Chiều 27/5, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tiếp thu, giải trình trước Quốc hội về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), cải cách tiền lương.
Bộ trưởng nhấn mạnh vấn đề nhiều đại biểu băn khoăn là bỏ quy định mức lương hưu thấp nhất.
Theo Bộ trưởng, mức lương hưu thấp nhất thời gian vừa qua chỉ đúng cho một giai đoạn nhất định.
Nhưng tới đây, khi thực hiện mở rộng bao phủ bảo hiểm xã hội, chúng ta bỏ mức lương hưu thấp nhất, không có nghĩa là không còn người tham gia bảo hiểm ở thấp hơn mức lương.
“Mức lương hưu thấp nhất hiện nay đang lấy mức lương cơ sở. Nhưng nếu như cứ để bắt buộc phải mức lương cơ sở này thì một loạt những người có nhu cầu không thể tham gia bảo hiểm được, vì không đủ điều kiện tham gia bằng mức lương tối thiểu.
Tại sao không cho người ta thấp hơn vẫn tham gia được, tôi đóng thấp thì tôi hưởng thấp, nhưng hưởng thấp còn hơn là không có; hai là đã đóng thấp nhưng người ta được bảo hiểm y tế, đối với người già như thế là rất quý” - Bộ trưởng nói
Bộ trưởng cũng cho biết, khảo sát khu vực nông thôn thì phương án này người dân cho là phù hợp.
Liên quan đến cải cách tiền lương, theo người đứng đầu ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, việc cải cách tiền lương đã chuẩn bị hơn 20 năm, điều khó nhất của vấn đề này là không có tiền nhưng đợt này thì có tiền rồi, Chính phủ đã chuẩn bị được 680.000 tỉ đồng...
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng cải cách tiền lương là vấn đề mới, phức tạp và cốt lõi là trả lương theo vị trí việc làm.
Tuy nhiên, muốn trả lương theo vị trí việc làm thì phải xác định được vị trí việc làm.
Vị trí việc làm có ba đặc điểm gồm tính ổn định, tính lâu dài và tính thường xuyên. Kết cấu của mỗi vị trí việc làm gồm một bản mô tả công việc và khung năng lực.
Từ đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ ra ba đề xuất về cải cách tiền lương.
Cụ thể, về mức tham chiếu, theo Bộ trưởng, bản chất mức tham chiếu là một khái niệm mới thay thế cho mức lương cơ sở, bởi vì trong Nghị quyết 27 đã nêu là bãi bỏ mức lương cơ sở. Mức tham chiếu thực chất tính trên cơ sở tăng trưởng kinh tế CPI và trên thực tiễn thu, chi, thay cho mức lương cơ sở.
“Nếu thời gian tới chưa bãi bỏ ngay mức lương cơ sở thì chúng ta tiếp tục sử dụng. Nếu sau Nghị quyết 27 nâng lên một bước nữa thì đó cũng vẫn là mức lương cơ sở và bản chất đó là tham chiếu” - Bộ trưởng cho biết.
Trước Quốc hội, Bộ trưởng cũng khẳng định, vấn đề chênh lệch lương hưu trước và sau ngày 01/7 không khó giải quyết. Cho biết đây là về vấn đề chuyên môn, Bộ trưởng nhấn mạnh đã xử lý bằng Nghị định 42 liên quan đến các đối tượng trước và sau năm 2023. Vấn đề này không khó khăn gì và tính toán được theo nguyên tắc người hưởng lương hưởng sau ngày 01/7 mà chế độ cao thì sau này chúng ta chỉ tính phần CPI. Còn lại những người trước ngày 01/7 thì sẽ có tăng trưởng kinh tế CPI và một số tăng trưởng thực tế của quỹ.
Đối với cách tính lương hưu khu vực lực lượng vũ trang, Bộ trưởng cho biết ghi nhận ý kiến này và sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền.
"Đối với các khu vực khác liên quan đến hưu trí, chúng tôi với trách nhiệm cơ quan tham mưu đã đề xuất người được hưởng lương hưu ngày 01/7 khi cải cách tiền lương cũng áp dụng ở mức cao nhất có thể” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định. Đồng thời cho biết, có thể 6 tháng cuối năm 2024 và đầu năm 2025, chúng ta cân bằng quỹ, không có kết dư, chấp nhận điều đó để đảm bảo quyền lợi cho người hưu trí.
Đối với người có công và đối tượng bảo trợ xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói sẽ cao hơn một bậc so với công nhân, viên chức./.