Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Theo đó, từ ngày 1-7-2023, mức lương cơ sở là 1.800.000 đồng/tháng.
Theo Bộ Nội vụ, mức lương cơ sở 1.490.000 đồng/tháng được giữ nguyên từ ngày 1-7-2019 đến nay; nếu so với mức lương vùng của người lao động khu vực doanh nghiệp thì mức lương 1.490.000 đồng/tháng (áp dụng đối với đối tượng hưởng lương ngân sách) mới đạt 37,89% so với mức lương tối thiểu vùng bình quân năm 2022 (3.932.500 đồng/tháng), dẫn đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang còn nhiều khó khăn.
Vì vậy, việc xây dựng Nghị định của Chính phủ điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.800.000 đồng/tháng (tăng thêm 20,8%, thực hiện từ ngày 1.7.2023) là cần thiết nhằm góp phần cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Nghị định này quy định mức lương cơ sở áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động (sau đây gọi chung là người hưởng lương, phụ cấp) làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động ở Trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cấp tỉnh), ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (cấp huyện), ở xã, phường, thị trấn (cấp xã), ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và lực lượng vũ trang.
9 đối tượng áp dụng
Người hưởng lương, phụ cấp quy định tại Điều 1 Nghị định này bao gồm:
Thứ nhất, cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp huyện quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019).
Thứ hai, cán bộ, công chức cấp xã quy định tại Khoản 3 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019).
Thứ ba, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Luật Viên chức năm 2010 (sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019).
Thứ tư, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và lực lượng vũ trang (quân đội, công an, cơ yếu) theo quy định tại Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30.12.2022 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập đang được xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14.12.2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Thứ năm, người làm việc trong chỉ tiêu biên chế trong các hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21.4.2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội.
Thứ sáu, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ và công nhân, viên chức quốc phòng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam.
Thứ bảy, sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, công nhân công an thuộc Công an nhân dân.
Thứ tám, người làm việc trong tổ chức cơ yếu.
Thứ chín, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố.
Từ ngày 1-7-2023, mức lương cơ sở là 1.800.000 đồng/tháng.
Lương hưu thay đổi thế nào sau khi điều chỉnh lương cơ sở?
(1) Mức đóng bảo hiểm xã hội
Căn cứ khoản 2 Điều 5, khoản 1 Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 :
- Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính trên cơ sở tiền lương tháng của người lao động. Theo đó, người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).
Người lao động quy định tại điểm i khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương cơ sở.
- Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính trên cơ sở mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn.
Theo đó, mức đóng BHXH được dựa trên mức lương cơ sở. Trường hợp lương cơ sở được điều chỉnh tăng 1,8 triệu đồng/tháng từ 01/7/2023, mức đóng BHXH của người lao động cũng sẽ tăng theo.
(2) Mức hưởng lương hưu
Điều 63 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về việc điều chỉnh tiền lương đóng bảo hiểm xã hội để làm căn cứ tính lương hưu, trợ cấp một lần như sau:
- Tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội để làm căn cứ tính mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động quy định tại khoản 1 Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được điều chỉnh theo mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng chế độ hưu trí đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 1-1-2016.
Đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1-1-2016 trở đi thì tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội để làm căn cứ tính mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội được điều chỉnh như quy định sau đây:
Cụ thể, tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội để làm căn cứ tính mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động quy định tại khoản 2 Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ.
Như vậy, đối với nhóm đối tượng người lao động tham gia BHXH trước ngày 1-1-2016, mức hưởng lương hưu được căn cứ vào mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng chế độ hưu trí. Trong trường hợp lương cơ sở tăng, mức hưởng lương hưu cũng sẽ tăng theo