Dù sát cánh bên nhau hỗ trợ Tổng thống Bashar al-Assad suốt 7 năm qua nhưng Nga và Iran có những lợi ích đối lập nhau và hiện cạnh tranh nhau "miếng bánh tái thiết" Syria sắp tới – có thể bao gồm các nguồn dự trữ dầu mỏ cũng như thế kiểm soát chính trị của Syria sau này.
Căng thẳng ở Syria leo thang hôm 28-8 khi Nga tăng cường lực lượng hải quân về phía bờ biển Syria, trùng thời điểm Tổng thống Assad có thể đang chuẩn bị tấn công vào tỉnh Idlib (vùng lãnh thổ lớn cuối cùng ở Syria còn nằm trong tay quân nổi dậy).
Truyền thông Nga gọi đây là lần triển khai hải quân hùng hậu nhất kể từ khi Nga can thiệp vào chiến cuộc Syria năm 2015.
Các tàu hải quân Nga Nikolai Filchenkov... Ảnh: Reuters
...và Vishny Volochek đi qua eo biển Bosphorus ở Thổ Nhĩ Kỳ để đến Địa Trung Hải hôm 24-8. Ảnh: Reuters
Trong khi Nga tăng cường hải quân, Syria lại vừa ký một thỏa thuận an ninh mới với Iran nhân chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Iran thăm Damascus hồi đầu tuần này. Một phần thỏa thuận nêu rõ Iran sẽ hỗ trợ Syria gầy dựng lại các ngành công nghiệp quốc phòng và quân sự.
"Đống đổ nát khổng lồ Syria" cũng có thể đem lại nguồn lợi tài chính tương lai cho Iran, theo báo Haaretz, nhất là khi Iran đang bị Mỹ trừng phạt kinh tế.
Theo tờ báo của Israel, một trong những mục tiêu của Iran là kiểm soát ngành công nghiệp viễn thông Syria - tuy bị thiệt hại nặng do chiến tranh nhưng chưa sụp đổ hoàn toàn.
Ông Matthew Brodsky, chuyên gia về Trung Đông của Nhóm Nghiên cứu an ninh (Mỹ), gần đây chỉ ra Iran và Syria đã ký các thỏa thuận viễn thông. Ngoài mối lợi kinh tế, nắm được ngành này còn giúp Iran kiểm soát các đầu mối thông tin.
Cũng theo ông Brodsky, Iran còn có thể được khai thác các mỏ phốt-phát ở Syria cũng như đã thuê đất ở các tỉnh Homs and Tartous (nhiều khả năng dùng để xây dựng các trạm dầu mỏ và khí đốt), chuyển đổi đất nông nghiệp (vốn bị bỏ hoang sau khi người dân Syria bỏ đi tị nạn)...
Dù vậy, một mình Iran khó lòng tái thiết Syria mà vẫn cần nhiều nước khác dốc tiền bác vào, chủ yếu từ Trung Quốc và các nước châu Âu, vùng Vịnh. Hy vọng này cũng không dễ dàng gì khi nhiều cựu quan chức và các tổ chức nhân quyền châu Âu kêu gọi không đầu tư tái thiết Syriai cho đến khi tình hình nước này được cải thiện.