng não...
Đặc biệt, các tình nguyện viên còn được gắn một ống thông tĩnh mạch, để các nhà khoa học có thể rút máu của họ trong khi ngủ và làm các xét nghiệm. Ống thông này được cài đặt một cách khéo léo để không khiến tình nguyện viên bị đau hoặc bị khó chịu khi ngủ. Về cơ bản, họ sẽ bị rút máu mà không hề hay biết.
"Chúng tôi đã ghi lại sóng não của các tình nguyện viên, thứ có thể cho biết họ đang ở trong giai đoạn nào của giấc ngủ. Chúng tôi cũng đã ghi lại nhịp thở, nhịp tim, điện tâm đồ của họ, lấy máu từ họ để đo nồng độ melatonin khi họ đang ngủ", tiến sĩ Zee nói.
Melatonin là một loại hormone điều chỉnh nhịp sinh học của cơ thể. Thường khi tiếp xúc với bóng tối, não bộ sẽ tiết ra rất nhiều melatonin để khiến bạn cảm thấy buồn ngủ và ngược lại.
Trong đêm thứ hai tại phòng thí nghiệm, 20 tình nguyện viên được chia thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất sẽ tiếp tục ngủ trong phòng tối hoàn toàn. Trong khi, nhóm thứ hai sẽ ngủ với một ngọn đèn yếu.
Tiến sĩ Zee mô tả ánh sáng đó gần tương đương với "một ngày rất, rất tối, nhiều mây hoặc giống như ánh đèn đường chiếu qua cửa sổ". Mặc dù tất cả tình nguyện viên đều ngủ với đôi mắt nhắm nghiền, nhưng ước tính, vẫn có khoảng 5-10% lượng ánh sáng này xuyên được qua mí mắt của họ.
Vậy hậu quả của điều đó là gì?
Trong khoảng thời gian theo dõi, tiến sĩ Zee và các đồng nghiệp nhận thấy những tình nguyện viên trong nhóm ngủ với ngọn đèn có nhịp tim cao hơn, mức kháng insulin cũng gia tăng.
Hệ thần kinh giao cảm (chịu trách nhiệm cho phản ứng cảnh giác) và hệ thần kinh đối giao cảm (giúp bạn nghỉ ngơi, thư giãn) đã bị mất cân bằng. Sự mất cân bằng này có thể gây ra nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp.
Như vậy, chỉ một lượng ánh sáng nhỏ ban đêm lọt qua mí mắt cũng có thể ảnh hưởng tới nhiều thông số sức khỏe của giấc ngủ. Tiến sĩ Zee cho biết chỉ có nồng độ melatonin trong cơ thể các tình nguyện viên là không đổi.
Vậy lời khuyên dành cho chúng ta sau nghiên cứu này là gì?
Tiến sĩ Zee cho biết tốt nhất vào ban đêm, bạn nên tắt hết tất cả các thiết bị có thể phát ra ánh sáng. Hãy đóng rèm cửa để đảm bảo ánh sáng bên ngoài không thể lọt vào nhà.
Nếu phòng bạn có đèn ngủ, hãy quan niệm rằng đó là chiếc đèn để bạn bật vào buổi tối, để chuẩn bị cho giấc ngủ, chứ không phải để bật khi đang ngủ.
Tốt nhất, hãy sử dụng đèn ngủ hoặc đèn ban đêm dưới sàn thấp, không đặt chúng ở vị trí cao hoặc ngang tầm mắt. Ngoài ra, hãy cài đặt đèn ban đêm của bạn ở mức yếu nhất.
"Hãy đảm bảo rằng bạn bắt đầu giảm độ sáng đèn ít nhất một hoặc hai giờ trước khi đi ngủ, điều này sẽ chuẩn bị cho bạn một môi trường tốt trước giấc ngủ", tiến sĩ Zee nói.
Ngoài ra, cô cũng lưu ý về nhiều loại ánh sáng nhân tạo trong phòng ngủ của bạn. Tiến sĩ Zee cho biết phòng ngủ không nên có các thiết bị phát ra ánh sáng xanh lam, chẳng hạn như TV, điện thoại thông minh, máy tính bảng và máy tính xách tay.
"Ánh sáng xanh là loại ánh sáng kích thích nhất", cô nói. "Nếu bạn phải bật đèn vì lý do an toàn, hãy thay đổi màu sắc. Bạn nên chọn đèn có tông màu nâu đỏ hoặc nâu tối". Còn nếu bạn vẫn muốn bật đèn khi ngủ, hãy cân nhắc mua một miếng bịt mắt.