Người lao động xếp hàng chờ rút bảo hiểm xã hội 1 lần là điều đáng suy nghĩ
Sáng 12/4, Hội đồng Tiền lương quốc gia họp phiên thứ 2 dưới sự chủ trì của ông Lê Văn Thanh - Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và xã hội, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, để tiếp tục thảo luận, thương lượng về việc tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động tại doanh nghiệp.
Trao đổi với PV Lao Động trước phiên họp, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, hiện nay, phía đại diện người lao động đang đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng từ trên 7% đến trên 8%. Thời điểm tăng lương tối thiểu từ 1/7/2022.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, hiện nay, kinh tế đang phục hồi và phát triển mạnh mẽ, trong khi đó, người lao động hết sức khó khăn do tác động của dịch Covid-19 cùng với giá cả leo thang. Lúc này, buộc phải đề xuất tăng lương tối thiểu. Đây là động lực giúp người lao động vượt khó khăn, tích cực đóng góp vào sự phát triển doanh nghiệp, nâng cao sức lao động.
"Việc tăng lương tối thiểu vùng mang lại quyền lợi cho cả 2 bên là chủ sử dụng lao động và người lao động. Thực tế càng lúc khó khăn càng phải an dân, tạo niềm tin cho người lao động"-ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.
Tăng lương tối thiểu để đáp ứng đời sống tối thiểu cho người lao động. Ảnh minh hoạ
Chia sẻ khó khăn với nhiều doanh nghiệp, song lãnh đạo Tổng LĐLĐVN cho rằng, trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng tăng liên tục, hình ảnh người lao động những ngày qua xếp hàng từ mờ sáng để chờ rút bảo hiểm xã hội 1 lần là điều rất đáng suy nghĩ để các bên đưa ra mức lương tối thiểu vùng hợp lý.
Ông Hiểu phân tích thêm: "Chúng tôi đề nghị tăng lương cho người lao động ngay từ 1/7/2022 bởi có nhiều lý do.
Thứ nhất, Nghị quyết Số 27-NQ/TW ngày 21-5-2018 của Ban Chấp hành T.Ư về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, từ năm 2021.
Thứ hai, Việt Nam đã đang chuyển sang giai đoạn phục hồi, phát triển, trong quý 1, nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi rất mạnh mẽ. Việc tăng lương vừa để hỗ trợ cho người lao động, vừa là động lực để tăng năng suất lao động, giúp cho doanh nghiệp phục hồi nhanh, phát triển mạnh", báo Thanh niên ghi lời ông Hiếu trao đổi trước phiên họp.
Lương hai năm không tăng, hụt hẫng lắm!
Chia sẻ với PV báo Tuổi trẻ, chị Trần Thị Lan (37 tuổi, quê Hà Tĩnh; công nhân may Khu công nghiệp Tân Tạo, TP.HCM) cho biết: Lương công nhân mới ở công ty tôi giờ khoảng 4,7 triệu đồng, tăng ca nữa thì khoảng 5,5 triệu đồng/tháng. Tôi làm công nhân 13 năm nên lương khoảng 8,3 triệu đồng.
Nếu độc thân chắc cũng đã khó xoay xở rồi. Trong khi vợ chồng tôi ở trọ làm công nhân nuôi hai đứa con, một đứa học lớp 8, một đứa học mẫu giáo, tiền tháng nào hết tháng đó.
Hai năm qua công ty không tăng lương, nghĩ đại dịch ai cũng khó khăn nên cũng tằn tiện sống qua ngày. Nhưng giờ giá cả tăng quá, đồng lương không còn đủ trang trải nữa, phải ráng lắm mới xoay xở nổi.
Với công nhân thì mỗi năm đều trông chờ tăng lương, hai năm không tăng thấy hụt hẫng lắm, tết về muốn ở lại quê tìm công việc khác. Nhưng rồi con cái vẫn đang học hành dở dang trong này nên cả nhà lại khăn gói trở lại. Lương thì vẫn như cũ, giá cả lại tăng, không biết còn trụ được đến bao giờ.
Từ ngày 1/4, Bộ LĐ-TB&XH đã bắt đầu khảo sát về lao động, tiền lương và mức sống của người lao động tại 18 tỉnh thành để có cơ sở cho việc điều chỉnh lương tối thiểu.
Theo thống kê của VCCI, có khoảng 10 triệu lao động cả nước chịu tác động của lương tối thiểu (con số chỉ tính lao động trong doanh nghiệp, chưa tính lao động các khu vực khác).