Sự thật thông tin hổ xuất hiện ở Phú Quốc, Thanh Hóa, Tây Ninh

Xuân Phương |

Hình ảnh con hổ được cho là bị lạc ra khỏi rừng ở Thái Lan bỗng dưng được dân mạng Việt Nam chia sẻ lại và đồn thổi là đang ở Phú Quốc, Thanh Hóa, Tây Ninh...

Chiều 18/4, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện hình ảnh con hổ đi ngang qua đường kèm nội dung là: "Cọp (hổ) đã xuất hiện trên đoạn đường từ Tây Ninh qua Dầu Tiếng (Bình Dương) khúc đoạn đường có rừng cao su. Anh em ai có đi ngang qua đoạn đường này tuyệt đối cẩn thận".

Người này còn cho biết: "Đây là ảnh thật do một người bạn Tây Ninh cung cấp" khiến mọi người xem tin là sự thật.

Bài viết này nhanh chóng được chia sẻ nhiều, đặc biệt với những người sinh sống, làm việc ở Tây Ninh và Bình Dương khiến nhiều người lo sợ.

Sự thật thông tin hổ xuất hiện ở Phú Quốc, Thanh Hóa, Tây Ninh - Ảnh 1.

Bài viết gây hoang mang trên mạng xã hội Facebook

Theo tìm hiểu của Trí Thức Trẻ, hình ảnh con hổ trong bài viết nói trên không phải ở Tây Ninh hay Bình Dương, mà đã từng xuất hiện trong một hình ảnh, được cho là một bài báo ở Thái Lan.

Đáng nói, hình ảnh ấy từng xuất hiện trên facebook kèm những nội dung như: "Vừa thấy con hổ này ở Phú Quốc, mọi người cẩn thận", hay "Thanh Hóa vừa xuất hiện hổ mọi người ơi. Đây là hình ảnh thật vừa chụp được"...

Trước câu chuyện đồn thổi này, đại diện Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh, cho biết ông cảm thấy không bất ngờ với thông tin này, bởi cách đây mấy tháng đã từng thấy qua những bài viết đồn thổi ở các tỉnh, thành khác trên cả nước. 

Đồng thời Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh cũng khẳng định không có chuyện hổ xuất hiện ở Tây Ninh.

Ông Võ Văn Lộc, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Dầu Tiếng cũng phản bác thông tin hổ xuất hiện ở rừng cao su trên địa bàn huyện.

Ông Lộc cho biết ở huyện Dầu Tiếng và vùng lân cận Tây Ninh không có hổ, cũng không có tổ chức và cá nhân nào nuôi nhốt. Hổ không xuất hiện ở khu vực huyện Dầu Tiếng như những gì mà mạng xã hội đồn thổi, lan truyền.

Đến trưa 19/4, chủ nhân tài khoản Facebook K.Y.ST, người được cho là tung tin đồn có hổ ở Tây Ninh và Bình Dương đã gỡ bỏ bài viết.

Cùng lúc, trên nhiều trang Fan Page dành cho người dân, bạn trẻ sống ở Tây Ninh như: Tây Ninh quê hương tôi, Quê hương Tây Ninh... đồng loạt đăng tải những bài viết cho biết thông tin hổ xuất hiện ở Tây Ninh và Bình Dương là tin không chính xác.

Sự thật thông tin hổ xuất hiện ở Phú Quốc, Thanh Hóa, Tây Ninh - Ảnh 3.

Hổ xuất hiện ở Tây Ninh và Bình Dương là tin không đúng

Anh Đặng Văn Phúc, đội trưởng Đội cứu nạn giao thông Tây Ninh, cũng thông tin trên cá nhân của mình: "Có rất nhiều trang mạng đã copy chia sẻ lan truyền thông tin không chính xác.

Bà con Tây Ninh đừng chia sẻ những thông tin không có tại Việt Nam nhé. Hình ảnh con hổ đi ngang đường được người dân của Thái Lan chụp lại và lan truyền trên mạng xã hội hồi tháng 1 năm 2018". 

Bài viết của anh Phúc sau đó được chia sẻ nhiều, kèm theo đó là những bình luận: "Giờ thì đỡ lo rồi", "Hóa ra là tin đồn, làm sợ từ hôm qua đến giờ"...

Tung tin đồn thất thiệt có thể bị xử lý hình sự

Thạc sĩ tâm lý Bùi Hồng Tuấn, Trung tâm tư vấn Tâm lý Việt Sơn (TP.HCM), chia sẻ: "Vì nhiều lý do, có thể là nghe từ người khác rồi đăng lại, hoặc tự bịa để câu like, thu hút theo dõi... nên ngày càng có nhiều người đồn những tin thất thiệt trên mạng.

Sau chuyện này sẽ là bài học kinh nghiệm cho nhiều người. Đó là đừng vội vàng tin tưởng vào những thông tin trên mạng. Cần kiểm chứng rõ ràng trước khi tin hoặc có ý định chia sẻ.

Vì từ việc tin một bài viết không đúng, sau đó chia sẻ lại sẽ dẫn đến nhiều hậu quả khó lường nhất là góp phần khiến dư luận hoang mang"., 

Theo LS Nguyễn Quốc Hùng (TP.HCM), thì việc đưa những tin đồn lên mạng xã hội là vi phạm Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ. Tùy mức độ sẽ bị phạt từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng.

Ngoài ra, việc đưa các tin đồn gây thất thiệt cũng có thể bị xử lý hình sự, tùy vào mức độ vi phạm.

Theo Điều 122, Bộ luật Hình sự 1999, người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại