Nhiều nước đã áp dụng
Liên tiếp các vụ việc xâm hại tình dục xảy ra đối với các bé gái trong thời gian qua đã khiến dư luận rất bức xúc và lo lắng.
Để nhằm giúp ngăn chặn, giảm khả năng phạm tội, trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Thị Bích Điệp (Hà Nội, đang tham gia chương trình nghiên cứu quốc tế nhằm đóng góp, xây dựng pháp luật tại Việt Nam) đã đề xuất áp dụng biện pháp thiến hóa học đối với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.
''Bản thân tôi là một người mẹ, mấy ngày nay tôi cũng rất bức xúc về các vụ xâm hại tình dục liên tiếp xảy ra.
Tôi rất mong có thể tiếp tục vận động để ra được hình phạt nặng hơn cho những đối tượng bị tòa kết án tội xâm phạm tình dục trẻ em.
Bao gồm cả hình phạt thiến hóa học, sử dụng các biện pháp hóa học để kẻ đó không còn khả năng có thể tiếp tục phạm tội nữa'', bà Điệp chia sẻ.
Luật sư Điệp cũng thông tin, đã có nhiều nước trong đó có Indonesia và Hàn Quốc áp dụng đạo luật ''thiến hóa học'' để tiêu diệt dục tính đối với tội phạm ấu dâm.
Ở châu Âu, các nước Đức, Anh, Đan Mạch, Thụy Điển, Ba Lan, Estonia, Moldova đều đã dùng biện pháp thiến phẫu thuật để xử lý dứt điểm những tên "yêu râu xanh" ấu dâm. Ngoài ra, tại các nước như: Argentina, Úc, Israel, New Zealand... cũng áp dụng hình phạt tương tự đối với loại tội phạm này.
Ngoài ra, theo bà Điệp, năm 1996, California đã trở thành bang đầu tiên ở Mỹ tuyên bố cho phép sử dụng hóa chất để thực hiện "thiến" đối với tội phạm hiếp dâm nhằm vào trẻ em dưới 13 tuổi hoặc phạm tội nhiều lần. Sau đó, khoảng một chục bang khác đã làm theo.
Trao đổi với PV về đề xuất này, đại biểu Quốc hội khóa 13 Đỗ Văn Đương cho rằng, nên xem xét ý kiến này để bổ sung trong hệ thống hình phạt, duy trì trật tự xã hội hiệu quả hơn.
Ông Đỗ Văn Đương.
Theo ông Đương, đây là hình phạt rất nghiêm khắc, không nhân đạo với người phạm tội nhưng phải lựa chọn lợi ích xã hội lên trên. Quyền trừng phạt tội phạm là của xã hội, nếu dư luận xã hội lên án quá gay gắt thì nhà nước cần xem xét.
Không phù hợp với điều kiện Việt Nam
Trong khi đó, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các về đề xã hội của Quốc hội khi được hỏi đã cho rằng, đề xuất "thiến hóa học" không phù hợp với điều kiện của nước ta.
Bởi theo ông Nhưỡng, để xử lý và ngăn chặn hành vi xâm hại tình dục trẻ em có nhiều cách, như biện pháp hành chính, biện pháp hình sự, vấn đề quan trọng khi phát hiện đối tượng vi phạm, cơ quan chức năng phải xử lý nhanh chóng và nghiêm khắc.
Đồng quan điểm đó, đại biểu Nguyễn Đức Sáu, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa 14, nguyên Chánh tòa Hình sự Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh cho rằng không nên thực hiện hình phạt này.
Theo ông Sáu, các tội xâm hại tình dục trẻ em cũng như xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người nói chung, trẻ em nói riêng đã được Bộ luật Hình sự quy định về tội phạm và hình phạt rất đầy đủ, tùy tính chất, mức độ mà xử lý thỏa đáng.
"Ở đây, tôi cho rằng không cần bổ sung thêm hình phạt thiến hóa học. Bởi việc này không chỉ vi phạm nhân quyền mà luật của nước ta đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng đến mức phải loại ra khỏi đời sống xã hội thì cũng chỉ áp dụng hình phạt tử hình chứ không áp dụng nhục hình.
Chưa kể còn nhiều vấn đề khác phát sinh phía sau đó...", ông Sáu nêu rõ.
Luật sư Đặng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, thiến hóa học là khái niệm chỉ biện pháp sử dụng các loại thuốc tiêm hoặc uống làm cho nam giới giảm ham muốn tình dục tới mức thấp nhất, do đó, giúp giảm khả năng lệch chuẩn trong tình dục.
Đồng thời, cũng như ngăn ngừa, hạn chế bị án có thể tiếp tục trở về xâm hại tình dục trẻ em nói riêng và phụ nữ nói chung.
"Biện pháp này nhiều người cho rằng nên cho vào một hình phạt trong Bộ Luật Hình sự nhưng cần phải có đánh giá cụ thể vì ở đây nó còn liên quan đến quyền con người, các yếu tố liên quan tới hạnh phúc gia đình, duy trì nòi giống...
Thêm vào đó, việc sử dụng thuốc này cũng chỉ có tác dụng ở một thời gian nhất định, khoảng 3 - 4 tháng, trong khi, nếu áp dụng biện pháp phạt tù thì tù nhân đã bị cách ly, không thể tiếp xúc với nữ giới, trẻ em nên không thể gây nguy hại nên nếu áp dụng kèm là không cần thiết.
Còn nếu không áp dụng phạt tù mà thả ra rồi "thiến hóa học" thì dẫn đến việc khó khăn trong bắt giữ, cưỡng chế đối tượng đến để tiêm thường xuyên, chưa kể chi phí cũng không hề rẻ...", luật sư Cường nói.
Khoản 1 Điều 20 Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm".