Nhiều điểm ô nhiễm bất thường do đốt rác
Hệ thống theo dõi chất lượng không khí PAM Air ghi nhận nhiều điểm ô nhiễm không khí bất thường tại Hà Nội và TPHCM thời gian qua như điểm đo Vĩnh Lộc B (quận Bình Chánh, TPHCM), chỉ số chất lượng không khí thường xuyên ở ngưỡng nguy hiểm vào đêm và sáng sớm, giảm dần vào ban ngày.
Theo tìm hiểu, khu vực đặt máy đo xung quanh có nhiều cơ sở sản xuất nhựa thủ công. Vào đêm muộn các cơ sở sản xuất này đốt rác thải liên quan đến sản xuất nhựa, khiến chỉ số chất lượng không khí lên ngưỡng nguy hại.
Tại Đà Lạt thời điểm cháy bãi rác Cam Ly vào cuối tháng 12/2019, chất lượng không khí thường xuyên ở ngưỡng cam với chỉ số AQI từ 100-150, ảnh hưởng đến sức khỏe nhóm nhạy cảm (người già, người mắc bệnh hô hấp) và ngưỡng đỏ- ngưỡng có hại cho sức khỏe tất cả mọi người.
Tại Hà Nội, điểm đo trên phố Hàng Quạt cũng thường xuyên ô nhiễm hơn các điểm đo khác do hoạt động của một quán bún chả gần đó.
Trong đợt ô nhiễm rất nghiêm trọng đang diễn ra, trong khi hầu hết các điểm đo ở Hà Nội chạm ngưỡng tím, xuất hiện một số điểm lên ngưỡng nâu - ngưỡng nguy hiểm nhất trong ô nhiễm không khí.
“Quá trình theo dõi chất lượng không khí, chúng tôi ghi nhận nhiều điểm ô nhiễm không khí bất thường, chỉ số ô nhiễm cao đột biến so với các khu vực xung quanh.
Nguyên nhân chủ yếu liên quan đến các hoạt động đốt ngoài trời”, bà Hà Thanh Hương, quản lý dự án theo dõi chất lượng không khí PAM Air chia sẻ.
Theo TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, các điểm đo có chất lượng không khí ô nhiễm bất thường do hoạt động đốt ngoài trời như hoạt động đốt rác, đốt rơm rạ, đốt chất thải.
Tại cuộc họp liên ngành về ô nhiễm không khí, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nêu vấn đề, Hà Nội vẫn dùng 60.000 bếp than tổ ong, hoạt động đốt rơm rạ vẫn diễn ra, đây là nguồn ô nhiễm rất lớn, các hoạt động đốt chất thải là hết sức nguy hại vì có thể phát thải Dioxin&Furan.
Nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho thấy, khoảng 7% nguyên nhân gây ra ô nhiễm bụi mịn ở Hà Nội xuất phát từ hoạt động đốt phụ phẩm nông nghiệp.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra hoạt động đốt không kiểm soát ngoài trời là nguồn phát sinh lượng lớn bụi mịn PM2.5 đồng thời là nguồn phát thải Dioxin/Furan vào không khí.
Cần luật hóa việc cấm đốt ngoài trời
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi. Trong các điều cấm của dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi không có hoạt động cấm đốt ngoài trời.
Tại Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi các tỉnh phía Bắc, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đề xuất, cần đưa thêm hành vi đốt rơm rạ, đốt than tổ ong vào danh sách các hành vi cấm trong dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi.
Theo bà Hà Thanh Hương, ở Việt Nam đang có một số hoạt động không chịu sự quản lý và không kiểm soát được như hoạt động đốt rác thải, rác sinh hoạt, đốt rơm rạ, hoạt động của làng nghề thủ công. Các hoạt động này gây “nhiễu” trong việc đánh giá kiểm kê các nguồn thải khác.
Theo TS. Hoàng Dương Tùng, hoạt động đốt ngoài trời đã được nhiều nơi như Singapore, Hồng Kông cấm. Để cấm hoạt động này, họ có định nghĩa rõ ràng về hoạt động đốt ngoài trời không kiểm soát.
Tại Việt Nam để luật hóa được vấn đề này cần phải bàn thảo, cân nhắc và nghiên cứu kỹ. “Cấm là điều cần thiết nhưng cần bàn kỹ để quy định có tính khả thi trong thực tế, tránh tình trạng nhờn luật”, ông Tùng chia sẻ.
Theo TS. Hoàng Dương Tùng, hoạt động đốt ngoài trời đã được nhiều nơi như Singapore, Hồng Kông cấm. Để cấm hoạt động này, họ có định nghĩa rõ ràng về hoạt động đốt ngoài trời không kiểm soát.