Năm 2019, sự thú vị và mới lạ dường như đã trở lại với dòng sản phẩm smartphone khi các ông lớn như Samsung, Huawei hay OPPO lần lượt đưa người yêu công nghệ từ bất ngờ này đến bất ngờ khác với các mẫu điện thoại màn hình dẻo, có thể gấp mở được của mình.
Câu hỏi đặt ra là đến bao giờ thì Apple cũng chạy theo xu hướng này với chiếc iPhone của mình bởi nếu smartphone dẻo thành công, Apple cũng không thể bị bỏ lại đằng sau quá xa được.
Ảnh dựng iPhone có màn hình dẻo.
Có khá nhiều bằng chứng cho thấy thực tế Apple cũng đang quan tâm đến những chiếc điện thoại dẻo, có thể gập mở được. Ông lớn công nghệ này theo đó đã có hồ sơ sáng chế điện thoại dẻo đầu tiên đề trình từ năm 2011.
Khi đó, Apple phác thảo một thiết bị có phần bản lề có thể gập mở tương tự như cách Samsung thực hiện với Samsung Galaxy Fold. Hồ sơ sáng chế đầu tiên liên quan đến điện thoại dẻo của Apple được Văn phòng Thương mại và Sáng chế Mỹ thông qua vào năm 2014. Thời điểm đó, Apple đăng ký một bản vẽ sản phẩm thể hiện chi tiết hơn ý tưởng của mình.
Thế nhưng, “táo khuyết” dường như có một tham vọng lớn hơn. Một hồ sơ sáng chế khác của Apple được My Smart Price phát hiện cho thấy một thiết bị dẻo có phần màn hình linh hoạt đến mức có thể tạo thành các hình khối khác nhau.
Hồ sơ sáng chế táo bạo Apple từng đăng kí cho thấy một thiết bị có màn hình tạo được thành nhiều hình dạng khác nhau.
Thế nhưng, để hiện thực hoá ý tưởng của mình, Apple phải vượt qua khá nhiều thách thức.
Đầu tiên và quan trọng nhất chính là vấn đề về màn hình. Có thể bạn cũng đã biết Apple hiện đang phụ thuộc nhiều vào Samsung trong việc cung ứng màn hình OLED cho những chiéc iPhone mới.
Và theo một báo cáo do Business Insider dẫn lời các nhà phân tích Goldman Sachs cho biết Samsung hiện chưa sẵn sàng chia sẻ công nghệ màn hình dẻo của mình, nhất là cho đối trọng lớn nhất Apple.
Cùng thời điểm, Apple được cho là đã lựa chọn LG như một đối tác cung ứng màn hình thứ hai. LG hiện đã thử nghiệm công nghệ màn hình dẻo của mình trên sản phẩm TV. Tuy nhiên, có lẽ sẽ còn mất thêm một thời gian nữa để LG có thể áp dụng công nghệ này lên các sản phẩm điện thoại.
Điện thoại dẻo Samsung Galaxy Fold của Samsung sẽ ra mắt vào ngày 26 tháng 4 cùng giá thành 1.980 USD.
Vấn đề thứ hai Apple phải đối mặt liên quan đến một số chất liệu đặc thù. Ở thời điểm hiện tại, hầu hết điện thoại dẻo được công bố đền dùng chất liệu nhựa để phủ lên màn hình. Apple trong khi đó hiện đang phủ kính lên màn hình của mình (cụ thể là kính đến từ Corning).
CNET đặt ra vấn đề Apple sẽ từ chối phủ nhựa lên màn hình iPhone và đồng nghĩa với việc hãng này sẽ phải chờ đợi cho tới khi các chất liệu kính phủ màn hình dẻo được tạo ra. Corning thực tế đang nghiên cứu loại kính này, tuy nhiên sẽ phải mất thời thời gian đến chúng có được độ dẻo như những gì nhựa mạng lại.
Cuối cùng, Apple sẽ gặp khó với vấn đề trải nghiệm người dùng. Apple theo đó sẽ không cho ra mắt iPhone dẻo, gấp mở được cho tới khi phần mềm đi kèm hỗ trợ nó một cách hoàn hảo. Điều này có nghĩa là Apple sẽ phải cung cấp cho các nhà lập trình nhiều công cụ để phát triển ứng dụng cho iPhone dẻo trước khi nó được ra mắt.
Apple sẽ không ra mắt một sản phẩm cho tới khi hệ sinh thái hay phần mềm đi kèm với nó đã tương đối hoàn thiện.
Vì tất cả những lý do nói trên, nhiều trang công nghệ nhận định Apple sẽ không sớm ra mắt iPhone dẻo. Lần này, Apple có lẽ sẽ lại là một kẻ đi sau, nhưng sự chậm chắc này sẽ hoàn toàn xứng đáng cho người dùng chờ đợi.