Đèn “cổ ngoéo” và chuyện về trận phục kích đoàn xe cơ giới Mỹ

Trần Thanh Hằng |

“Đèn này ngoài Bắc gọi là đèn pin, còn trong Nam cánh lính chúng tôi gọi là đèn cổ ngoéo. Chiếc đèn này không giống như những chiếc đèn pin thông thường, đầu đèn không thẳng mà uốn theo hình thước thợ. Gọi là cổ ngoéo chính là đặc điểm này” – Đại tướng Lê Văn Dũng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam chia sẻ khi trao tặng kỷ vật cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Đại tướng Lê Văn Dũng (tên thật là Nguyễn Văn Nới) sinh năm 1945 tại Phong Mĩ, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Năm 1963, ông nhập ngũ, trở thành chiến sĩ Trinh sát, sau đó là Đại đội phó của Đại đội 12, Tiểu đoàn 3, Đoàn Q761 (tức Đoàn Bình Giã).

Trong một dịp được gặp Đại tướng Lê Văn Dũng, đoàn cán bộ Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam may mắn được tiếp nhận chiếc đèn “cổ ngoéo”, kỷ vật gắn với trận phục kích đoàn xe cơ giới Mỹ của ông.

Giọng Bến Tre ấm áp, cởi mở của vị tướng giúp chúng tôi hiểu công dụng của chiếc đèn pin “cổ ngoéo”, hiểu về những khó khăn, gian khổ cũng như chiến công của Đại đội 12, đại đội chủ công của Tiểu đoàn 3 năm xưa. Đó là chiếc đèn làm bằng nhựa cứng, nhẹ, bền, trên thân đèn những ký hiệu Mx-991/U US Brigt Star Trade Mark Red.

Ông chậm rãi giải thích cho chúng tôi hiểu tường tận: “Thực ra, nó là loại đèn dùng bằng pin để phát ra ánh sáng, có điều khi sản xuất ra loại đèn này đưa sang Việt Nam, Mỹ đã nghiên cứu chất liệu, cấu tạo của đèn phù hợp với điều kiện khí hậu, địa bàn tác chiến của lính Mỹ ở xứ sở nhiệt đới nóng ẩm, sông nước.

Ở chiến trường, chiếc đèn pin rất cần cho người lính ở cả hai phía khi đi trinh sát, hành quân trong đêm tối”.

Đèn “cổ ngoéo” và chuyện về trận phục kích đoàn xe cơ giới Mỹ - Ảnh 1.

Đại tướng Lê Văn Dũng (thứ 2 từ trái qua) trong một dịp thăm và làm việc tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ảnh BTLSQSVN.

Ông kể tiếp: “Năm 1968, ta mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Đợt 1, Đại đội 12 là đơn vị chủ công của Tiểu đoàn 3 tham gia tập kích trung tâm huấn luyện Quang Trung, một căn cứ quân sự lớn của Mỹ-nguỵ.

Trận này Đại đội 12 lập công lớn góp phần cùng Trung đoàn loại khỏi vòng chiến đấu 856 tên, bắn rơi 23 máy bay, bắn hỏng 56 xe quân sự, phá huỷ 2 khẩu pháo, thu 115 súng các loại.

Sau đợt 1, theo quyết định của Sư đoàn 9, Trung đoàn 1 tập trung củng cố, bổ sung quân số, trang bị chuẩn bị các đợt tiến công mới. Sau một thời gian huấn luyện, đơn vị được lệnh tham gia phục kích một đoàn xe cơ giới Mỹ thuộc Sư đoàn bộ binh số 25 mang tên “Tia chớp nhiệt đới”, một trong những sư đoàn nổi tiếng nhất của Mỹ.

Đêm ngày 23/3/1968, đơn vị hành quân chiếm lĩnh trận địa và ém quân tại xã An Tịnh chờ địch. Hai ngày sau, đoàn xe cơ giới của Mỹ gồm xe tăng, xe bọc thép, xe chở quân hùng xuất hiện trên đường số 1.

Chúng không ngờ phía trước, Quân giải phóng đang chờ chúng đến. Chờ cho xe địch lọt vào giữa trận địa, những quả đạn B-40 bay khỏi nòng lao về phía mục tiêu. Chiếc xe đi đầu, xe thứ hai rồi các xe sau khựng lại vì trúng đạn. Đội hình địch rối loạn và bị diệt gọn. Một chiếc xe GMC chở lính Mỹ trên xe chạy đúng vào hướng đội hình phục kích của Đại đội 12.

Loạt đạn B-40 bắn trúng đầu khiến xe đâm sầm vào gốc cây. Cây đổ, bọn lính Mỹ trên xe bỏ chạy, đơn vị tiếp tục truy kích địch. Trận này, Đại đội 12 đã góp phần cùng Trung đoàn 1 phá huỷ 52 xe có 40 xe tăng, xe bọc thép, diệt gần 500 tên Mỹ. Quân ta thu được rất nhiều chiến lợi phẩm vũ khí trang bị và đồ dùng quân sự.

Đèn “cổ ngoéo” và chuyện về trận phục kích đoàn xe cơ giới Mỹ - Ảnh 2.

Chiếc đèn “cổ nghoéo”, kỷ vật của Đại tướng Lê Văn Dũng. Ảnh BTLSQSVN.

Kể đến đây, vị tướng nheo mắt nghĩ ngợi: “Đây là 1 trong số 7 chiếc đèn thu được của lính Mỹ trong trong trận này. Tiểu đoàn 3 trang bị cho Đại đội phó Đại đội 12 một chiếc sử dụng chiến đấu. Từ năm 1968 cho đến khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ và sau này làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Cam-pu-chia, chiếc đèn này cùng tôi lăn lộn khắp các chiến trường.

Nó giúp tôi soi đường khi hành quân đêm, soi bản đồ khi nghiên cứu địa hình tác chiến. Nói đến đây, ông cười lớn rồi xoáy đuôi đèn lấy ra 3 miếng kính trắng, đỏ và xanh.

Chúng tôi sử dụng kính màu của đèn là quy ước của người chỉ huy, lắp kính trắng vào để soi bản đồ khi đêm cho rõ, lắp kính xanh làm ám hiệu hành quân trên đường nếu không có gì trở ngại còn lắp kính đỏ chớp liền 3 cái làm tín hiệu tấn công hay báo hiệu có địch, người ở đầu kia chớp hai cái là báo hiệu nhận được ám hiệu…

Nhiều trận đánh lớn, đơn vị chúng tôi phải hành quân hàng mấy chục km, vượt qua tuyến phòng thủ của địch, hành quân chủ yếu vào đêm. Trên đường chúng tôi phải vượt qua nhiều kênh rạch, nhiều cánh đồng trống trải, nhờ có chiếc đèn tôi và đồng đội của tôi đã vượt qua mọi thử thách gian nan, hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc.

Chiếc đèn đã gắn với tôi nhiều kỷ niệm trên chiến trường miền Đông và trên đất bạn Cam-pu-chia, khắc ghi trong tôi những trận chiến đấu ác liệt, những đồng đội của tôi đã ngã xuống để có được ngày hòa bình thống nhất hôm nay.

Chiếc đèn kỷ vật nay trở thành hiện vật được lưu giữ và phát huy giá trị tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại