Ngày 7/6, Hội thảo "Không khí sạch - Thành phố xanh" do Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội phối hợp cùng Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng phối hợp tổ chức tại Hà Nội.
Hội thảo nhằm tăng cường đối thoại và hợp tác giữa các bên từ khu vực nhà nước, khối tư nhân, các tổ chức xã hội, các đối tác phát triển để thúc đẩy các hành động chung về nâng cao chất lượng không khí, bảo vệ sức khỏe người dân.
Buổi hội thảo có sự tham dự của gần 70 đại biểu đến từ UBND TP Hà Nội, Ban Tuyên giáo Thành uỷ, các Sở, ban ngành TP Hà Nội: Sở Công thương, Sở Giáo dục – Đào tạo, Sở Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn, Sở Khoa học – Công nghệ, Sở Thông tin – Truyền thông, Tổng cục Môi trường – Bộ Tài nguyên Môi trường....
Về phía các đối tác phát triển, có sự tham gia của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Cơ quan Hợp tác Phát triển Đức, Ngân hàng thế giới...
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Minh Mười - Phó giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội cho biết: Sở TN&MT đang triển khai các hành động cụ thể như chương trình không sử dụng bếp than tổ ong, không đốt rơm rạ, kiểm kê nguồn thải, đánh giá phơi nhiễm sức khỏe do sử dụng bếp than tổ ong.
Đồng thời, Sở cũng tăng cường công tác kiểm soát các cơ sở gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng trên địa bàn thành phố.
Bà Lê Thanh Thủy - cán bộ Sở TN&MT Hà Nội cho hay, trong năm 2017 và 2018 Sở TN&MT Hà Nội triển khai xây dựng lộ trình không sử dụng bếp than tổ ong trong TP. Hà Nội
Ngoài ra, đơn vị này còn xây dựng các chiến dịch "cánh đồng không đốt rơm rạ" từ nay đến năm 2020.
Bà Thủy chia sẻ, trong ngày 6/6, Sở TN&MT Hà Nội cũng đã tiến hành sử dụng chế phẩm của mùa gặt tại 17 huyện ngoại thành của TP. Hà Nội.
Cũng tại hội thảo, bà Đỗ Vân Nguyệt (tổ chức Live and Learn) cho biết, một trong những đối tượng bị ảnh hưởng của việc ô nhiễm không khí nhiều nhất là trẻ em.
Bà Nguyệt phát biểu: "Theo tổ chức Y tế thế giới công bố gần đây cho thấy, cứ 10 người dân thì có 9 người dân bị hít thở không khí không sạch.
Chúng tôi có khảo sát nhanh trực tiếp với khoảng 400 bố mẹ và trẻ em tại Hà Nội ở các địa điểm khác nhau thì mọi người đều cho rằng việc ô nhiễm không khí đều là do các ngành nghề công nghiệp.
Tuy nhiên, còn các nguyên nhân hàng ngày khiến không khí bị ô nhiễm như hành vi đốt rác, đốt rơm rạ, sử dụng các loại bình xịt trong gia đình thì hầu hết mọi người chưa ý thức được.