Đề xuất thiến hóa học "yêu râu xanh"

Vy Thư |

Để hạn chế đến mức thấp nhất những vụ việc xâm hại tình dục trẻ em, nhiều ý kiến đề xuất thay đổi công tác tuyên truyền cho phù hợp thực tiễn; nên gắn camera ở nhưng nơi công cộng, trong trường học, những nơi vắng...; thậm chí áp dụng biện pháp thiến hóa học.

Ngày 19-4, Ban VHXH HĐND TP HCM tiếp tục giám sát về tình hình triển khai thực hiện công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em (XHTE) tại UBND huyện Hóc Môn.

Tại buổi giám sát, các đại biểu HĐND TP đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi XHTE; công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ về công tác bảo vệ trẻ em; phòng, ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi bạo lực, XHTE; việc phối hợp giữa các đoàn thể, cơ quan ban ngành liên quan; những khó khăn, vướng mắc trong tiếp nhận, điều tra, xử lý đối tượng XHTE...

Theo đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Hóc Môn, thực tế khi phát hiện có vụ XHTE, sự phối hợp với gia đình nạn nhân, cơ quan công an, các cơ quan liên quan còn khó khăn, chưa đồng bộ.

Nguyên nhân do sau khi cơ quan công an vào cuộc, gia đình ngại hợp tác (không muốn cho tiếp cận trẻ), cung cấp thông tin dè dặt (nhất là khi đối tượng xâm hại là người thân quen). Về phía cơ quan Nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng , việc phối hợp còn chưa đồng bộ.

Về công tác tuyên truyền, đại diện Hội LHPN huyện cho rằng huyện Hóc Môn đã làm rất nhiều, bằng nhiều hình thức, nhiều thời điểm nhưng chất lượng tuyên truyền còn hạn chế do người dân thờ ơ, chỉ khi nào sự việc xảy ra với mình và gia đình thì mới quan tâm.

Ngoài ra còn do đội ngũ làm công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em hạn chế kinh nghiệm, kỹ năng; kiến thức pháp luật thiếu cập nhật.

"Cần phải thay đổi phương thức tuyên truyền phù hợp, làm sao việc tuyên truyền phải phải trở thành nội dung chính chứ không phải là những hoạt động ngoại khoá, được chăng hay chớ.

Bởi biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất chính là nâng cao nhận thức, trang bị kỹ năng tự bảo vệ cho phụ huynh, trẻ em trong việc phòng, chống xâm hại"- đại diện Hội LHPN huyện nêu ý kiến.

Trong khi đó, theo đại diện Phòng LĐTBXH huyện, điều khó khăn hiện nay chính là sau khi sự việc xảy ra, có quá nhiều cơ quan đến thăm hỏi, thu thập thông tin hoặc khi cơ quan điều tra yêu cầu trẻ đến xác định lại hiện trường để điều tra (trong những trường hợp đối tượng xâm hại không thừa nhận hành vi phạm tội), làm ảnh hưởng tâm lý của trẻ nên gia đình không muốn hợp tác.

Đề xuất thiến hóa học yêu râu xanh - Ảnh 1.

Cách tuyên truyền cần phải trực quan, sinh động, dễ hiểu, dễ nhớ

Còn theo đại diện Công an huyện Hóc Môn, khó khăn trong các vụ xâm hại tình dục trẻ em là do nhiều vụ việc xảy ra đã lâu, không có chứng cứ, nhân chứng.

Thậm chí giám định pháp y xác định có ADN của đối tượng nhưng nếu nằm ở ngoài âm hộ thì cũng chưa thể khẳng định đối tượng có xâm hại (vì có thể dùng chung khăn, mặc chung quần...); rồi ADN không đủ để đối chiếu với mẫu ADN của đối tượng...

Ngoài ra, nhận thức trong đánh giá chứng cứ giữa CQĐT, VKSND, TAND khác nhau cũng gây khó khăn trong việc có khởi tố, truy tố, xét xử.

"Bên cạnh việc tuyên truyền, phải tấn công để ngăn ngừa bằng việc gắn camera ở những nơi có nguy cơ; xử nghiêm đối tượng XHTE; thậm chí nên chấp thuận dùng biện pháp thiến hóa học . Phải tách con sói khỏi con gà bằng những giải pháp mạnh tay"- vị cán bộ này nói.

Đồng quan điểm, Phó Công an huyện Hóc Môn Trương Minh Đức cho rằng để kéo giảm các vụ XHTE, phải nêu cao trách nhiệm người đứng đầu. Ví dụ nếu hộ nuôi dạy trẻ có vấn đề xảy ra thì chủ tịch, phó chủ tịch xã phải chịu trách nhiệm do thiếu kiểm tra, giám sát, cảnh báo...

Bên cạnh đó triển khai gắn camera những nơi công cộng, trường học, những nơi vắng... Phải phòng ngừa trước, đừng để "mất bò mới lo làm chuồng". Ngoài ra, nên có cơ quan chuyên trách để chịu trách nhiệm rõ ràng mới nâng cao công tác phòng, chống.

Nói về cách tuyên truyền trong thời gian qua, Phó Bí thư Thành Đoàn TP HCM Phan Thị Thanh Phương, cho rằng hiện nay việc tuyên truyền thường được thực hiện theo phương thức mời người dân lên họp rồi phổ biến.

Cách làm này hiệu quả không cao. Cần thay đổi cách tuyên truyền, đem vấn đề muốn tuyên truyền xuống khu dân cư, tận nhà dân, đến nơi người dân cần và phải làm ngoài giờ.

Đối tượng tuyên truyền ở trường học đa phần là học sinh cấp 2, trong khi trẻ bị xâm hại rơi vào học sinh tiểu học rất nhiều. Đây là khoảng hở nguy hiểm mà cán bộ chuyên trách cần quan tâm bổ sung đối tượng trong hoạt động tuyên truyền.

Phó Bí thư Thành Đoàn cũng cũng cho rằng sự phối hợp giữa các đoàn thể, sở ngành liên quan chưa tốt, mỗi đơn vị đều hoạt động và có kế hoạch độc lập, thiếu sự liên kết, phối hợp, phân vai dẫn đến chồng lấn, bối rối trước 1 vụ việc XHTE xảy ra.

Tại buổi giám sát, phần đông ý kiến đại biểu cho rằng cần cung cấp cho người dân biết cụ thể quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin về trẻ em bị xâm hại: Báo cho ai? Số điện thoại nào? thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các buổi tuyên truyền, áp phích...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại